Washington và Brussels dự kiến sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán FTA từ đầu tháng Bảy này để mở ra một khu vực mậu dịch tự do trị giá hàng trăm tỷ USD. Tuy nhiên, vụ bê bối nghe lén có thể sẽ phủ mây đen lên bàn đàm phán, đẩy lùi nỗ lực tăng cường thương mại xuyên Đại Tây Dương.
Một quan chức cấp cao ở Brussels cho rằng trước tiên cần phải đánh giá mức độ ảnh hưởng của vụ bê bối này đối với đàm phán thương mại, bởi không thể tránh được những tranh cãi tại Nghị viện châu Âu và quan hệ song phương Mỹ-EU chắc chắn sẽ lâm vào sóng gió.
Theo ông Robert Madelin, một quan chức Anh tại Ủy ban châu Âu (EC), các nhà đàm phán thương mại EU thường vạch kế hoạch hành động dựa trên những gì họ nghe được từ giới truyền thông.
Ông Guy Verhofstadt, cựu Thủ tướng Bỉ và hiện là lãnh đạo phái tự do tại Nghị viện châu Âu, yêu cầu Mỹ phải chấm dứt ngay chương trình nghe lén. Theo ông, vụ việc này đã gây ra khủng hoảng niềm tin giữa các nước. Phía EU muốn Mỹ phải có lời giải thích từ cấp cao, và những cam kết rõ ràng rằng chương trình gián điệp đã được chấm dứt.
Thỏa thuận khởi động đàm phán FTA được các nhà lãnh đạo Mỹ và EU đạt được tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8) ở Bắc Irland giữa tháng Sáu vừa qua.
Hai bên hy vọng có thể gác lại những tranh chấp và mâu thuẫn để thúc đẩy tiến trình đàm phán FTA xuyên Đại Tây Dương đầy tham vọng, từ đó mở ra cơ hội thu hút vốn đầu tư, tạo thêm việc làm và tăng kim ngạch trao đổi mậu dịch. Tuy nhiên, hy vọng này có nguy cơ tan vỡ khi vụ bê bối nghe lén bị "đưa ra ánh sáng." Các nước EU, đặc biệt là Đức, vốn hoài nghi về ý đồ của Mỹ giờ đây hoàn toàn có cớ để trì hoãn tiến trình đàm phán FTA.