Nguy cơ khủng bố tại Afghanistan vẫn ở mức độ rất cao và thế khó của Mỹ

Thứ Hai, 30/08/2021 19:11 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sau vụ đánh bom liều chết đẫm máu ở sân bay gần thủ đô Kabul của Afghanistan vào cuối tuần trước, hiện nguy cơ khủng bố ở quanh khu vực này đang được đặt trong tình trạng báo động rất cao.

Tình hình Afghanistan: Tổng thống Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục tấn công khủng bố IS

Tình hình Afghanistan: Tổng thống Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục tấn công khủng bố IS

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 28/8 khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào ISIS-K, một nhánh của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Afghanistan, để đáp trả vụ tấn công liều chết do lực lượng này gây ra bên ngoài sân bay Kabul hôm 25/8.

Trong bối cảnh này, nhiều người lo ngại việc Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho các chiến binh, các nhóm khủng bố và cực đoan trỗi dậy trên khắp thế giới.         

An ninh bất ổn   

Tối ngày 26/8 vừa qua, trong bối cảnh các nước phương Tây vẫn đang khẩn trương các công việc sơ tán công dân của nước mình và những người Afghanistan muốn rời khỏi quốc gia Nam Á này, một sự kiện bất ngờ gây chấn động đã xảy ra.

Đó là hai vụ đánh bom tại địa điểm gần sân bay ở Kabul, khiến ít nhất 170 người thiệt mạng, trong đó có 13 lính Mỹ. Nhóm khủng bố có tên gọi đầy đủ là Nhà nước Hồi giáo Khorasan (ISIS-K), một chi nhánh của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Afghanistan, tuyên bố thực hiện các vụ tấn công này.       

Chú thích ảnh
Chuyển người bị thương trong vụ đánh bom liều chết bên ngoài sân bay quốc tế Kabul của Afghanistan, ngày 26/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngay sau sự việc trên, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đều lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố gây nhiều thương vong gần sân bay tại thủ đô Kabul, Afghanistan. Vụ việc cho thấy tình hình hỗn loạn tại Afghanistan, nhưng đồng thời củng cố thêm quyết tâm của thế giới trong việc ủng hộ và hỗ trợ khẩn cấp cho người dân nước này.  

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26/8 cho biết thông điệp của ông gửi tới những phần tử tấn công các lực lượng Mỹ ngày hôm nay là Mỹ sẽ không bỏ qua, không quên và sẽ truy lùng những phần tử này để bắt chúng phải trả giá.      

Và chưa đầy 48 giờ kể từ sau vụ đánh bom liều chết đẫm máu tại sân bay Kabul do nhóm ISIS-K thực hiện, quân đội Mỹ ngày 28/8 đã phản công nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tấn công hai thành viên IS tại Afghanistan. Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ tuyên bố Mỹ đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào hai thành viên IS tại Nangahar, kẻ được cho là tham gia vào việc lên kế hoạch các vụ tấn công chống lại Mỹ ở Kabul. Người phát ngôn Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ - Đại tá Hải quân William Urban cho biết, cuộc tấn công đã tiêu diệt đối tượng và không gây ra thương vong cho dân thường.       

Ngày 29/8, các lực lượng Mỹ tiếp tục tiến hành một cuộc không kích thứ hai ở Kabul nhằm vào các đối tượng tình nghi là tay súng IS-K đang chuẩn bị đánh bom tự sát gần sân bay ở thủ đô. Hiện chưa có báo cáo về thương vong vụ việc trên.   

Đồng thời, Mỹ tiếp tục đưa ra báo động an ninh khẩn cấp về một "mối đe dọa rõ ràng và nghiêm trọng" gần sân bay quốc tế ở thủ đô Kabul của Afghanistan và kêu gọi công dân của mình rời khỏi khu vực này. Đại sứ quán Mỹ tại Kabul đã phát đi báo động an ninh khẩn cấp, trong đó nhấn mạnh: "Do xuất hiện một mối đe dọa rõ ràng và nghiêm trọng, tất cả công dân Mỹ ở khu vực gần sân bay Kabul... nên rời khỏi khu vực này ngay lập tức". Trong cảnh báo của mình, đại sứ quán lưu ý mối đe dọa đối với "cổng phía Nam, trụ sở mới của Bộ Nội vụ và cổng gần cây xăng Panjshir ở phía Tây Bắc của sân bay".   

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 28/8 cũng khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào ISIS-K và săn lung những kẻ liên quan đến vụ đánh bom gần sân bay Kabul vừa qua. Đồng thời ông Biden cũng đánh giá tình hình trên thực địa tại Kabul vẫn “cực kỳ nguy hiểm”. Hiện các lực lượng Mỹ tại Afghanistan được đặt trong tình trạng báo động trước nguy cơ khủng bố, trong bối cảnh hạn chót (ngày 31/8) rút toàn bộ lực lượng đã rất gần.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mỹ gác tại sân bay Kabul, Afghanistan, ngày 16/8/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nguy cơ khủng bố hiện hữu  

Có thể thấy rõ, sau những biến động chóng vánh tại Afghanistan với việc lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, một trong những vấn đề khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại, đó là nguy cơ chủ nghĩa khủng bố sẽ trỗi dậy tại quốc gia Nam Á này.       

Trong cuộc họp báo ngày 15/8, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cho rằng các tổ chức khủng bố có thể tái hợp lực lượng ở Afghanistan vào thời điểm hỗn loạn này sớm hơn 2 năm so với dự kiến. Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 16/8 cũng kêu gọi thế giới đoàn kết lại để trấn áp nguy cơ khủng bố toàn cầu ở Afghanistan sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát Kabul.        

Thật vậy, việc Mỹ rút khỏi Afghanistan, cộng với việc Taliban kiểm soát được Afghanistan đã làm dấy lên nỗi lo về việc các nhóm khủng bố như Tổ chức Hồi giáo tự xưng (IS), Al Qaeda sẽ dễ dàng thu hút được nhiều phần tử tham gia hơn, gây nên một mối đe dọa lớn về khủng bố, nhất là ở Trung Đông. Một báo cáo của Liên hợp quốc ước tính rằng Al Qaeda vẫn còn khoảng 400-600 thành viên đang ở Afghanistan và chiến đấu bên cạnh Taliban. Từ năm 2014, một số chiến binh Arab thuộc Tổ chức Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria đã chạy sang ẩn náu ở Afghanistan.   

Chú thích ảnh
Các tay súng Taliban gác tại thủ đô Kabul, Afghanistan. Ảnh: THX/TTXVN

Cả Al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo ở tỉnh Khorasan thời gian qua đã tận dụng những khoảng trống an ninh để mở rộng hoạt động ở Afghanistan. ISIS-K, hay ISIS-Khorasan, là một nhánh của nhóm khủng bố IS, có các thành viên là các chiến binh thánh chiến từ Syria, Iraq và các chiến binh khủng bố nước ngoài”, xuất hiện tại Afghanistan từ năm 2015. Theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, IS Khorasan được thành lập bởi Hafiz Zaeed Khan, quốc tịch Pakistan, người cam kết trung thành với lãnh đạo IS đã bị tiêu diệt Abu Bakr al-Baghdadi.

Nhóm này ban đầu có quy mô nhỏ, chủ yếu gồm các tay súng Pakistan, hiện diện phần lớn ở phía Đông Afghanistan. Về sau, một số tay súng Taliban cũng đầu quân cho nhóm. ISIS-K còn thu hút cả các thành viên từ những tổ chức cực đoan khác trong khu vực.  ISIS-K đã sử dụng vị trí hiểm trở ở biên giới để thu thập các nguồn hậu cần và tuyển mộ chiến binh từ các bộ lạc của Pakistan. Chúng câu kết với các nhóm chiến binh địa phương khác tạo nên những liên minh hoạt động.        

Trong vòng 3 năm đầu tiên, ISIS-K đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các nhóm thiểu số, các khu vực công cộng và các tổ chức cũng như mục tiêu của chính phủ ở các thành phố lớn trên khắp Afghanistan và Pakistan. Đến năm 2018, nó đã trở thành một trong bốn tổ chức khủng bố sát hại nhiều người nhất trên thế giới - theo Chỉ số Khủng bố Toàn cầu của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP).   

Năm 2019, sau khi IS bị đánh bại ở Iraq và Syria, Liên hợp quốc cảnh báo chi nhánh của IS ở Afghanistan đã nhận được hàng trăm triệu USD để tiến hành các hoạt động khủng bố. Các cuộc không kích do Mỹ tiến hành đã tiêu diệt nhiều lãnh đạo chủ chốt của ISIS-K từ rất sớm, trong đó có cả thủ lĩnh Hafiz Zaeed Khan. Dù vậy, nhóm khủng bố này vẫn chưa bị xóa sổ hoàn toàn. Liên hợp quốc nhận định ISIS-K hiện duy trì một nhóm nòng cốt với khoảng 2.200 chiến binh ở tỉnh Konar và Nangahar và các nhóm nhỏ hơn nằm rải rác khắp Afghanistan.   

Mục tiêu của ISIS-K là tạo ra sự hỗn loạn và bất ổn, trong nỗ lực đẩy các chiến binh vỡ mộng từ các nhóm khác gia nhập hàng ngũ của chúng, cũng như gây nghi ngờ về khả năng bảo đảm an ninh của bất kỳ chính phủ cầm quyền nào với người dân.   

Trong bối cảnh Taliban đã chiếm giữ thủ đô Kabul và đang tiến hành các bước đi hướng đến thành lập chính phủ mới, dư luận rất lo ngại điều này sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho các chiến binh, các nhóm khủng bố và cực đoan như ISIS-K hoạt động trở lại trên khắp thế giới.                 

Thế khó của Mỹ   

Trong bối cảnh tình hình an ninh vẫn đang hỗn loạn ở Afghanistan, vụ đánh bom ở sân bay Kabul do nhóm ISIS-K thực hiện ngày 26/8 đang đặt ra cho Mỹ những tình huống khó xử. Vụ đánh bọm diễn ra vào giai đoạn cuối của quá trình Mỹ sơ tán công dân khi 1.000 công dân Mỹ vẫn chưa thể rời Afghanistan và hàng nghìn người Afghanistan từng hỗ trợ quân đội Mỹ lo sợ bị Taliban hành quyết nếu họ bị bỏ lại.

Bởi vậy các cuộc tấn công ở sân bay Kabul đã cho thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Tổng thống Biden phải đối mặt khi các đồng minh yêu cầu mở rộng hạn chót. Nếu rời đi theo hạn chót (ngày 31/8), Tổng thống Biden không thể đưa tất cả người dân Mỹ và hàng nghìn đồng minh Afghanistan rời khỏi lãnh thổ hiện do Taliban kiểm soát. Tuy nhiên, nếu ở lại, quân đội Mỹ sẽ đối mặt với nguy hiểm ngày càng lớn.    

Tướng Kenneth "Frank" McKenzie, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ đã cảnh báo, những mối đe dọa mới từ ISIS-K, liên quan đến việc đánh bom liều chết hoặc nã rocket, có thể sẽ tiếp tục xảy ra trong những ngày tới. Điều này có nghĩa là một vài ngày tới sẽ là thời điểm căng thẳng và nguy hiểm nhất với quân đội Mỹ trong toàn bộ cuộc chiến ở Afghanistan.   

Dù Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố sẽ trả thù những phần tử ISIS-K đã thực hiện vụ đánh bom liều chết ngày 26/8 song các nhà phân tích cho rằng điều này sẽ vấp phải nhiều khó khăn nếu Mỹ không có quân đội trên thực địa hoặc bất kỳ nơi nào khác gần Afghanistan. Hiện Tổng thống Biden cho biết Mỹ có thể sẽ sử dụng không lực hoặc máy bay không người lái được vũ trang tên lửa để đối phó và đảm bảo rằng Afghanistan không một lần nữa trở thành nơi trú ẩn cho những kẻ khủng bố đe dọa đến an ninh nước Mỹ.   

Tuy nhiên một số quan chức, trong đó có cả những nhà lãnh đạo quân sự hiện nay của Lầu Năm Góc như Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin, hay Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cho rằng việc duy trì một lực lượng khiêm tốn từ 3.000-4.500 quân cùng với việc sử dụng các máy bay không người lái và hỗ trợ trên không mới có thể giúp các lực lượng an ninh Afghanistan tiếp tục trì hoãn Taliban và không khiến người Mỹ gặp rủi ro.   

Dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, song Tổng thống Biden đến nay vẫn giữ nguyên quyết định sẽ rút quân khỏi Afghanistan bất kể tình tình ra sao. Theo các nhà phân tích, ở thời điểm này, quyết định đã được đưa ra và không thể rút lại được nữa. Tổng thống Biden đã có chọn lựa của riêng mình. Ông muốn trở thành tổng thống chấm dứt cuộc chiến dài nhất nước Mỹ. Dù đúng hay sai, ông đã đưa ra quyết định và tiếp tục thực hiện nó mà không có bất kỳ sự thỏa hiệp nào.

Trọng Đức/TTXVN (tổng hợp)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›