(Thethaovanhoa.vn) - Nguyệt thực dài nhất thế kỷ 21 sẽ diễn ra vào rạng sáng 28/7. Nhân dịp này, Thể thao & Văn hóa đã có cuộc trao đổi nhanh với nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) về những kiến thức, kinh nghiệm thưởng lãm hiện tượng có một không hai của thế kỷ.
- Rạng ráng ngày 28/8: Ngoài nguyệt thực toàn phần, còn xem được cả mưa sao băng và sao Hỏa ở gần Trái Đất nhất
- Thời tiết đêm nay, rạng sáng 28/7: Khó quan sát nguyệt thực dài nhất thế kỷ ở Việt Nam
Ông Sơn cho hay:
- "Do Nguyệt thực rất an toàn với mắt nên mọi người đều có thể theo dõi bằng mắt thường. Tuy nhiên nếu có sự hỗ trợ của kính thiên văn, ống nhòm hay máy ảnh có zoom quang học tương đối cao thì chúng ta sẽ thu được hình ảnh đẹp hơn.
Hiện nay có khá nhiều loại kính thiên văn và ống nhòm có giá cả và chất lượng phù hợp để người yêu khoa học có thể quan sát các hiện tượng thiên văn cơ bản như thế này.
Để quan sát được hiện tượng này thì điều kiện tiên quyết là thời tiết. Nếu trời có mây mù hoặc mưa thì chúng ta sẽ không thể quan sát được.
* Theo dự báo thời tiết thì ở Việt Nam, mọi người khó có thể quan sát hiện tượng Nguyệt thực một cách trọn vẹn? Ông có nghĩ thế không?
- Theo dự báo thời tiết thì có lẽ đêm nay sẽ khá nhiều khu vực của Việt Nam khó theo dõi hiện tượng này. Tại những nơi thời tiết lý tưởng (không có mây), người quan sát chỉ cần nhìn về phía Mặt Trăng để theo dõi hiện tượng. Nếu có thể, người quan sát nên chọn nơi quan sát có góc nhìn rộng và đặc biệt là hạn chế tối đa ánh đèn chiếu thẳng vào mắt.
Nguyệt thực sẽ bắt đầu pha nửa tối lúc 00h14 rạng sáng mai (ngày 28/7), tuy nhiên giai đoạn thực sự đáng chú ý là khi bắt đầu pha một phần lúc 01h24 cho tới khi kết thúc pha này lúc 05h19, trong đó pha toàn phần kéo dài từ 02h30 đến 04h13.
* Ông có thể cho biết, ở Việt Nam hiện nay có những câu lạc bộ hay các nhóm bạn trẻ nào chuyên "săn" Nguyệt Thực và Nhật thực?
- Ở Việt Nam hiện nay có nhiều câu lạc bộ và các nhóm bạn trẻ (đa số là học sinh, sinh viên) hoạt động rất sôi nổi trong việc quan sát những hiện tượng thế này. Địa điểm quan sát của các bạn thường là những khu vực có góc nhìn rộng và ít ô nhiễm.
Tuy nhiên với điều kiện thời tiết không khả quan hiện nay cùng với việc sự kiện diễn ra sau nửa đêm, việc tổ chức quan sát là rất khó thực hiện.
* Đến bây giờ, vẫn còn rất nhiều người chưa nắm rõ về hiện tượng Nguyệt thực là gì? Nhân đây ông có thể "định nghĩa" lại một lần nữa để mọi người hiểu rõ hơn?
- Nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng nằm gần như thẳng hàng, với Trái Đất nằm giữa Mặt Trời và Mặt Trăng.
Khi đó Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối phía sau Trái Đất nên chỉ nhận được rất ít ánh sáng Mặt Trời, vì thế nó tối hơn so với bình thường và có màu đỏ thay vì vàng sáng như mọi khi.
Hòa Nguyễn (Thực hiện)
Tags