(TT&VH) - Sau khi Anders Behring Breivik gây ra các vụ đánh bom, thảm sát khiến 76 người thiệt mạng ở Na Uy, đã có tin y có thể sẽ bị đưa tới giam giữ ở nhà tù an ninh tối cao Halden Fengsel. Nếu như điều này là sự thực, đó có lẽ sẽ là tin vui với sát thủ máu lạnh trên, bởi tới nay Halden vẫn được xem là nhà tù nhân đạo nhất và sang trọng bậc nhất thế giới.
Vào thời điểm tiếng kèn trumpet lắng xuống, những ngọn nến đã được thắp sáng và cỗ bàn chuẩn bị xong xuôi, Vua Harald V của Na Uy mới tiến vào bên trong, dưới tràng vỗ tay không ngớt của 200 khách mời. Tiếp đó 30 người, cả nam lẫn nữ mặc cảnh phục xanh dương, cất tiếng hát vang bài We Are the World. Khung cảnh này không phải là một bữa tiệc tại Cung điện hoàng gia ở Oslo, mà diễn ra trong lễ khai trương nhà tù Halden Fengsel hồi năm ngoái.
Nhà tù sang trọng bậc nhất
Mất 10 năm xây dựng và tiêu tốn số tiền lên tới 1,5 tỉ kroner (252 triệu USD), nhà tù mới nhất của Na Uy mới hoàn thành. Nó nằm trên một khu vực rộng 30ha ở phía Đông Nam đất nước và là nhà tù lớn thứ 2 ở Na Uy, với khả năng chứa 252 tù nhân.
Halden là biểu tượng cho thấy quan điểm của quốc gia Bắc Âu về nhà tù: đó là các hình phạt hà khắc không có tác dụng cải tạo con người và việc đối xử tù nhân một cách nhân đạo có thể đẩy mạnh cơ hội tái hòa nhập xã hội của họ.
“Hệ thống nhà tù Na Uy đặt trọng tâm hướng vào sự tôn trọng cá nhân và quyền con người” - Are Hoidal, giám đốc nhà tù tuyên bố.
Trên quan điểm đó, Halden được thiết kế để tù nhân không cảm thấy như họ đang phải sống ở một nơi biệt lập, để trả giá cho lỗi lầm mình gây ra. Nó sử dụng cách trang trí và phối màu rất nhã, như trong một studio âm thanh. Bầu không khí ở đây không có mùi nước tiểu và mồ hôi. Thay vì thế, đó là không khí trong lành hoặc mùi thức ăn thơm phức tỏa ra từ các khóa học nấu nướng bên trong. “Điều quan trọng là nhà tù trông giống thế giới ngoài đời hết mức có thể” - Hans Henrik Hoilund, một trong những kiến trúc sư giúp xây dựng Halden nói.
Để tránh cảm giác tù túng của một trung tâm giam giữ, người ta đã trồng cây cạnh bức tường bao quanh nhà tù, vốn cao 6 mét làm từ bê tông, và vì thế trông nó không quá kinh khủng. Các phòng giam trông giống như những phòng ở của sinh viên ở ký túc xá, bên trong có phòng tắm riêng, TV màn hình phẳng và tủ lạnh cỡ nhỏ.
Các nhà thiết kế đã dành cho mỗi phòng một cửa sổ rất rộng để có nhiều ánh sáng lọt vào bên trong và các cửa sổ này không có chấn song sắt. Cứ mỗi 10-12 phòng giam lại chia sẻ 1 phòng khách và một bếp ăn. Trong các phòng này có ghế sofa, bàn uống cà phê và những món đồ khác trông giống hệt ở một gia đình bình thường.
Halden có một nhà tập luyện thể lực, nơi tù nhân có thể tới chơi bóng rổ, bóng đá và leo núi trong nhà. Nó cũng có nhà nguyện, thư viện, trường học và điều khó tin nhất là một studio ghi âm. Halden không ngại sử dụng các gam màu sáng, vui tươi và đã chi khoảng 1 triệu USD để thuê nghệ sĩ vẽ tranh đường phố tên Dolk sáng tạo các tác phẩm dành riêng cho không gian trong tù.
Đồ đạc tiện nghi, chăn đệm thơm tho bên trong
một phòng giam bình thường ở nhà tù Halden
“Cảm hóa” tù nhân
Tất cả những điều kiện sống tuyệt vời này trong nhà tù Halden chỉ nhằm một mục đích: cải tạo tốt nhất các tù nhân. “Khi tới đây, nhiều tù nhân đang trong tình trạng xấu” - Hoidal nói và cho biết nhà tù chứa những kẻ buôn ma túy, giết người, hiếp dâm và nhiều dạng tội phạm khác - “Chúng tôi muốn xây dựng lại con người họ, cho họ sự tự tin thông qua việc giáo dục, lao động và sẽ thả tự do khi họ là những con người tốt hơn”.
Các thông số về việc tái phạm tội dường như đã ủng hộ quan điểm của Hoidal nói riêng, giới chức nhà tù Na Uy nói chung. Trong vòng 2 năm kể từ khi được trả tự do, chỉ có 20% tù nhân Na Uy tái phạm tội và trở lại tù. Ở Anh và Mỹ, tỉ lệ này luôn dao động ở mức 50-60% .
Tỉ lệ tái phạm thấp còn nhờ một thực tế là quốc gia Bắc Âu có tỉ lệ phạm tội thấp. Các nhà tù ở nước này chỉ giam giữ vỏn vẹn 3.300 tù nhân, tức 69 người/ 100.000 dân, so với mức 2,3 triệu tù nhân ở Mỹ. Tỉ lệ 753 tù nhân/100.000 dân cũng khiến Mỹ là nước có tỉ lệ tù nhân/dân số cao nhất thế giới.
Quản giáo như người nhà
Tuy nhiên giới chức Halden nói rằng không phải những phòng giam thơm tho và điều kiện sống tiện nghi giúp tù nhân cải tạo nhanh. Tài sản quý nhất của nhà tù lại chính là mối quan hệ tốt đẹp giữa phạm nhân và quản giáo.
Ở Halden, quản giáo không mang theo súng bởi chúng có thể tạo khoảng cách, gây cảm giác hăm dọa và thù địch giữa 2 cộng đồng dân cư chính trong nhà tù. Quản giáo ở đây thường xuyên ăn uống và chơi các trò thể thao với tù nhân. “Rất nhiều tù nhân có xuất thân từ các gia đình quá tệ, nên chúng tôi muốn tạo cảm giác một gia đình đầm ấm” - quan chức nhà tù Per Hojgaard Nielsen nói.
Khoảng một nửa trong số các quản giáo là phụ nữ và Hoidal tin rằng riêng yếu tố này đã làm giảm bớt sự ngột ngạt và không khí gây hấn trong nhà tù. Tù nhân cũng thường được phát các phiếu thăm dò về trải nghiệm của họ trong tù ra sao để việc giam giữ có thể tiếp tục được cải thiện.
Điều quan trọng nữa là ngoài các quản giáo, rất nhiều người Na Uy cũng hứng thú với việc tham gia giúp phạm nhân sửa chữa lỗi lầm. “Không một ai trong số chúng tôi bị buộc làm việc ở đây. Chúng tôi đã đưa ra lựa chọn của mình” - Charlott-Renee Sandvik Clasen, một giáo viên âm nhạc ở nhà tù Halden thổ lộ với tờ Time - “Mục tiêu của chúng tôi là giúp tất cả các tù nhân, những người chúng tôi gọi là học sinh, một cuộc sống đầy ý nghĩa bên trong các bức tường của nhà giam. Chính sự ấm áp của tình người như thế, không phải vì những chiếc TV đắt tiền, đã có những tác động cải tạo kéo dài lên tù nhân”.
Tường Linh