(Thethaovanhoa.vn) - Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Monash ở Australia đã phát hiện ra hai phân tử có thể đối phó với bệnh hen suyễn và rối loạn chức năng phổi do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Theo bài viết trên tạp chí Nature Immunology, đây là kết quả của một nghiên cứu nhằm xác định cơ chế tương tác của hệ thống miễn dịch với hệ vi khuẩn đường ruột ở chuột biến đổi gen. Kết quả cho thấy một sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa vi khuẩn đường ruột được gọi là p-Cresol (PCS) đã giúp bảo vệ mạnh mẽ cá thể thử nghiệm chống lại bệnh hen suyễn. Bản thân PCS được tạo ra bởi các phản ứng liên quan đến axit amin L-Tyrosine.
Ngoài ra, bài viết cũng nhấn mạnh rằng việc sử dụng PCS hoặc L-Tyrosine cho chuột giúp ngăn ngừa bệnh viêm phổi khá hiệu quả. PCS hoạt động trên các tế bào biểu mô lát đường hô hấp giúp ngăn ngừa các phản ứng dị ứng trong bệnh hen suyễn.
Hiệu quả của các phân tử này đã được chứng minh thông qua nghiên cứu trên động vật bị hội chứng suy hô hấp cấp tính, một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2. Nhóm nghiên cứu hiện đã bắt đầu phát triển một loại thuốc dựa trên PCS không tiềm ẩn tác dụng phụ. Phát hiện này có thể giúp cứu sinh mạng nhiều bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.
- Dịch Covid-19 ngày 26/1: Hơn 100 triệu ca nhiễm trên toàn cầu
- Đức phát hiện ổ dịch Covid-19 ở nhà máy sản xuất máy bay Airbus tại Hamburg
Cùng ngày, tạp chí Science đã công bố một nghiên cứu xác nhận thuốc plitidepsin của công ty dược phẩm PharmaMar của Tây Ban Nha có “hiệu quả tiền lâm sàng” đối với bệnh COVID-19.
Nghiên cứu do một nhóm các nhà khoa học ở New York, San Francisco và Paris thực hiện. Nghiên cứu chỉ ra rằng thuốc plitidepsin có khả năng ức chế sự nhân lên của virus, dẫn đến việc giảm 99% lượng virus trong phổi của các động vật đã được sử dụng plitidepsin. Tạp chí Science khuyến cáo thuốc plitidepsin nên được thử nghiệm lâm sàng rộng rãi trong điều trị COVID-19.
Bích Liên - TTXVN
Tags