Những bí ẩn quanh "tàu ma" Arctic Sea

Thứ Ba, 18/08/2009 09:21 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Trong thời đại công nghệ cao như hiện nay, khi “cái kim” cũng có thể tìm thấy qua vệ tinh, thì việc mất tích đầy bí ẩn của một tàu chở hàng nặng 4.000 tấn như Arctic Sea là không bình thường.

Không dấu vết

Arctic Sea là một tàu chở hàng treo cờ Malta. Chiếc tàu dài 100m, rộng 17m này bắt đầu hành trình từ một cảng ở Phần Lan và theo kế hoạch nó phải cập bến tại Algeria ngày 4/8 để giao lô hàng gỗ trị giá 1,8 triệu USD. Tuy nhiên, con tàu cùng thủy thủ đoàn gồm 15 người Nga đã biến mất không một dấu vết. Theo các chuyên gia, có một thực tế hết sức lạ lùng là trong thế giới hiện đại, nơi người ta dễ dàng nhận dạng, ghi dấu và lần theo thậm chí một con thú nuôi thì việc theo dõi tàu biển lại rất khó khăn. Một con tàu có thể đi hàng ngàn hải lý mà không bị vệ tinh hay bất kỳ thiết bị nào khác phát hiện. Nick Davis, một cựu binh lục quân Anh và hiện đang điều hành Trung tâm An ninh - Tình báo hàng hải, nói với tờ Telegraph rằng người ta có thể mất dấu các con tàu hoàn toàn khi chúng ra khơi nếu mọi thiết bị điện tử trên tàu đều bị tắt.


Arctic Sea, “tàu ma” thời hiện đại

Theo Davis, bất kỳ con tàu biển nào nặng hơn 300 tấn đều được trang bị hệ thống nhận dạng tự động (AIS). Tuy nhiên, các con tàu không bắt buộc phải bật thiết bị này lên. “Tất cả những gì một con tàu phải làm khi đi biển là chứng minh nó có một hệ thống dẫn đường đúng và tuân thủ luật khi đi “đường”. Nhưng tự do trên biển là quyền của mọi người” - ông nói.

Theo ông, các vệ tinh được sử dụng để cung cấp ảnh cho Google Earth hay các chương trình khác không có khả năng bao quát toàn bộ một khu vực rộng lớn và không thể cung cấp hình ảnh chuyển động thời gian thực như trong phim để biết một con tàu biển đang đi đâu.

Khả năng cướp biển

Trong lúc chưa tìm thấy dấu vết của Arctic Sea, có tin nói rằng con tàu này đã bị cướp biển tấn công khi đang đi trên vùng biển Thụy Điển ngày 24/7. Theo hãng tin AFP thì 1 ngày sau khi rời Phần Lan, có khoảng 8 hoặc 10 người đàn ông bịt mặt đã nhảy lên tàu Arctic Sea. Tự xưng là cảnh sát chống ma túy, họ trói các thủy thủ và lục soát con tàu một cách kỹ lưỡng, sau đó cởi trói cho thủy thủ rồi bỏ đi. Nhà chức trách chỉ biết về vụ việc sau đó vài ngày.

Ngày 28/7, thủy thủ đoàn đã liên hệ với lực lượng tuần tra bờ biển Dover của Anh. Tuy nhiên vào thời điểm đó vẫn chưa có tín hiệu báo động về việc Arctic Sea bị tấn công. Hai ngày sau, con tàu được phát hiện ở vịnh Biscay của Pháp và vào lúc 1h30 sáng, AIS trên tàu bị tắt hẳn. Ngay sau đó con tàu dường như đã đổi hướng, đi về phía Tây của Đại Tây Dương thay vì đến Algeria.


Nga đã cử nhiều tàu chiến đi tìm Arctic Sea

Cảnh sát Phần Lan cũng nói đã nhận được yêu cầu trả khoản tiền chuộc khổng lồ nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết. Họ cũng không khẳng định liệu yêu cầu nộp tiền chuộc có đáng tin cậy hay không. Hiện nay một cuộc tìm kiếm quốc tế quy mô lớn đã được tổ chức để tìm Arctic Sea. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov tiến hành các biện pháp cần thiết để tìm con tàu. Theo báo chí tại Moskva, có điều lạ là chủ tàu Arctic Sea chưa đệ trình vụ việc lên hãng bảo hiểm Nga Ingosstrakh. Vladimir Kleimenov, phát ngôn viên của hãng bảo hiểm này, nhận xét rằng vụ biến mất của con tàu nói trên có rất nhiều nghi vấn.

Hàng loạt giả thuyết

Solchart, hãng điều hành Arctic Sea, hiện vẫn giữ quan điểm cướp biển là thủ phạm. “Quan điểm của tôi là con tàu đã bị cướp” - Viktor Matveyev, Giám đốc Solchart, nói. Mikhail Voitenko, Tổng biên tập trang tin hàng hải Sovfracht của Nga, cũng nhận định con tàu có thể bị cướp vì chở thiết bị bí mật như vũ khí, ma túy và thủy thủ đoàn biết rõ điều này. “Câu trả lời hợp lý duy nhất là tàu chở các món hàng bí mật khác ngoài gỗ” - ông này nói.

Tuy nhiên những người như ông Davis lại không tin Arctic Sea bị cướp. “Tôi nghi ngờ đây có thể là một dạng tiếm quyền kiểm soát tàu với sự trợ giúp của thủy thủ đoàn hoặc một dạng tranh chấp bảo hiểm, thương mại”. Davis tin rằng con tàu này có thể được tìm thấy trong vài ngày nữa và đích đến của nó là Tây Phi.

“Nhiên liệu trên tàu chỉ đủ cho 40 ngày sử dụng. Nó có thể chỉ còn đủ thực phẩm cho 30 - 60 ngày nữa”, ông nói.

Davis kỳ vọng con tàu sẽ xuất hiện tại Cameroon và bị lực lượng hải quân hoặc cảnh sát nước ngoài chiếm giữ. Cũng có khả năng tàu sẽ tới Sierra Leone. Theo ông Davis, nếu tới khu vực đó, con tàu sẽ rất khó được thu hồi và sẽ bị giữ để đòi tiền chuộc hoặc phục vụ cho các mục đích khác.

Tường Linh

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›