Chiếc Boeing B-52 Stratofortress (Pháo đài chiến lược) là máy bay ném bom chiến lược phản lực được Không quân Hoa Kỳ (USAF) sử dụng từ năm 1955, thay thế cho các kiểu Convair B-36 và Boeing B-47.
Được chế tạo để mang vũ khí hạt nhân trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nó chỉ được dùng để thả các vũ khí quy ước trong các cuộc chiến tranh thực tế. Máy bay này là chiếc máy bay ném bom có tầm bay xa không cần tiếp nhiên liệu dài nhất, và mang được đến 27 tấn vũ khí.
Không lực Mỹ bắt đầu đưa B-52 vào hoạt động năm 1955 trong các đơn vị thuộc Bộ chỉ huy Không quân Chiến lược, sau được sáp nhập vào Bộ chỉ huy Không quân năm 1991. Những tính năng bay xuất sắc ở tốc độ cận âm và chi phí vận hành tương đối rẻ đã duy trì chiếc B-52 trong phục vụ cho dù đã có những đề nghị để thay thế nó bằng kiểu máy bay siêu âm Mach 3 XB-70 Valkyrie, kiểu siêu âm B-1B Lancer, và kiểu tàng hình B-2 Spirit. Đến tháng 1/2005, nó trở thành kiểu máy bay thứ hai, sau chiếc English Electric Canberra, đánh dấu 50 năm phục vụ liên tục trong một lực lượng quân sự từ đầu.
Tên chính thức Stratofortress (Pháo đài chiến lược) ít khi được dùng, trong khi đội bay và nhân viên có liên quan hay gọi nó là BUFF (tên xấu xí mập mạp ngu ngốc).
Lịch sử hoạt động
Mặc dù B-52A là phiên bản được sản xuất đầu tiên, nó chỉ được dùng trong thử nghiệm. Phiên bản hoạt động đầu tiên là kiểu B-52B vốn được phát triển song song với kiểu nguyên mẫu từ năm 1951, bay lần đầu tiên vào tháng 12-1954. Chiếc B-52B ký hiệu 52-8711 được đưa vào sử dụng tại Phi Đội Ném bom Hạng nặng 93 tại Căn cứ không quân Castle, California ngày 29/6/1955. Phi đội sẵn sàng hoạt động vào ngày 12/3/1956. Việc huấn luyện đội bay B-52 bao gồm năm tuần lớp học trên mặt đất và bốn tuần bay, tích lũy 35-50 giờ bay. Chiếc B-52B mới thay thế cho những chiếc B-36 đang hoạt động theo kiểu một - đổi - một.
Những hoạt động đầu tiên gặp khó khăn do thiếu phụ tùng cũng như phương tiện phục vụ trên mặt đất, trong khi đường băng và đường chạy bị hư hỏng vì trọng lượng của máy bay. Hệ thống dẫn nhiên liệu thường hay rò rỉ hay đóng băng, máy tính điều khiển ném bom và vũ khí kém tin cậy. Buồng lái gồm hai tầng nảy sinh một vấn đề độc đáo: Tầng trên buồng lái dành cho phi công bị đốt nóng bởi ánh nắng mặt trời, trong khi hoa tiêu và sĩ quan radar ngồi ở tầng dưới lạnh lẽo. Do đó, điều chỉnh nhiệt độ cho vừa một ai đó sẽ làm người kia quá nóng nực hay bị lạnh cóng. Động cơ J57 còn mới và chưa được bền. Sự cố hỏng máy phát điện đã gây ra vụ rớt máy bay chết người B-52 đầu tiên vào tháng 2/1956, khiến loại máy bay này phải ngừng bay một thời gian ngắn. Sau đó B-52 còn bị ngưng bay vào tháng 7 vì những sự cố về hệ thống nhiên liệu và thủy lực. Để tránh những vấn đề về bảo trì, Không quân đã thành lập những nhóm Sky Speed hợp đồng thầu bảo trì tại mỗi căn cứ B-52. Ngoài việc bảo trì, những nhóm này thực hiện việc kiểm tra định kỳ tốn mất một tuần lễ cho mỗi máy bay.
Ngày 21 tháng 5 năm 1956, một chiếc B-52B (số hiệu 52-0013) đã ném thử nghiệm trái bom khinh khí (một trái Mk.15) trên đảo san hô Bikini. Trong các ngày 24 và 25/11/1956, bốn chiếc B-52B thuộc Không đoàn Ném bom 93 và bốn chiếc B-52C thuộc Không đoàn Ném bom 42 đã bay không nghỉ vòng quanh chu vi lục địa Bắc Mỹ trong Chiến dịch Quick Kick, trải qua 25.000 km trong 31 giờ 30 phút. Không quân Chiến lược lưu ý rằng thời gian bay còn có thể rút ngắn thêm 5-6 giờ nếu như bốn lần tiếp nhiên liệu trong khi bay được thực hiện bằng những máy bay tiếp dầu phản lực thay cho những chiếc KC-97 Stratotanker động cơ cánh quạt. Để biểu diễn khả năng vươn tới toàn cầu của chiếc B-52, từ ngày 16 đến ngày 18/1/1957, ba chiếc B-52B thực hiện chuyến bay không nghỉ vòng quanh thế giới trong Chiến dịch Power Flite, trải qua 39.165 km trong 45 giờ 19 phút với nhiều lần tiếp nhiên liệu trên không bởi máy bay KC-97. Không đoàn Ném bom 93 nhận được Giải thưởng Mackay do thành tích này.
Chiếc B-52 lập thêm nhiều kỷ lục trong vài năm sau đó. Vào ngày 26/9/1958, một chiếc B-52D lập kỷ lục thế giới về tốc độ 902 km/h trên một quãng đường bay vòng tròn khép kín dài 10.000 km không mang tải trọng. Cùng ngày hôm đó, một chiếc B-52D khác lập kỷ lục thế giới về tốc độ 962 km/h trên một quãng đường bay vòng tròn khép kín dài 5.000 km không mang tải trọng. Vào ngày 14 tháng 12 năm 1960, một chiếc B-52G lập kỷ lục thế giới bay không tiếp thêm nhiên liệu một quãng đường 16.227 km. Chuyến bay kéo dài 19 giờ 44 phút. Vào ngày 10 đến ngày 11/1/1962, một chiếc B-52H lập kỷ lục thế giới khi bay không tiếp thêm nhiên liệu từ Căn cứ Không quân Kadena, Okinawa, Nhật Bản, đến Căn cứ Không quân Torrejon, Tây Ban Nha, trải qua 20.177 km.
Vào thời gian này, Bộ chỉ huy Không quân Chiến lược có lực lượng cao điểm nhất vào năm 1963, 650 chiếc B-52 hoạt động trong 42 phi đội và tại 38 căn cứ.
B-52 trong Chiến tranh Việt Nam
Lần đầu tiên máy bay B-52 tham chiến là tại Chiến tranh Việt Nam, và tại đây nó đã thể hiện được sức mạnh tàn phá rất ghê gớm. Trong một phi vụ oanh tạc máy bay B-52 thường đi thành nhóm ba chiếc theo đội hình mũi tên, trên độ cao 9-10 km và ném khoảng gần 100 tấn bom với mật độ dày đặc xuống một khu vực khoảng 2,5 km². Nếu một quả bom tiêu chuẩn 250 kg thì mật độ bom rơi là khoảng 130 quả trên 1 km², tức là khoảng cách trung bình giữa hai hố bom cạnh nhau là khoảng 80 mét. Với mật độ ném bom cao như vậy xác suất huỷ diệt trong bãi bom B-52 sẽ là cực cao.
Không quân Hoa Kỳ đã dùng B-52 để ném bom rải thảm dọn đường, ném bom tạo bãi đáp đổ quân cho các cuộc hành quân của kỵ binh bay, đánh vào các khu nghi ngờ tập trung quân và vào các khu hậu cần kho tàng của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam và đã gây ra các huỷ diệt rất lớn, gây cảm giác rất ghê sợ, hãi hùng trong hàng ngũ đối phương và những người đã từng trải qua các trận bom B-52.
Thấy được hiệu quả to lớn của phương tiện ném bom này phía Hoa Kỳ đã sử dụng rất rộng rãi máy bay này trên chiến trường Nam Việt Nam, Lào, Campuchia và trên đường mòn Hồ Chí Minh và cực nam Miền Bắc Việt Nam tại khu vực tỉnh Quảng Bình, Vĩnh Linh là nơi đối phương không có phương tiện phòng không để đối chọi với loại máy bay này và tên "B-52" liên tưởng đến sự chết chóc huỷ diệt ghê gớm và được coi là vũ khí huỷ diệt ghê gớm nhất của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam.
Tương lai của B-52
Không quân Hoa Kỳ dự định giữ lại những chiếc B-52 trong phục vụ cho đến ít nhất là năm 2040, một khoảng thời gian hoạt động dài chưa từng có trong lịch sử đối với một máy bay quân sự. Đây là một điều đặc biệt đáng kể khi biết rằng chiếc B-52 cuối cùng được chế tạo là vào năm 1962. Những chiếc B-52 được định kỳ tân trang tại các kho bảo trì của Không quân Hoa Kỳ như tại Căn cứ Không quân Tinker, Oklahoma. Do đó, cho dù có tuổi thời gian cao, tuổi phục vụ hiệu quả của chúng khá “trẻ”.
Không quân Hoa Kỳ tiếp tục sử dụng chiếc B-52 vì nó vẫn là kiểu máy bay ném bom hạng nặng có hiệu quả kinh tế, đặc biệt là cho kiểu những xung đột xảy ra sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh chống lại những nước có khả năng phòng không hạn chế. Khả năng của chiếc B-52 có thể bay lâu trên chiến trường để ném các loại bom thông minh và đầu đạn bắn trực tiếp có giá trị rất lớn trong những cuộc xung đột, như trong Chiến dịch Thực thi Tự Do tại Afghanistan.
Tốc độ và khả năng tàng hình của những chiếc B-1 Lancer và B-2 Spirit chỉ thực sự hữu ích cho đến khi hệ thống phòng không đối phương bị tiêu diệt, một nhiệm vụ thường đạt được một cánh nhanh chóng trong các cuộc xung đột gần đây. Chiếc B-52 cũng đạt được tỉ lệ thời gian sẵn sàng chiến đấu cao nhất trong số ba kiểu máy bay ném bom hạng nặng đang được Không quân Hoa Kỳ sử dụng. Trong khi chiếc B-1 đạt được tỉ lệ thời gian trung bình là 53% và chiếc B-2 đạt được 26% , chiếc B-52 đạt trung bình đến 80%.
Boeing đã đề nghị tái trang bị đội máy bay B-52H với kiểu động cơ mới Rolls-Royce RB211 534E-4, theo đó tám động cơ Pratt & Whitney TF33 (lực đẩy tổng cộng 8 × 17.000 lbf hoặc 75,6 kN) sẽ được thay thế bằng bốn động cơ RB211 (lực đẩy tổng cộng 4 × 37.400 lbf hoặc 166,4 kN). Các động cơ Rolls-Royce sẽ giúp nâng tầm bay và tải trọng của đội máy bay đồng thời giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ. Tuy nhiên, chi phí của dự án sẽ rất đáng kể. Sẽ phải chi phí khoảng 2,56 tỉ Đô la Mỹ (36 triệu × 71 máy bay). Một nghiên cứu của Văn phòng Tổng kiểm toán Quốc gia về đề xuất này kết luận rằng các khoảng tiết kiệm do Boeing ước tính trị giá 4,7 tỉ Đô la Mỹ là không thực tế. Họ khám phá ra rằng Không quân sẽ phải chi phí 1,3 tỉ Đô la Mỹ để duy trì các động cơ hiện tại.
Điều này đã đưa đến những tranh luận sau đó trong một báo cáo của Ủy ban Khoa học Quốc phòng năm 2003 và được sửa đổi năm 2004 tìm thấy nhiều sai lầm trong sự đánh giá trước đây đối với đề nghị của Boeing, và thúc đẩy Không quân nên thay đổi động cơ không nên trì hoãn. Hơn nữa, báo cáo của Ủy ban nhấn mạnh rằng chương trình sẽ giúp tiết kiệm ngân quỹ đáng kể, giảm thải khí gây hiệu ứng nhà kính, gia tăng tầm bay của và sức chịu đựng của chiếc máy bay, lặp lại những kết luận của một chương trình nghiên cứu chính thức từ ngân quỹ của Quốc hội Mỹ trị giá 3 triệu Đô la Mỹ thực hiện vào năm 2003.
+ Đặc tính chung Đội bay: 05 người (phi công, phi công phụ, sĩ quan radar/ném bom, hoa tiêu, và sĩ quan chiến tranh điện tử; xạ thủ không còn trong biên chế đội bay.) Chiều dài: 48,5 m Sải cánh: 34 m Chiều cao: 12,4 m Diện tích bề mặt cánh: 370 m² Lực nâng của cánh : 150 kg/m² Trọng lượng không tải: 83.250 kg Trọng lượng có tải: 120.000 kg Trọng lượng cất cánh tối đa: 220.000 kg Nhiên liệu dự trữ: 181.725 L Động cơ: 8 x động cơ Pratt & Whitney TF33-P-3/103 turbo quạt ép công suất 17.000 lbf (76 kN) mỗi động cơ + Đặc tính bay Tốc độ lớn nhất: 1.000 km/h Bán kính chiến đấu: 7.210 km Tầm bay tối đa: 15.000 km Trần bay: 17.000 m Tốc độ lên cao: 31,85 m/s Tỉ lệ lực đẩy/khối lượng : 0.51 + Vũ khí 1 x pháo M61 Vulcan 20 mm trong tháp pháo đuôi điều khiển từ xa, đã được gỡ bỏ trên tất cả các chiếc đang hoạt động. Chở đến 27.200 kg bom, tên lửa, mìn các loại. |
Theo Wikipedia