Người đàn ông trong đoạn video đó là phóng viên chiến trường Charles Glass.
Những trải nghiệm khó quên
Sau 62 ngày bị giam giữ, Glass đã tự tìm tới tự do, bằng cách chui khỏi một cửa sổ, bước sang phần ban - công nằm gần đó.
Phát hiện mình đang ở tầng 7 của một tòa nhà, ông lại tìm cách lẻn qua một cánh cửa, rón rén đi ngang một khu bếp, xuống tầng 1, khóa cửa chính để nhốt những kẻ bắt cóc mình lại. Rồi với đôi chân trần, Glass tìm tới tự do.
Nơi Glass gặp nạn không phải Syria hoặc miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, địa điểm các nhóm như Nhà nước Hồi giáo (IS) đang hoạt động mạnh trong thời gian gần đây. Đó là Beirut, Lebanon, với mốc thời gian là năm 1987 - thời điểm giữa của một thập niên đã chứng kiến gần 100 người nước ngoài bị bắt làm con tin, tại cuộc nội chiến Lebanon.
Goran Tomasevic trong một lần tác nghiệp tại vùng chiến sự ở Cộng hòa Dân chủ Congo
Hiện tượng phóng viên bị bắt làm con tin trong chiến tranh như Glass đã trải qua không phải điều gì mới mẻ. Trước IS có lực lượng Hezbollah, Quân đội giải phóng Kosovo và nhiều nhóm khác, đã dùng trò bắt cóc như một cách kiếm tiền và thay đổi chính sách của nước ngoài. Nhưng với việc gần đây số nhà báo thiệt mạng tăng cao ở Syria, dư luận lại một lần nữa quan tâm tới phóng viên chiến trường và các rủi ro họ đối mặt khi tác nghiệp tại điểm nóng.
Glass, một phóng viên và là nhà văn, đã tiếp tục đi tới Trung Đông sau lần bị bắt cóc kể trên. Gần đây ông đã tới trung tâm của một cuộc xung đột lớn là Damascus, Syria, nơi ông được bảo vệ bởi nhiều sĩ quan tình báo nước này. Nhưng ông không bén mảng tới các khu vực mà quân chống đối ở Syria đang chiếm giữ, bởi biết rõ các nhóm như IS luôn tìm cách bắt cóc người nước ngoài để lấy tiền chuộc.
Khi nhà báo trở thành mục tiêu
Thực tế, không nhiều người như Glass. Phần lớn các hãng tin lớn đã từ chối chấp nhận đưa phóng viên tới Syria. Họ cũng không dùng ảnh và bài do các phóng viên tự do gửi về từ vùng chiến sự, vì lo ngại điều này có thể khiến các cây bút mạo hiểm mạng sống của họ, để có tác phẩm hay.
Trong vòng 3 năm qua, đã có hơn 100 phóng viên chuyên nghiệp và tự do thiệt mạng khi đưa tin về cuộc chiến ở Syria. Hơn một chục người trong số đó đã bị IS và các nhóm chiến binh bắt cóc. Ít nhất 4 người đã bị cắt đầu.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã cảnh báo các phóng viên phải tránh xa không chỉ Syria mà còn cả các khu vực biên giới xung quanh nước này, bên cạnh phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ. FBI cho biết đã nhận được tin tình báo nói rằng khủng bố đã đưa các phóng viên vào nhóm “ưu tiên” bắt cóc.
Những thay đổi này diễn ra sau cái chết thê thảm của các phóng viên chiến trường tự do James Foley và Steven Sotloff tại Syria. Cả hai đều đã bị IS cắt đầu, khi đất nước của họ từ chối trả tiền chuộc.
Nhà báo James Foley, người đã bị lực lượng IS sát hại
Không thể biết khi nào tai họa tới
Deborah Amos, phóng viên Hãng tin NPR đang đưa tin về cuộc xung đột Syria. Hàng thập niên qua, cô thường xuyên xuất hiện tại các trại tị nạn, các lễ tang, các điểm nóng ở Trung Đông, vùng Balkan và Afghanistan. Lần đầu cô tới Beirut là vào năm 1982, khi ấy vẫn chưa nguy hiểm.
“Vấn đề của các vùng chiến sự là anh sẽ chẳng bao giờ biết một nơi nào đó đột nhiên trở nên nguy hiểm với mình” - cô nói, nhớ lại rằng đã tới khu vực bộ lạc ở Pakistan, nơi phóng viên Daniel Pearl mới bị Al Qaeda chặt đầu hồi năm 2002.
Anthony Loyd, một phóng viên chiến trường kỳ cựu của tờ Times Of London, đã tiến vào Syria lần cuối trong năm 2013. Khi rời khỏi đất nước này, anh bị bắt cóc, bởi những kẻ có quan hệ với một chỉ huy phiến quân mà anh đã làm bạn trong suốt 2 năm. Anh chỉ được trả tự do, sau khi một thủ lĩnh phiến quân khác can thiệp.
Ngày 22/2/2012, James Foley và John Cantlie, một nhiếp ảnh gia người Anh, bị bắt cóc cách nhau chỉ 40 phút tại khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Những nhà báo bị bắt cóc được dùng làm công cụ răn đe, để trao đổi tù binh hoặc đòi tiền chuộc. Nếu không đạt được mục đích trên, họ có thể được dùng phục vụ việc đe dọa, như trong các video hành quyết Foley và Sotloff.
Sẽ không bao giờ ngừng đưa tin chiến trường
Bất chấp nguy hiểm như thế, vì sao các phóng viên vẫn tìm tới các điểm nóng như Syria? Nhiều phóng viên kỳ cựu đã trở lại vùng chiến sự vì tiếng gọi trách nhiệm.
“Đúng, tôi đã từng có thời bạt mạng” - Loyd nói - “Nhưng giờ tôi đã kết hôn và có con. Mức độ chấp nhận rủi ro của tôi cũng đã khác hơn trước. Goran Tomasevic, người đã chụp ảnh một số cuộc xung đột chết chóc nhất trong 20 năm qua, đồng ý. “Cảm giác thay đổi theo thời gian. Tôi từng rất phấn khích khi trẻ hơn. Nhưng giờ nếu vào cuộc, tôi chỉ nghĩ tới việc hoàn thành nhiệm vụ. Ít phấn khích hơn, nghĩ nhiều hơn về việc phải làm gì tốt nhất để có được các hình ảnh” - anh nói.
Tomasevic, người từng chụp ảnh cho Reuters, đã đặt chân lần cuối tới Syria vào năm 2013, thời điểm nhiều hãng tin bắt đầu rút người của họ ra và ngừng việc nhận sản phẩm báo chí tự do. Giờ Tomasevic ước mình vẫn có thể được vào chiến trường. Tomasevik cũng tin rằng bất chấp rủi ro, các phóng viên sẽ không ngừng đưa tin về chiến tranh và xung đột. Cũng chính tinh thần này đã đưa Foley tới Syria, sau khi anh đã có 44 ngày bị bắt cóc ở Libya trong cuộc nổi dậy Mùa Xuân Arab hồi năm 2011. Chỉ có điều khi đặt chân qua biên giới Syria, Foley đã không thể ngờ anh rồi sẽ mãi mãi nằm lại trên mảnh đất này.
Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags