(Thethaovanhoa.vn) - Nỗi lo sợ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về nguy cơ làn sóng dịch COVID-19 thứ tư do biến thể Delta gây ra đã trở thành hiện thực và bắt đầu từ những tỉnh hải ngoại của nước này.
Từ quần đảo Antilles ở Tây Ấn đến Réunion, từ Guadeloupe đến Guyane, sáu lãnh thổ hải ngoại của Pháp đã phải áp dụng tình trạng khẩn cấp trước sự tấn công của COVID-19. Chính quyền Pháp và các địa phương đang căng mình để hạn chế sự lây lan của bệnh dịch.
Mặc dù đang kỳ nghỉ hè, ngày 11/8, Tổng thống Macron đã phải triệu tập Hội đồng bộ trưởng họp bằng cầu truyền hình, với sự tham gia của Hội đồng Bảo vệ sức khỏe quốc gia để bàn việc ban bố sắc lệnh về tình trạng dịch bệnh khẩn cấp ở Polynésie thuộc Pháp, do quần đảo ở Thái Bình Dương này đang phải đối mặt với sự bùng phát của biến thể Delta.
Theo quyết định mới, lệnh giới nghiêm sẽ được thiết lập từ 21h hôm trước đến 4h sáng hôm sau kể từ ngày 11/8, việc tụ tập trên 20 người bị nghiêm cấm và hủy tất cả các sự kiện có quy mô 500 người trở lên. Khả năng mở rộng thời gian và không gian giới nghiêm, thậm chí áp dụng một đợt giãn cách xã hội mới cũng được tính đến trong trường hợp xấu hơn.
Cao ủy vùng Polynésie, ông Dominique Sorain cho biết tỷ lệ nhiễm biến thể Delta ở tỉnh này đã tăng từ dưới 10 đến hơn 1.000 trường hợp chỉ trong ba tuần. Cho đến tận cuối tháng 7, các bệnh viện của Polynesie chưa tiếp nhận bất kỳ bệnh nhân COVID-19 nào, nhưng nay đã và đang điều trị cho 159 bệnh nhân, trong đó có 27 trường hợp đặc biệt. Chín người Polynésie đã tử vong vì COVID-19 vào cuối tuần qua, nâng số bệnh nhân không qua khỏi lên 166 người kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Polynésie trở thành lãnh thổ hải ngoại thứ sáu của Pháp được đặt trong tình trạng khẩn cấp về sức khỏe, sau Réunion, Saint-Martin, Saint-Barthélemy, Guadeloupe và Martinique. Trước đó, Guyane và Mayotte cũng đã từng phải áp dụng lệnh giãn cách xã hội do tình hình lây lan của dịch bệnh.
Theo dữ liệu của Cơ quan Y tế Pháp, hiện các địa phương này đang phải chứng kiến mức độ lây nhiễm của biến thể Delta cao chưa từng thấy, chiếm hơn 50% số người nhiễm bệnh ở Martinique, 60% ở Guyane và Réunion, và 90% ở Guadeloupe và Mayotte. Sự bùng phát này đã khiến các dịch vụ chăm sóc và bệnh viện trở nên quá tải.
Một trong những lý do khiến biến thể Delta lây lan mạnh, theo các chuyên gia y tế, đó là sự thờ ơ của người dân đối với việc tiêm chủng. Trong chuyến thăm Polynésie cuối tháng 7 vừa qua, Tổng thống Macron đã phải kêu gọi người dân đi tiêm vaccine để phòng tránh dịch COVID-19. Ở Guyane, Guadeloupe và Martinique, tỷ lệ tiêm chủng rất thấp, chỉ hơn 20% dân số được tiêm hai mũi vaccine. Nhiều người dân, thậm chí cả một số chính trị gia địa phương tuyên bố không tiêm chủng do nghi ngờ về tính hiệu quả của vaccine.
Đây là nguyên nhân chính giải thích cho sự bùng phát hiện tại trên hai hòn đảo này. Trong khi đó, thuốc cổ truyền lại có xu hướng được ưa chuộng. Ở Antilles, một loại thảo dược lấy trên núi được ca ngợi như là thần dược chữa bệnh COVID-19, mặc dù chưa có nghiên cứu khoa học nào cho thấy hiệu quả của loại cây đặc hữu này. Tại Guadeloupe, dược sĩ Henry Joseph đã nộp bằng sáng chế cho xi-rô "Virapic" và doanh số bán mặt hàng này đã bùng nổ vào đầu năm nay.
Ngoài việc thờ ơ với tiêm chủng vaccine, theo Giáo sư André Cabié, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Martinique, cư dân của các vùng lãnh thổ hải ngoại có xu hướng đánh giá thấp mối đe dọa dịch bệnh, do ít bị ảnh hưởng bởi những làn sóng dịch trước.
Ông giải thích: “Ở Martinique, người dân không chỉ xem nhẹ mà còn bỏ qua các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách nơi đông người, tránh tụ tập, hay hạn chế tổ chức lễ hội".
- Dịch Covid-19: Pháp ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong một tuần
- Dịch COVID-19: Anh và Pháp ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày ở mức cao nhất
Thêm vào đó, biến thể Delta thường tấn công mạnh những người có khả năng miễn dịch kém, hoặc có bệnh nền như béo phì, tiểu đường, tim mạch. Trong khi đó, các bệnh này lại rất phổ biến ở những vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Theo số liệu của Cơ quan Y tế Pháp, bệnh béo phì ảnh hưởng từ 18 đến 30% dân số ở các vùng lãnh thổ hải ngoại, so với 17% ở trong nước. Ở Antilles, 10% cư dân mắc một số dạng bệnh tiểu đường.
Đối mặt với sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 ở các vùng lãnh thổ hải ngoại, Bộ Y tế Pháp cho biết sẽ đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng ở các quần đảo này, thuyết phục những người còn đang do dự hoặc chống lại tiêm chủng, tăng cường phối hợp với các hội đoàn để vân động người dân đi tiêm phòng, triển khai chương trình vaccine học đường, đa dạng hóa hình thức tiếp cận vaccine như đặt các trạm tiêm chủng lưu động ở nhiều nơi để người dân không phải đi lại và xếp hàng.
Bộ Y tế Pháp tin rằng việc ứng phó thành công và kiềm chế được sự bùng phát biến thể Delta ở các vùng lãnh thổ hải ngoại sẽ giúp Chính phủ Pháp có kinh nghiệm để phòng chống nguy cơ làn sóng dịch COVID-19 thứ tư ở trong nước.
Nguyễn Thu Hà - Phóng viên TTXVN tại Pháp
Tags