Ông Donald Trump vẫn có khả năng không trở thành tổng thống Mỹ nếu bị 'phản bội'

Thứ Tư, 09/11/2016 20:54 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 kết thúc với thắng lợi nghiêng về phía ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Ông Donald Trum sẽ trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Tuy nhiên, về lý thuyết, ông Donald Trump vẫn có khả năng không trở thành tổng thống Mỹ khi bị "phản bội".

Một tháng sau cuộc bầu cử phổ thông, các đại cử tri tập họp tại thủ phủ của bang và bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống, phó tổng thống (bỏ phiếu riêng rẽ). Tổng thống tương lai phải nhận được ít nhất 270 phiếu.

Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ được bầu bởi các đại cử tri (Elector) của các bang chứ không phải do cử tri (voter) trực tiếp bầu. Lá phiếu của cử tri gọi là lá phiếu phổ thông, tuy vẫn bầu cho các ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton hoặc Donald Trump, song chỉ có nhiệm vụ chọn ra đại cử tri cho bang của mình.

Đại cử tri là những người đã công khai cam kết ủng hộ cho một ứng cử viên từ trước. Mỗi bang sẽ cử ra số đại cử tri bằng đúng tổng số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ của bang, tuy nhiên, sẽ không có một thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ hoặc một quan chức nào đang đảm nhiệm chức vụ có lợi tức được bầu làm đại cử tri. Hiến pháp Mỹ có rất ít điều khoản quy định các tiêu chuẩn cụ thể để trở thành đại cử tri, chỉ nêu rằng nghị sĩ hoặc một quan chức chính phủ liên bang không thể được chỉ định làm đại cử tri.

 

Số lượng đại cử tri của mỗi bang thường được quyết định dựa vào dân số của bang đó. Do đó, ở hầu hết các bang (trừ Maine và Nebraska), ứng cử viên tổng thống nào được nhiều phiếu phổ thông nhất thì cũng nhận được toàn bộ phiếu của đại cử tri của bang đó. Các đại cử tri hợp thành cử tri đoàn (Electoral College) của bang. Cả nước Mỹ có 538 phiếu đại cử tri, bằng số ghế trong Quốc hội Mỹ là 535 cộng thêm 3 đại cử tri của thủ đô Washington.


Ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc vận động tranh cử tại Đại học Pittsburgh ở thành phố Pittsburgh thuộc bang Pennsylvania ngày 7/11. Ảnh: AP/TTXVN

Quy trình chọn đại cử tri gồm 2 vòng: Đầu tiên, các đảng ở mỗi bang sẽ chọn một loạt ứng cử viên đại cử tri tiềm năng trước ngày bầu cử. Tiếp đó, vào ngày bầu cử, cử tri phổ thông tại mỗi bang sẽ chọn ra đại cử tri ở bang đó bằng cách bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống.

Về cơ bản, các đảng sẽ đề cử một danh sách đại cử tri tiềm năng tại kỳ họp đại hội đảng của bang mình hoặc họ có thể chọn thông qua một cuộc bỏ phiếu tại ủy ban trung ương đảng. Quá trình này diễn ra ở từng bang và tuân theo quy định của bang đó, nhưng cũng có thể theo quy định chung cho toàn quốc của đảng đó.

Kết quả cuối cùng là mỗi ứng cử viên tổng thống sẽ có một danh sách các đại cử tri tiềm năng ủng hộ mình. Các đảng chính trị thường chọn những người cống hiến tận tụy cho đảng để làm đại cử tri. Đó có thể là các quan chức dân cử của bang, lãnh đạo đảng tại bang đó hoặc người có mối quan hệ chính trị hoặc cá nhân với ứng cử viên tổng thống của đảng mình.

Giai đoạn thứ hai của quá trình bầu đại cử tri diễn ra trong ngày bầu cử. Khi mỗi cử tri ở từng bang đi bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống mà họ ủng hộ, họ đồng thời cũng chọn ra các đại cử tri cho bang mình. Tên của đại cử tri tiềm năng có thể có hoặc không xuất hiện trên lá phiếu (nếu có thì tên họ sẽ nằm dưới tên ứng cử viên tổng thống), tùy thuộc vào quy trình bầu cử và phương thức bỏ phiếu ở từng bang.

Đối với bang Nebraska và Maine, việc phân bổ đại cử tri được thực hiện theo tỷ lệ. Ứng cử viên tổng thống chiến thắng toàn bang nhận được 2 đại cử tri, trong khi người chiến thắng tại từng hạt bầu cử sẽ nhận được 1 đại cử tri. Hệ thống này cho phép các đại cử tri tại Maine và Nabraska có thể được phân bổ cho nhiều hơn một ứng cử viên tổng thống.


Số lượng đại cư tri ở mỗi bang. Đồ họa: Slideshare

Không có quy định trong hiến pháp hay luật liên bang Mỹ bắt buộc phải bầu

Không có quy định trong hiến pháp hay luật liên bang Mỹ bắt buộc các đại cử tri phải bầu theo kết quả bỏ phiếu phổ thông của bang mình đại diện. Dù vậy, một số bang vẫn yêu cầu việc này. Những cam kết như vậy có thể chia thành hai nhóm: đại cử tri bị ràng buộc bởi luật của bang và đại cử tri bị ràng buộc bởi cam kết với đảng của mình.

Tòa án Tối cao Mỹ khẳng định hiến pháp không yêu cầu phải cho các đại cử tri được toàn quyền quyết định bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống nào nên một số đảng có thể buộc họ cam kết bỏ phiếu cho ứng cử viên do đảng mình đề cử. 

Donald Trump - Tổng thống thứ 45 của Mỹ, Đảng Cộng hòa toàn thắng ở Thượng, Hạ viện

Donald Trump - Tổng thống thứ 45 của Mỹ, Đảng Cộng hòa toàn thắng ở Thượng, Hạ viện

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 sắp kết thúc. Hiện tại, lợi thế đang nghiêng về phía ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump, ứng viên Dân chủ Hillary Clinton khó có cơ hội.

Một số bang thì quy định “các đại cử tri không trung thành” có thể bị phạt hoặc tước quyền bầu cử nếu bỏ phiếu không hợp lệ hoặc sẽ bị thay thế bởi một đại cử tri “dự bị”. Trên thực tế, hiếm có cử tri nào đi ngược lại kết quả bỏ phiếu phổ thông. Theo Trung tâm lưu trữ quốc gia Mỹ, trong lịch sử “xứ cờ hoa”, hơn 99% đại cử tri bỏ phiếu đúng như những gì họ cam kết.

Ứng cử viên tổng thống nào giành được tối thiểu 270 phiếu đại cử tri, tức là trên 50% trong số 538 phiếu đại cử tri, sẽ đắc cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, nếu không có ứng cử viên tổng thống nào được quá bán thì hai người có số phiếu cao nhất sẽ được gửi lên Hạ viện.

Tại đây, tổng thống được bầu theo đa số dựa trên cơ sở mỗi bang một phiếu và ứng cử viên nào được 26 phiếu sẽ đắc cử. Với vị trí Phó Tổng thống, nếu không có ứng cử viên nào được quá bán, Thượng viện sẽ chịu trách nhiệm bầu lại.

P.V (Theo TTXVN/AP/CNN/Sputnik)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›