(TT&VH) - Một người săn lùng kho báu hôm 2/2 đã công bố thông tin chấn động khi nói rằng ông vừa tìm thấy xác một chiếc tàu buôn của Anh mang theo một lượng lớn bạch kim (platinum), bị tàu ngầm U-boat Đức đánh đắm tại khu vực ngoài khơi Cape Cod thời Thế chiến thứ 2. Tính theo thời giá hiện nay, số bạch kim kể trên có giá tới hơn 3 tỷ USD.
Tuy nhiên việc tìm thấy kho báu được dự báo sẽ mở ra một cuộc tranh chấp chủ quyền mang quy mô quốc tế.
Kho báu khổng lồ từ xác tàu đắm
Tay săn lùng kho báu Greg Brooks, chủ công ty Sub Sea Research (SSR) ở Gorham, Maine, Mỹ, thông báo rằng một xác tàu nằm ở độ sâu 210 mét ở vùng biển nằm cách bờ 80km có thể là chiếc S.S. Port Nicholson, bị đánh chìm vào năm 1942.
Theo thông tin do SSR cung cấp, vào năm 1942, Port Nicholson và 4 tàu khác, dưới sự hỗ trợ của 6 tàu quân sự, đã từ Halifax, Anh, tới New York, Mỹ. Các tài liệu ghi lại cho thấy Port Nicholson đang mang theo gần 1.707.000 ouce bạch kim, tương đương 71 tấn. Số bạch kim là tiền Liên Xô trả cho Mỹ vì đã giúp hỗ trợ nước này thời chiến. Có tin nói con tàu cũng mang theo cả vàng và kim cương, ngoài số đồng, thiếc và thùng chứa nước.
Greg Brooks trưng ra tấm ảnh của tàu Port Nicholson mà ông tuyên bố
đang chứa kho báu "tỉ đô" trong xác nó
Vào lúc 4h17 phút ngày 16/6/1942, khi đoàn tàu tới phía Đông Bắc Cape Cod, Mỹ, chúng đã rơi vào ổ phục kích của những chiếc tàu ngầm U-boat của Đức. Tàu ngầm U-87 bắn liền hai quả thủy lôi và chúng đã lao trúng tàu Port Nicholson. Con tàu dính quả đạn đầu tiên vào buồng động cơ, khiến 2 thủy thủ thiệt mạng. Quả thứ hai trúng vào phần đuôi tàu, khiến nó chìm dần. Tổng cộng có 6 người thiệt mạng trong vụ tấn công này và con tàu với kho báu khổng lồ cũng nằm yên lặng dưới biển từ đó tới nay.
Khi tìm thấy xác con tàu bằng một chiếc tàu ngầm không người lái có trang bị camera, Brooks đã nhanh chóng xác định đó chính là chiếc Port Nicholson, thông qua các đặc điểm nhận dạng ở phần vỏ. Ông hy vọng có thể bắt đầu trục vớt kho báu vào cuối tháng này hoặc đầu tháng 3, với sự hỗ trợ của các thiết bị trục vớt đáy biển.
Brooks ước tính rằng theo thời giá hiện nay, số bạch kim trên tàu có giá trên 3 tỉ USD. Nếu thông tin trên là chính xác, đây có thể là kho báu lớn nhất từng được phát hiện dưới lòng đại dương.
Những bằng chứng rõ rệt
Brooks nói rằng ông đã tìm thấy xác tàu vào năm 2008 sử dụng sóng âm sonar, nhưng đã không công bố thông tin để cùng các cộng sự đăng ký quyền trục vớt con tàu từ một thẩm phán liên bang. Quyền trục vớt hiện không được xem như quyền sở hữu và vẫn gây ra tranh cãi.
"Tôi sẽ có được con tàu, dù bằng cách này hay cách khác" - ông khẳng định chắc nịch.
Theo Robert F. Marx, một nhà khảo cổ học dưới nước, thì nhiều năm trước, có một công ty Mỹ và một công ty Anh đã lần theo dấu vết của con tàu và phỏng đoán họ đã thu được kha khá bạch kim, nhưng giấu nhẹm thông tin không cho thế giới bên ngoài biết. Ông cho rằng câu hỏi đặt ra lúc này là liệu còn bao nhiêu bạch kim sót lại trong phần xác tàu mới được tìm thấy.
Tàu ngầm không người lái Sea Hunter đã giúp Brooks tìm ra xác tàu
Anthony Shusta, một luật sư ở Tampa, Florida, người đại diện cho chính quyền Anh, đã bày tỏ nghi ngờ về việc liệu con tàu có chở theo bạch kim hay không. "Chúng tôi hiện vẫn đang nghiên cứu xem con tàu đã mang theo thứ gì. Các kiểm tra ban đầu của chúng tôi cho thấy nó mang theo phần lớn là máy móc và hàng quân sự" - ông nói.
Nhưng ông khẳng định nếu tàu có bạch kim thật, việc này sẽ châm ngòi cho một cuộc kiện tụng mang quy mô quốc tế. Ông tiết lộ rằng người Anh sẽ đợi cho tới khi hoạt động trục vớt diễn ra mới quyết định xem liệu có đâm đơn kiện đòi lại số bạch kim hay không.
Về phần Brooks, ông vẫn tin tưởng con tàu chính là Port Nicholson và nó chứa đầy bạch kim. Ông dẫn sổ sách của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy tàu có mang theo các thanh bạch kim, đồng thời nói rằng đang nắm trong tay một đoạn video quay dưới nước có hình một thanh bạch kim khá to nằm trên tàu, cạnh nó là 30 chiếc hộp có thể đang chứa từ 4-5 thanh bạch kim mỗi hộp. Tuy nhiên ông không vớt lên bất kỳ thanh bạch kim nào, nói rằng chiếc tàu ngầm của ông phải chỉnh sửa mới có đủ lực để mang số kim loại quý lên bờ.
Nhiều tranh chấp tương tự đã xảy ra
Giới quan sát đánh giá luật biển thế giới hiện rất phức tạp và một khi kho báu trị giá vài tỷ USD được tìm thấy, sẽ có nhiều lá đơn kiện xuất hiện xung quanh nó. Chuyện kiện cáo như thế không phải không có tiền lệ.
Sau vụ chìm HMS Edinburgh, một con tàu chiến của Anh mang theo vàng của Liên Xô chi trả cho các đồng minh trong Thế chiến thứ hai, Anh, Mỹ và Liên Xô đều tuyên bố họ sở hữu kho báu. Cuối cùng, một công ty tìm thấy và sở hữu con tàu chỉ được chia có 10% kho báu và số còn lại được chia đều cho 3 nước kia.
Trong một vụ tương tự, tay săn lùng kho báu Mel Fisher đã lên báo hồi năm 1985 khi tìm thấy con tàu chiến Tây Ban Nha Nuestra Senora de Atocha bị chìm ở Florida hồi năm 1622. Lúc gặp nạn, nó mang theo 114.000 đồng bạc Tây Ban Nha, tiền vàng, đá quý, cổ vật bằng bạc và 1.000 thanh bạc với tổng trị giá 450 triệu USD. Tây Ban Nha đã lập tức tuyên bố họ vẫn có quyền sở hữu kho báu bởi Atocha là một con tàu chiến nên có quyền miễn trừ trước luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên cuối cùng phần thắng vẫn thuộc về Fisher, khi ông chứng minh được rằng Tây Ban Nha đã từ bỏ, không còn quan tâm tới xác tàu đắm này nữa.
Gần đây, công ty Odyssey Marine ở Tampa, Florida, đã bị tòa án Mỹ yêu cầu phải trả lại kho báu trị giá 500 triệu USD cho Tây Ban Nha. Kho báu, gồm nhiều đồng bạc và vàng, đã được Odyssey lấy lên từ xác tàu Nuestra Senora de las Mercedes, vốn bị hải quân Anh đánh chìm ngoài khơi Bồ Đào Nha hồi năm 1804. Cho tới nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Tường Linh (Tổng hợp)