Phát minh của một thời

Thứ Bảy, 31/05/2014 18:35 GMT+7

Google News


(Thethaovanhoa.vn) - Thoạt tiên nó được gọi là “Đĩa bay” với vẻ giễu cợt không giấu giếm, nhưng rồi khối vật liệu khổng lồ quả thực rời khỏi mặt đất như được nâng lên bởi một bàn tay vô hình. Nửa thế kỷ trước, ý tưởng của một kỹ sư Anh đã khởi đầu cuộc cách mạng trong thế giới giao thông; nó không chỉ vượt qua eo biển Manche, mà còn chinh phục cả Himalaya.

Hộp thức ăn cho mèo?

Mỗi phát minh vĩ đại hay đơn giản chỉ là lập dị đều bị gán cho một giai thoại ít nhiều hoang đường về khoảnh khắc chào đời của nó, khi tia chớp trí tuệ đột ngột xé rách màn đêm. Xét khía cạnh ấy thì giai thoại về một người Anh tên Christopher Cockerell hồi thập niên 50 thế kỷ trước khá phàm tục: ngồi rỗi rãi,  đút lồng hai vỏ hộp đồ hộp rỗng vào nhau, trước đó đựng cà phê và thức ăn cho mèo. Rồi đặt nó lên một bàn cân, bật máy sấy tóc, thổi gió nóng qua một lỗ ở hộp trên vào khoảng trống giữa hai hộp thiếc. Vật kỳ dị đó bay bổng lên, đung đưa trên một đệm khí, và cái cân đo áp lực được tạo ra.


Hovercraft đổ bộ của hải quân Mỹ

Cấu trúc của Cockerell là nền móng cho cuộc cách mạng kỹ thuật mà ông gọi là Hovercraft hay “Tàu đệm khí”. Ông đã chứng minh rằng đệm khí có thể tải được trọng lượng hay đồ vật nhất định. Và kỹ sư Cockerell cũng có ngay một tầm nhìn xa cho phát kiến của mình: phương tiện giao thông nào dùng đệm khí sẽ triệt tiêu hầu hết ma sát với nền, bất kể nước hay đất, nên sẽ có tốc độ cao hơn, và quan trọng nhất là không cần làm đường cho nó! Hovercraft có thể băng qua sa mạc, sông ngòi, băng tuyết...

Tháng 6/1959 Cockerell trình làng một khối cổ quái dài 12m, nặng 7 tấn, với cái tên bí hiểm “SR.N1”. Không ai có mặt ở đó dám hình dung là nó sẽ rời khỏi mặt đất. Và họ sẽ ngã ngửa khi biết một tháng sau SR.N1 vượt qua eo biển Manche giữa Anh và Pháp, với thời gian kỷ lục 2 tiếng 3 phút.

Dự án bí mật “Đĩa bay”

Có thể chỉ là ngẫu nhiên, nhưng cũng có thể Cockerell có linh cảm tốt về tính biểu tượng của ngày tháng: chính xác đến từng ngày, đúng 50 năm trước Louis Bleriot (Pháp) là người đầu tiên lái phi cơ qua eo biển Manche. Thêm một chi tiết nữa để củng cố mối liên quan tới Bleriot: Hovercraft của Cockerell thực ra không phải tàu thủy, mà là phi cơ bay là là trên ngọn sóng. Sau này giới kỹ thuật không gọi dạng chuyển động của tàu đệm khí là “đi”, mà là “bay”.


Tàu chạy trên đệm khí của Nga

Đối với nhà phát minh Cockerell, chuyến bay qua eo biển Manche là dấu kết hoành tráng cho những năm chờ đợi khốn khổ. Vì năm 1955 ông đã cho ra mô hình đầu tiên ở dạng tài liệu mật gửi Bộ Quốc phòng Anh. Lập tức giới quân sự giấu kín bản vẽ “Đĩa bay” của ông, sợ đối phương sử dụng vào mục đích quân sự, đồng nghĩa với việc Cockerell không được bàn bạc với đồng nghiệp về phát minh của mình, lại càng không thể mơ đến ngày sản phẩm ra đời.

Rốt cuộc, 1958 Bộ Quốc phòng Anh cũng cởi trói cho phát minh của Cockerell, khi Thụy Sĩ hé lộ là họ cũng nghiên cứu tàu đệm khí. SR.N1 bay được trên nước lặng, nhưng N2 đã chinh phục được sóng cao 2 mét. Từ năm 1961 Hovercraft đạt vận tốc 90 km/h với động cơ turbin của Rolls Royce. Dù người ngồi trong phải bịt kín tai, tàu đệm khí tỏ ra có nhiều ưu thế so với phương tiện truyền thống. Mỗi chuyến phà qua Manche chở đến 254 khách và 30 ô-tô. Một chương mới trong kỹ nghệ vận tải đã mở ra.

Một dự đoán cứng đầu

Thực ra ý tưởng khởi thủy đã có từ lâu, khoảng đầu thế kỷ 19 ở Thụy Điển. Năm 1877 nước Anh ghi nhận sáng chế của John Isaak Thornycroft. Người Nga cũng mày mò từ năm 1930. Tất cả các phát minh đó chỉ có trên giấy, vì chưa nước nào sản xuất được động cơ đủ mạnh. Những sản phẩm đầu tiên được dùng làm xe cứu hộ ở vùng không đường sá, hoặc do bên quân sự tận dụng. Một tờ báo năm 1962 cả quyết “Hovercraft sẽ mở màn cho cuộc cách mạng giao thông, như một sản phẩm khác cũng của người Anh - tàu hỏa. Và tên tuổi Cockerell sẽ đứng cạnh George Stephenson, người chế ra đầu tàu hơi nước đầu tiên”.  

Trong chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã dùng Hovercraft ở dạng xe bọc thép đệm khí. Xe đệm khí còn thi tốc độ như Công thức 1 cho đến hôm nay. Năm 1972 nhà nhân học Pháp Michel Peissel đã đi xe đệm khí từ Ấn Độ đến Tây Tạng, xuyên qua Himalaya. “Ý tưởng ấy vô lý đến nỗi”, như Peissel sau này tâm sự, “chỉ có kẻ tâm thần mới nghĩ ra”. Từng vượt 5.000 km qua Ấn Độ và Nepal bằng chân và cưỡi lừa, Peissel mơ đến ngày “nước nào cũng có một mạng lưới giao thông dày đặc với tàu đệm khí, vì mỗi dòng sông, kể cả mùa khô, đều là một con đường tiềm năng”.

Chuyến đi mạo hiểm của Peissel thành công rực rỡ, ông thậm chí còn đi ngược dòng và vượt qua 3.000 khúc chảy xiết không thể đi thuyền. Nhưng ước mơ của ông không thành hiện thực, vì nói cho cùng thì turbin của Hovercraft ngốn quá nhiều nhiên liệu trong một thế giới ngày càng đói than và dầu. Ngay eo biển Manche cũng lạnh nhạt với tàu đệm khí, từ khi có một đường hầm dưới đáy biển nối hai bờ Anh - Pháp.

”Hovercraft không bao giờ chết”, Cockerell có lần tiên tri như vậy. Dường như ông có lý - cho đến cuối đời. Năm 1999, đúng 40 năm sau ngày đưa phát minh của mình ra thế giới, Cockerell qua đời ở tuổi 88. Có lẽ ông sẽ vô cùng thất vọng nếu còn sống tiếp một năm, khi tuyến phà chạy bằng tàu đệm khí qua eo biển Manche bị đinh chỉ vĩnh viễn...

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›