Phó Thủ tướng Nhật Bản sảy miệng, láng giềng 'sôi sục'

Thứ Bảy, 03/08/2013 07:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso đã vừa tuyên bố sẽ không từ chức do một bình luận mà ông đưa ra trong tuần này, nói rằng Nhật Bản nên rút lấy bài học bổ ích từ hoạt động của chính quyền phát xít Đức. Bình luận của ông lập tức bị nhiều nước láng giềng và các nhà hoạt động nhân quyền lên án.

Taro Aso vấp phải chỉ trích khi đưa ra bình luận liên quan tới đề xuất của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền trong việc sửa đổi hiến pháp hiện nay của Nhật Bản.

Học tập phát xít?

Trong bài phát biểu của Aso được tờ Asahi Shimbun đăng lại, ông chê bai việc đề nghị sửa hiến pháp không nhận được sự ủng hộ trong nhóm những người Nhật cao tuổi. Theo ông, LDP cần tổ chức các cuộc thảo luận kín tiếng, nhưng sâu rộng về đề xuất.

"Tôi không muốn thấy việc này (sửa hiến pháp) diễn ra trong những tiếng gào thét" - Aso nói, có ý nhắc tới hoạt động nhạy cảm trên sẽ gây phản ứng - "Cứ thay đổi  một cách lặng lẽ, giống như khi hiến pháp Đức được thay đổi thành hiến pháp phát xít và chẳng ai nhận ra. Tại sao chúng ta không học hỏi chiến thuật đó"?


Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso trong một phiên họp của nội các Nhật Bản

Aso, người có lối phát biểu lòng vòng đã khiến ông lâm vào nhiều rắc rối, còn nói rằng ông không có ý "khước từ dân chủ". "Đây là hiến pháp của tất cả mọi người" - ông tuyên bố - "Tôi chỉ không muốn (việc sửa hiến pháp) được quyết định trong sự giận dữ".

Aso đã từng đưa ra bình luận về phát xít Đức trong một bài phát biểu hồi thứ Hai tuần này ở Tokyo, trong sự kiện do một nhóm siêu bảo thủ ở Nhật Bản tổ chức. Tuy nhiên phát biểu mới của ông đã đi quá giới hạn, khiến những người phê bình LDP rất không hài lòng, một phần cũng bởi hiến pháp mới cho phép quân đội Nhật Bản tăng ảnh hưởng.

Nhật Bản và phát xít Đức là các đồng minh của nhau trong Thế chiến 2, khi Nhật xâm lược phần lớn châu Á, còn phát xít Đức chiếm phần lớn châu Âu. Hành động gây hấn quân sự của Nhật Bản, gồm việc đô hộ bán đảo Triều Tiên và chiếm đóng nhiều nước châu Á trước chiến tranh, là lý do vì sao hiến pháp hiện nay đã hạn chế rất lớn vai trò của quân đội.

Chọc giận nhiều bên

Không khó hiểu khi thấy tuyên bố của Aso đã gây phản ứng dữ dội trong dư luận. Trung tâm Simon Wiesenthal, một tổ chức nhân quyền đã nỗ lực nhắc nhân loại nhớ về hậu quả của thảm họa diệt chủng Do Thái, đã yêu cầu ông  Aso "nêu rõ" về quan điểm của mình.

"Người ta cần học hỏi những 'kỹ thuật' nào từ phát xít Đức vậy? " - giáo sĩ Do Thái Abraham Cooper ở trung tâm tuyên bố - "Có phải Phó Thủ tướng Aso đã quên rằng việc phát xít Đức lên nắm quyền đã nhanh chóng đưa thế giới tới  vực thẳm của Thế chiến 2"?

Tại Hàn Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cho Tai-young nói rằng bình luận của ông Aso đã "gây tổn thương" cho rất nhiều người. "Tôi tin rằng các lãnh đạo chính trị Nhật Bản nên cẩn trọng hơn với lời lẽ và hành vi của họ" - ông Cho nói. Còn ở Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi tuyên bố các bình luận cho thấy  châu Á và cộng đồng quốc tế cần "tăng cường cảnh giác về đường hướng phát triển" của Nhật Bản,.

Các lãnh đạo đối lập cũng lên án Aso, nói rằng nó cho thấy ông thiếu hiểu biết về lịch sử và gây phương hại lợi ích quốc gia. Một số yêu cầu Aso phải từ chức. "Sự dốt nát của ông Aso về các sự thực lịch sử đã quá rõ ràng" - Seiji Mataichi, Tổng thư ký đảng Dân chủ Xã hội Nhật Bản nói - "Tôi muốn nhắc cho ông ấy biết rằng ca ngợi phát xít Đức bị xem là hành động phạm tội ở các nước châu Âu".

Hôm 1/8, Aso đã vội vã tổ chức họp báo, nói rằng bản thân bị hiểu lầm. Ý ông là các cuộc tranh cãi to tiếng về việc Nhật Bản cần thay đổi hiến pháp thời hậu chiến để mở rộng thêm hoạt động của quân đội, là không hữu ích.  Aso muốn đưa phát xít Đức ra như một ví dụ điển hình cho thấy tác hại của "việc thay đổi hiến pháp khi đất nước chưa thấu hiểu và chưa được thảo luận".

 "Nếu anh nghe đầy đủ, anh sẽ thấy rõ rằng tôi có quan điểm tiêu cực về cách chính quyền phát xít Đức thay đổi hiến pháp" - ông nói - “Thật không may và thật đáng tiếc khi bình luận của tôi liên quan tới chính quyền phát xít Đức lại bị hiểu lầm" - Aso nói - "Tôi muốn rút lại bình luận liên quan tới chính quyền phát xít".

Khó chấp nhận

Ngày 2/8, ông tiếp tục họp báo, khẳng định bản thân sẽ không từ chức. "Tôi không có ý định từ chức với tư cách một bộ trưởng trong nội các, cũng như với tư cách nghị sĩ" - ông Aso nói với các phóng viên. Chính quyền Nhật Bản cũng khẳng định không yêu cầu ông Aso từ chức, như yêu cầu của phe đối lập.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Aso gây sóng gió vì những phát ngôn bất cẩn của mình. Gần đây ông nói rằng các chính trị gia Nhật Bản nên lặng lẽ viếng thăm khu đền  Yasukuni để tránh gây điều tiếng. Khu đền  này là nơi thờ phụng những người bị xem là tội phạm chiến tranh. Các chuyến thăm của giới chức Nhật Bản tới đây thường gây phẫn nộ tại nhiều quốc gia châu Á đã bị Nhật Bản chiếm đóng trong Thế chiến 2.

Trước đây Aso từng phải xin lỗi vì gọi người già là gánh nặng của xã hội. Ông pha trò về bệnh Alzheimer đã hành hạ vô số người. Ông cũng nói rằng đất nước lý tưởng là nơi thu hút "những gã Do Thái giàu có". Ông còn so sánh đảng Dân chủ Nhật Bản với đảng Quốc xã của phát xít Đức.

Nhưng lần này, việc Aso kiên quyết không xin lỗi dư luận mà chỉ "rút lại quan điểm" đã khiến búa rìu dư luận  hướng về ông nhiều hơn. Lịch sử cho thấy phát xít Đức lên nắm quyền vào đầu những năm 1930 trong cuộc khủng hoảng hình thành từ sau cuộc Đại suy thoái ở Mỹ. Chính quyền phát xít đã bí mật ban sắc lệnh thay đổi hiến pháp để Adolph Hitler nắm quyền tuyệt đối sau khi ông ta trở thành Quốc trưởng vào năm 1933. Hành động này bị giới quan sát xem là "lạm dụng" hiến pháp, thay vì sửa đổi.

Trong bài bình luận đăng ngày 2/8, tờ Asahi Shimbun viết: "Bình luận của Aso về Hitler và việc ông có ý nói rằng người ta nên học theo trùm phát xít này là không thể chấp nhận được. Bình luận đó không phải là thứ mà Aso có thể thoát khỏi chỉ đơn giản bằng việc xin rút lại nó".

Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›