Ra-đa có giúp phát hiện “hố tử thần”?

Thứ Ba, 18/01/2011 11:40 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Vừa qua, trong hội thảo “Cơ sở khoa học và các giải pháp khả thi xác định hố ngầm và công trình ngầm ở TP.HCM”, một số nhà khoa học đã đưa ra phương án áp dụng kỹ thuật ra-đa xuyên đất để xác định “hố tử thần”. Liệu phương án này có thể giúp “tận diệt” được “hố tử thần”?

Theo thống kê, chỉ từ giữa tháng 7/2010 đến nay, trên địa bàn TP.HCM xảy ra liên tiếp 64 vụ sụt lún tạo thành những “hố tử thần” đã gây ra nhiều bức xúc cho người dân. Và cách đây khoảng một tháng, đã có một nhà khoa học đề xuất phương pháp “truy tìm hố tử thần”, nhưng cuối cùng thì phương án đó cũng đã “chết non” trong giai đoạn thử nghiệm.

Thay cho thiết bị từ trường

PGS.TS Lê Hoài Quốc, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cho biết: “Cách đây khoảng một tháng, TS Vũ Văn Bằng có làm được một loại thiết bị dựa trên nguyên lý dùng từ trường thứ cấp và mong muốn đưa thiết bị này vào việc truy tìm hố ngầm. UBND TP.HCM cũng đã chỉ đạo cho Sở KH&CN, Sở GTVT và Sở Xây dựng tiến hành thử nghiệm thiết bị này. Nhưng qua kết quả thử nghiệm tại 2 địa điểm đều cho kết quả với xác suất đúng là 0%. Vì vậy phương pháp này, chúng tôi thấy không có đủ cơ sở khoa học”.

Xe lật ngang đường khi bất ngờ sụp “hố tử thần”
Theo các nhà khoa học, có 3 nhóm nguyên nhân chính tạo ra “hố tử thần”. Nhóm thứ nhất xuất phát từ các công trình hạ tầng hiện hữu được xây dựng từ rất lâu, nhiều thời kỳ khác nhau đến nay tình trạng chất lượng của các công trình đó đang bị xuống cấp. Nhóm thứ hai, do có nhiều khu vực trên địa bàn thành phố là nền đất yếu nhưng lại thường xuyên bị ngập nước và nền đường, các công trình ngầm được xây dựng trên nền đất yếu này nên qua thời gian dài đất bị lún ướt gây ra các lỗ bọng trong lòng đất. Nhóm cuối cùng là xuất phát từ công tác quản lý lỏng lẻo, chồng chéo vì hiện tại có quá nhiều đơn vị quản lý công trình ngầm nên khi sự cố sụt lún xảy ra lại không xác định được đơn vị chủ quản.

Do vậy rất có thể trong thời gian tới những “hố tử thần” sẽ tiếp tục xuất hiện nên việc áp dụng phương pháp kỹ thuật rađa xuyên đất là nhằm mục đích phòng ngừa phải được thực hiện nhanh trong thời gian tới.

PGS.TS Lê Hoài Quốc khẳng định: “Xét về cơ sở khoa học thì áp dụng phương pháp ra-đa xuyên đất trong việc dò tìm hố ngầm là phù hợp. Bản chất phương pháp này là nó dùng sóng viba ở tần số thích hợp quét trong lòng đất để biết cấu trúc của nó là cái gì, rất phù hợp môi trường không đồng chất như lòng đất có nhiều công trình ngầm chứa bê tông, sắt thép. Tuy nhiên, phương pháp này cũng như các phương pháp khác, bị nhiễu rất nhiều. Thành ra phải sử dụng các phương pháp chống nhiễu và phải dùng rất nhiều các tần số khác nhau để đối chiếu so sánh kết quả đo đạc.

Quan trọng nhất là phải làm ngay lúc này khi mà “hố tử thần” xuất hiện bất cứ lúc nào, ngoài thiết bị ra-đa xuyên đất phải kết hợp kiến thức của chuyên gia, kinh nghiệm của những người quản lý trong ngành để “nhắm” trước chỗ nào có nguy cơ xảy ra hố ngầm thì đưa thiết bị ra-đa xuyên đất tới xác định ngay lập tức. Vì trên địa bàn thành phố có khoảng 3.500km đường, nếu đi dò từng km với thiết bị rađa xuyên đất có tốc độ 15km/giờ thì biết bao lâu mới xong?!.

Phải xây dựng cơ sở dữ liệu

Theo PGS.TS Lê Hoài Quốc, về lâu dài, để có thể chặn đứng sự phát sinh các “hố tử thần”, ngoài việc trang bị thiết bị ra-đa xuyên đất, nhân viên sử dụng thiết bị này phải được đào tạo bài bản. Cái quan trọng hơn nữa là phải lập cho được cơ sở dữ liệu (CSDL) về hệ thống ngầm.

PGS.TS Lê Hoài Quốc
Vì sao vậy? Việc sử dụng thiết bị ra-đa xuyên đất chỉ mang lại hiệu quả cao khi người sử dụng biết được cấu trúc của mặt đường ở Việt Nam như thế nào, trải lớp vật liệu nào, rồi ống cáp quang, ống thoát nước, cấp nước, cáp điện kích cỡ bao nhiêu..., để từ đó có định chuẩn để đưa vào CSDL của máy. Đến khi “quét” trong lòng đất, thu được dữ liệu, người ta mới có thể chẩn đoán nhanh hiện trạng ở dưới đất ra sao.

Chính vì vậy, Sở KH&CN đã kiến nghị thành phố, giao cho Trường ĐH Khoa học tự nhiên và ĐH Quốc tế phối hợp xây dựng CSDL. Ngoài ra, với CSDL được xây dựng kết nối với thiết bị ra-đa xuyên đất, kiến nghị nên đưa vào qui trình kiểm định cầu đường thường xuyên, kịp thời phát hiện có sự sai khác do lún sụp gây ra và chặn đứng trước khi “hố tử thần” phát sinh. Tuy nhiên, để hoàn thành CSDL này sẽ mất thời gian rất lâu - ông Quốc cho hay.

 ***

Sự phát sinh hàng loạt “hố tử thần” trong thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có nguyên nhân liên quan đến công tác quản lý bất cập, chồng chéo giữa các đơn vị quản lý công trình ngầm và cách làm ăn cẩu thả của các đơn vị thi công. Do đó, nếu không quản lý chặt chẽ tất cả các hoạt động nói trên, thì thiết bị ra-đa xuyên đất có “tinh nhuệ” đến mức nào cũng không thể diệt hết được những “hố tử thần” liên tục sinh ra.

Anh Đức

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›