Rome, trong nỗi lo khủng bố

Thứ Hai, 23/11/2015 21:22 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - 'Nếu một ngày thức dậy, bạn đọc tin hoặc xem tivi và biết rằng ở Paris, đã có rất nhiều người chết trong một vụ khủng bố kinh hoàng, điều đầu tiên bạn nghĩ sẽ là gì?', Andrea hỏi lại khi được tôi hỏi, liệu ông có lo lắng cho nước Ý sau vụ khủng bố ở Paris không?


Quân đội Ý cũng được điều động để bảo vệ Rome và các thành phố lớn ở Italy trước nguy cơ khủng bố. Ảnh: ANSA

Chưa bị tấn công, có nghĩa là có thể bị tấn công, vấn đề là khi nào và như thế nào. Nỗi lo lắng ấy đã tràn ngập trong lòng của nhiều người Italy trong hơn một tuần qua, sau vụ tấn công khủng bố làm hàng trăm người chết và bị thương ở Paris.

Lo chứ, vì Italy là một thành viên của khối NATO; Italy cũng đứng về phía đồng minh chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS); Italy là một trong những cái nôi của nền văn minh Công giáo mà IS muốn tiêu diệt; Italy có trong lòng của thủ đô Rome Tòa thánh Vatican, quốc gia có chủ quyền nhỏ nhất thế giới, nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn, với hơn 1 tỉ người Công giáo trên toàn cầu (hơn 90% dân số Italy cũng theo Công giáo). Và chỉ trong hơn hai tuần nữa, Năm Thánh lòng thương xót, một sự kiện đặc biệt do Tòa thánh tổ chức, sẽ diễn ra, thu hút hàng chục triệu người hành hương và du khách về đây trong gần một năm. Như một lẽ đương nhiên, người Italy đặt ra câu hỏi, sau Paris, phải chăng sẽ đến lượt Rome, và liệu có điều gì tệ hại xảy ra trước hoặc trong Năm Thánh không?

Đấy chính là điều mà Andrea, người chủ quán cà phê tôi hay ngồi mỗi buổi sáng ở gần khu phố nhà mình, đã đặt ra. Nhiều người khác cũng như thế. Những nỗi lo lắng cứ lơ lửng trên đầu về một điều không hay nào đó có thể xảy ra ở Rome và nhiều thành phố khác của Italy đã đè nặng lên cuộc sống của họ trong khi không hề thiếu những áp lực của cuộc sống thường nhật, khi cuộc khủng hoảng kinh tế dài và nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến II vẫn chưa qua. Một chiếc túi ai đó bỏ quên ở nơi công cộng có thể khiến những người xung quanh hoảng hốt và ngay tức khắc gọi cảnh sát. Một gương mặt Hồi giáo đi trên phố có thể tạo ra sự chú ý của không ít người. Một đội cảnh sát hoặc lính lăm lăm tiểu liên đi tuần trên phố chưa chắc đã tạo ra cảm giác bình yên, mà chỉ gợi nhắc rằng, chúng ta đang sống trong thời buổi mà khủng bố ẩn hiện như những bóng ma và những nguy hiểm có thể đến với họ cũng như người thân của mình bất cứ lúc nào. Châu Âu đã sống trong hòa bình từ lâu, và mới chỉ quen cảm giác có thể khủng bố từ năm 2001, sau vụ tấn công vào Tòa Tháp đôi ở New York. Châu Âu không còn là một ốc đảo hạnh phúc nữa.

Trong những ngày qua, báo chí Italy đã nhắc đến hàng trăm cú điện thoại mà người dân nước này gọi cho cảnh sát sau khi phát hiện một chiếc túi của ai đó để quên trên phố, ở các ga tàu điện ngầm, trong công viên... tóm lại là những nơi đông người. Tình trạng này thậm chí xảy ra cả trên sân vận động. Một khu khán đài của sân Olimpico trong trận Lazio-Palermo hôm 22-11 đã được sơ tán sau khi người ta nhìn thấy một chiếc balo nhỏ để lại trên một ghế ngồi. Cảnh sát đã được gọi tới, và căng thẳng chỉ tan biến sau khi một ông bố cho con đi vệ sinh quay lại và bảo đó là của mình. Ông để cái balo đó lại chẳng qua là để... giữ ghế. Trước đó, người dân ở Fidenza, miền Bắc Italy, cũng đã hoảng loạn khi nhìn thấy một lá cờ giống hệt cờ đen của IS treo trên cửa sổ căn nhà. Hàng chục cú điện thoại được gọi tới cho cảnh sát, để rồi tất cả mới ngã ngửa người khi biết rằng, thực ra, đó là lá cờ của đội bóng bầu dục New Zealand. Một fan bóng bầu dục đã treo nó lên để tưởng nhớ Jonah Lomu, huyền thoại của đội New Zealand mới qua đời.

Các nhà tâm lí học cho rằng, bên cạnh ý thức cảnh giác cao độ, những cú điện thoại trên cũng thể hiện một tâm trạng lo lắng và phấp phỏng đến mức căng thẳng mà người Italy đang trải qua những ngày này, khi sự tàn khốc của vụ khủng bố ở Paris khiến họ bị sốc nặng. Tâm trạng ấy đã trở thành một virus lan truyền nhanh chóng trong cộng đồng và được các mạng xã hội "tiếp sức" làm cho nỗi lo âu trở nên ám ảnh, và nhà chức trách không muốn những nỗi sợ hãi làm cho cuộc sống ở Italy trở nên hỗn loạn. Ngay cả những lời khuyên hoặc thậm chí những câu đùa nhảm về nguy cơ khủng bố cũng có thể khiến những người viết ra trên mạng xã hội gặp rắc rối với cảnh sát. Tuần trước, một bà mẹ đã bị cảnh sát "hỏi thăm" sau khi gửi một thông điệp audio cho con gái trên WhatsApp, nhắc nhở rằng, sắp có một cuộc tấn công nhắm vào Rome, "vì mẹ của Anastasia làm việc ở Bộ Nội vụ bảo mẹ thế". Một công dân Tunisia thậm chí đã bị trục xuất về nước vì đã trả lời phỏng vấn trên một kênh truyền hình Ý rằng, "tôi đọc được rằng, Italy sẽ bị tấn công vào ngày 8-12".

Trong khi ấy, an ninh đang được tăng cường tối đa ở Rome và các thành phố lớn ở Italy trong những ngày này. Kế hoạch bảo vệ cho Năm Thánh đã được triển khai từ hôm 23-11, với việc điều động thêm 2 nghìn cảnh sát để bảo vệ các điểm "nhạy cảm" trong thành phố, trong khi cảnh sát đã bắt đầu tuần tra trên các tuyến xe bus, tầu điện ngầm và gia tăng sự hiện diện trên các đường phố. Các chốt cơ động đã được thiết lập ở nhiều nơi và cảnh sát được phép dừng kiểm tra bất cứ xe nào mà họ nghi ngờ. Các giới chức an ninh Italy nói rằng, họ không hề muốn "quân sự hóa" Rome và tạo ra một sự căng thẳng trong cuộc sống của mọi người, nhưng họ tin rằng, các lực lượng của họ đang hoạt động trơn tru để đảm bảo an ninh tối đa cho dân chúng.

Nỗi lo âu vẫn tồn tại, nhưng cuộc sống vẫn phải diễn ra và ở Rome, người ta cũng muốn chứng tỏ cho tất cả thấy, họ không hề sợ hãi. Cuối tuần vừa rồi, dưới cái lạnh của những tối cuối thu, người ta vẫn xếp hàng dài để vào các bảo tàng lớn của Rome để xem hòa nhạc, trong chương trình "Musei in musica" (Âm nhạc trong bảo tàng), một sáng kiến của Bộ văn hóa và di sản nước này.

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›