(Thethaovanhoa.vn) - Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, tính đến 8h sáng 12/8 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu là 20.501.735 ca, trong đó có 744.509 người tử vong. Toàn thế giới cũng ghi nhận 13.424.163 bệnh nhân đã bình phục, số ca bệnh nặng và nguy kịch hiện là 64.431.
Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (61.252 ca), Brazil (54.932 ca) và Mỹ (52.624 ca); Mỹ dẫn đầu về số ca tử vong mới (1.371 ca), tiếp theo là Brazil (1.242 ca) và Ấn Độ (835 ca).
Tình hình dịch bệnh tại các nước Mỹ Latinh và Caribe vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Sau điểm nóng Brazil, Colombia là nước có số ca mắc mới cao thứ hai ở Mỹ Latinh, với 12.830 ca bệnh và 321 ca tử vong trong 24 giờ qua. Hiện tại nước này có 410.453 ca bệnh, bao gồm 13.475 ca tử vong.
Tổng thống Argentina Alberto Fernandez cho biết nước này đang phải trải qua một giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời kêu gọi người dân nêu cao ý thức tự bảo vệ mình và thận trọng trước những nguy cơ lây lan dịch bệnh khi ra đường. Ông cũng nhấn mạnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và con đường phía trước còn rất dài, chính vì vậy sự đoàn kết trong xã hội là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện tại.
- Dịch COVID-19: Hơn 200.000 người tử vong ở Mỹ Latinh và Caribe
- Dịch COVID-19: Số ca tử vong tại khu vực Mỹ Latinh cao thứ hai thế giới
Argentina là một trong những nước áp dụng sớm nhất biện pháp cách ly xã hội bắt buộc và trong những tháng đầu tiên đã hạn chế được số ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, trong khoảng hơn 1 tháng trở lại đây khi chính phủ bắt đầu nới lỏng việc giãn cách, số ca nhiễm mới lại tăng đột biến. Trong những tuần gần đây, số ca nhiễm mới theo ngày liên tục ở mức trên 5.000 người, thậm chí có thời điểm đã lên tới trên 7.000 người. Theo thống kê chính thức, đến nay quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận 260.911 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 5.004 trường hợp tử vong.
Trong khi đó, Thủ tướng Peru Walter Martos cho biết Peru đang đàm phán với chính phủ và phòng thí nghiệm của 9 quốc gia để có thể sớm tiếp cận với vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại quốc gia Nam Mỹ này. Ông Martos khẳng chính phủ sẽ cân đối ngân sách để có thể dành một khoản tài chính cho việc mua vaccine trước cuối tháng 8, qua đó bảo đảm miễn dịch cho khoảng 6,6 triệu người, tương đương với 20% dân số Peru.
Theo Thủ tướng Martos, Peru đã liên hệ với các phòng thí nghiệm lớn nhất thế giới ở Đức, Brazil, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Anh, Ấn Độ, Italy và Nhật Bản để có thể đàm phán mua vaccine trong thời gian sớm nhất. Dự kiến, trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 9, Peru sẽ hoàn tất 3 thỏa thuận với các phòng thí nghiệm, bao gồm cả chương trình triển khai thử nghiệm lâm sàng tại quốc gia Nam Mỹ này, đồng thời hy vọng sẽ có được mức giá ưu đãi và điều kiện thuận lợi.
Chính phủ Peru và Colombia ngày 11/8 cũng đã đạt được thỏa thuận về kế hoạch chung chống đại dịch COVID-19 tại các khu vực biên giới giữa hai nước nhằm bảo vệ tính mạng cho người dân, cũng như góp phần vào tiến trình bình thường hóa hoạt động kinh tế. Peru và Colombia nằm trong số các quốc gia Mỹ Latinh chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, chỉ sau Brazil và Mexico. Hiện Peru đã ghi nhận tổng cộng 483.133 ca COVID-19, trong khi Colombia có 410.453 người nhiễm bệnh, lần lượt xếp thứ 7 và 8 ở cấp độ toàn cầu.
Tại châu Âu, Bộ Ngoại giao Đức ngày 11/8 cho biết nước này đã mở rộng cảnh báo du lịch một phần bao trùm thủ đô Madrid và xứ Basque của Tây Ban Nha do đại dịch COVID-19.
Theo bộ trên cảnh báo được đưa ra đối với mọi chuyến du lịch không cần thiết đến cả 2 khu vực của Tây Ban Nha do tình trạng gia tăng các ca bệnh mới và những quy định hạn chế của địa phương đang được triển khai nhằm chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2.
Trước đó, Chính phủ Đức đã đưa ra các cảnh báo du lịch đối với 3 khu vực của Tây Ban Nha gồm Aragon, Catalonia và Navarra. Hiện các trường học ở Đức đã dần bắt đầu năm học mới trong điều kiện quy định về việc giữ gìn vệ sinh dịch tễ, giữ khoảng cách và đeo khẩu trang. Tuy nhiên, các quy định lại được áp dụng không hoàn toàn giống nhau tại các bang ở Đức.
Vương quốc Anh cũng thông báo toàn bộ trường học tại nước này sẽ nối lại hoạt động đầy đủ bất chấp số ca mắc COVID-19 gia tăng. Ngày 11/8, học sinh tại vùng Scoland đã bắt đầu đi học trở lại lần đầu tiên sau 5 tháng trong bối cảnh giới chức lãnh đạo Anh đang nỗ lực để khởi động lại hoạt động giáo dục bất chấp tình hình dịch bệnh đang nóng trở lại. Chính quyền vùng Scoland chỉ đạo tất cả học sinh tại nhiều khu vực trở lại trường trong tuần này, với tất cả các lớp học phải được nối lại đầy đủ vào ngày 18/8.
Tại vùng England, nơi trước đó dự kiến cho học sinh tựu trường vào tháng 6 đã phải hủy bỏ kế hoạch sau khi các tổ chức công đoàn và nhiều bậc phủ huynh phản đối, nay cũng khẳng định sẽ cho học sinh trở lại trường vào tháng 9.
Kế hoạch mở cửa trở lại trường học diễn ra khi Anh, quốc gia đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất châu Âu, với hơn 46.000 ca, lo ngại dịch bệnh bắt đầu bùng phát trở lại. Chỉ trong vòng 24 giờ qua, Anh đã ghi nhận hơn 1.000 ca mắc mới, con số cao nhất kể từ tháng 6 vừa qua, thời điểm lệnh phong tỏa chống dịch kéo dài vài tháng vừa được nới lỏng trong vài tuần qua.
Anh đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế tại một số vùng ở miền Trung và miền Bắc England, cũng như thành phố Aberdeen ở Scotland khi số ca nhiễm bùng phát trở lại.
Tại Trung Đông - Bắc Phi, người đứng đầu Ủy ban khoa học chống virus SARS-CoV-2 thuộc Bộ Y tế Ai Cập - ông Hossam Hosni ngày 11/8 cho rằng làn sóng thứ 2 của đại dịch COVID-19 dự kiến sẽ diễn ra vào mùa Đông năm nay.
Theo ông Hosni, virus SARS-CoV-2 vẫn tồn tại ở Ai Cập, cũng như khắp thế giới, kể cả khi số ca COVID-19 đã giảm đáng kể. Ông Hosni cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc thực hiện tất cả các biện pháp phòng, chống virus SARS-CoV-2 vì đại dịch chưa kết thúc.
Trước đó, nhà chức trách Ai Cập đã tiếp tục kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa bệnh dịch, đồng thời cảnh báo rằng sự lơ là, không thực hiện các biện pháp phòng ngừa có thể khiến số ca COVID-19 gia tăng trở lại.
Trong khi đó, chính quyền Tunisia đã quyết định kể từ ngày 15/8 sẽ thắt chặt hoạt động kiểm soát đối với các hành khách đến từ Pháp, Bỉ và Iceland để hạn chế nguy cơ xâm nhập của virus SARS-CoV-2.
Theo quyết định được đưa ra trong cuộc họp cấp bộ trưởng tại trụ sở chính phủ ở thủ đô Tunis hôm 11/8, 3 quốc gia châu Âu kể trên sẽ bị chuyển từ “vùng xanh” sang “vùng da cam”. Quyết định này có nghĩa là tất cả các khách du lịch đến Tunisia từ Pháp, Bỉ và Iceland sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 được thực hiện không quá 72h trước chuyến đi. Bên cạnh đó, họ đều phải thực hiện chế độ tự cách ly.
Chính phủ Tunisia cũng quy định bắt buộc mang khẩu trang ở một số khu vực như sân bay, nhà ga đường sắt Tunis, bệnh viện, phòng khám tư nhân, siêu thị, cũng như tăng cường kiểm soát trong các không gian giải trí khép kín.
Thanh Phương/TTXVN
Tags