(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, Mỹ và Triều Tiên đã có nhiều động thái được đánh giá là mềm mỏng, thiện chí nhằm duy trì không khí tốt đẹp trong quan hệ mới tan băng.
- Chùm ảnh: Những 'khoảnh khắc vàng' của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều
- Thành phần phái đoàn dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều gồm những ai?
- Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Cơ hội hòa bình trong tầm tay
Triều Tiên bỏ tuyên truyền chống Mỹ
Trong dịp kỷ niệm cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Triều Tiên thường tổ chức tuần hành chống đế quốc Mỹ. Cuộc tuần hành này đã được tổ chức thường niên trong nhiều năm trở lại đây. Năm 2017, cuộc tuần hành thu hút 100.000 người tham gia ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Tham gia tuần hành, người dân mang theo biểu ngữ và tranh cổ động công kích Mỹ. Họ giơ cao nắm tay thể hiện sự quyết tâm. Thậm chí Triều Tiên còn phát hành tem kỷ niệm có hình ảnh về sự hủy diệt của Mỹ.
Năm 2017, một quan chức cho biết tất cả thành viên Đảng Lao động Triều Tiên và người dân Bình Nhưỡng “sẽ cháy rực ý chí loại bỏ hoàn toàn đế quốc Mỹ, kẻ thù không đội trời chung, khỏi địa cầu”.
Nhìn chung, các cuộc tuần hành là dịp để Triều Tiên truyền đi thông điệp chính trị tới toàn thế giới, mà trọng tâm là sự thù hận chính sách của Mỹ trong khu vực.
Năm nay, theo đại diện của hãng tin AP tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên đã hủy cuộc tuần hành này. Ông Mintaro Oba, cựu nhà ngoại giao Mỹ phụ trách chính sách về Triều Tiên, nhận định động thái của Triều Tiên có ý nghĩa quan trọng.
Ông nói: “Điều này cho chúng ta biết rằng Triều Tiên đã đủ tự tin… rằng họ muốn tạo không khí tích cực hơn trong nước và phát đi các tín hiệu xây dựng hơn ở nước ngoài”. Mục tiêu cuối cùng của Triều Tiên là muốn có tiến triển với Mỹ theo cách của mình hoặc đảm bảo Mỹ sẽ phải chịu chỉ trích nếu căng thẳng gia tăng trở lại”.
Quyết định ngừng tuần hành chống Mỹ được đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12/6 vừa qua và sau khi Mỹ cam kết ngừng tập trận với Hàn Quốc.
Không chỉ ngừng tuần hành chống Mỹ, bộ máy tuyên truyền của Triều Tiên cũng từ bỏ những ngôn từ, hình ảnh nói xấu Mỹ.
Theo New York Post, đa số chiến dịch tuyên truyền chống Mỹ đều bị loại bỏ ở Triều Tiên. Các áp phích khắc họa Mỹ là quốc gia “cướp bóc, bệnh tật, thối nát” và cam kết “trả thù không thương tiếc” lực lượng Mỹ đã không còn xuất hiện ở Bình Nhưỡng. Tranh ảnh vẽ tên lửa Triều Tiên phóng tới Washington cũng biến mất. Đồ lưu niệm chống Mỹ không còn được bày bán.
Thay vào đó là các thông điệp vui vẻ ca ngợi triển vọng tái thống nhất Bán đảo Triều Tiên và tuyên bố mà Triều Tiên và Hàn Quốc vừa ký kết hồi tháng 4.
Thậm chí, ngay cả khi Tổng thống Donald Trump ngày 22/6 gia hạn trừng phạt Triều Tiên thêm 1 năm và tuyên bố nước này vẫn là “mối đe dọa bất thường”, Triều Tiên cũng có phản ứng rất mềm mỏng. Triều Tiên cho biết vẫn tìm kiếm “kỷ nguyên mới” với Mỹ.
Ngoài ra, Triều Tiên và Mỹ cũng đang nỗ lực chuẩn bị thực hiện một nội dung đã được ghi trong tuyên bố chung sau hội nghị ở Singapore về hồi hương hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong Chiến tranh Triều Tiên.
Quân đội Mỹ đã chuẩn bị ít nhất 100 quan tài gỗ gần biên giới Hàn Quốc-Triều Tiên ngày 23/6 để chuẩn bị đón hài cốt các quân nhân Mỹ.
Động thái chuẩn bị của Mỹ cho thấy phía Triều Tiên có thể sớm trao trả hài cốt quân nhân Mỹ cho dù chưa có ngày giờ, địa điểm cụ thể.
Mỹ không ép Triều Tiên
Về phía Mỹ, sau khi tuyên bố hủy cuộc tập trận chung “Người bảo vệ tự do Ulchi” với Hàn Quốc theo cam kết của Tổng thống Trump tại họp báo sau cuộc gặp với ông Kim Jong-un, nước này ngày 22/6 cũng tuyên bố ngừng vô thời hạn hai cuộc tập trận chung nữa với Hàn Quốc. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, động thái trên là để ủng hộ đàm phán ngoại giao diễn ra giữa Mỹ và Triều Tiên.
Hai cuộc tập trận chung khác bị hủy nằm trong Chương trình Trao đổi Hải quân Hàn Quốc, dự kiến diễn ra trong ba tháng tới.
Theo bà Dana White, phát ngôn viên Lầu Năm góc, tùy vào việc Triều Tiên tiếp tục đàm phán hiệu quả, thiện chí mà Lầu Năm góc sẽ có thêm quyết định nữa.
Thông báo trên diễn ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis gặp Ngoại trưởng Mike Pompeo, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Joe Dunford và Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton để thảo luận biện pháp thực hiện kết quả hội nghị thượng đỉnh.
Việc Mỹ ngừng các cuộc tập trận có ý nghĩa quan trọng vì Triều Tiên luôn phản đối Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung, coi đây là động thái diễn tập xâm lược Triều Tiên.
Không chỉ dừng tại đó, giới chức Mỹ dường như không quan tâm tới những chỉ trích của dư luận về tuyên bố chung “mơ hồ” hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên mà hai nước đạt được tại Singapore.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo khẳng định sẽ không ép Triều Tiên đàm phán về lộ trình phi hạt nhân hóa.
Phát biểu với CNN, ông Pompeo nói: “Tôi sẽ không đặt lộ trình, dù là hai tháng hay sáu tháng, chúng tôi cam kết nhanh chóng hành động để xem chúng tôi có thể đạt được những gì mà hai lãnh đạo đã đặt ra hay không”.
Tuần trước đó, ông Pompeo cho biết ông có thể sẽ trở lại Triều Tiên sớm để tìm cách thực hiện những cam kết tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore. Theo ông Pompeo, còn quá sớm để hi vọng có một lộ trình cụ thể sau 40 năm căng thẳng, nhưng ông tin rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un chắc chắn muốn phi hạt nhân hóa.
Theo bình luận của tạp chí Newsweek, những động thái của hai bên cho thấy Mỹ và Triều Tiên dường như đang rất hòa hợp và không muốn làm đối phương phật ý.
Theo Thùy Dương/Báo Tin tức
Tags