Số người nhập viện tại New York giảm kỷ lục, WHO cảnh báo nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Đông

Thứ Tư, 29/04/2020 07:42 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại New York, số người nhập viện trong một ngày tại bang New York của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng qua, cho thấy cuộc khủng hoảng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang bắt đầu có xu hướng giảm tại tiểu bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của nước Mỹ.   

Dịch COVID-19: Mỹ ghi nhận thêm 1.330 ca tử vong

Dịch COVID-19: Mỹ ghi nhận thêm 1.330 ca tử vong

Theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins công bố sáng 27/4 (giờ Việt Nam), trong 24 giờ qua, Mỹ đã ghi nhận thêm 1.330 trường hợp tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 54.841 người trong số 964.937 trường hợp mắc bệnh.

Số người nhập viện vì nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19 trong 3 ngày liên tiếp vừa qua tại New York đã xuống thấp dưới 1.000 người, mức thấp nhất kể từ ngày 24/3.   

Thống đốc New York Andrew Cuomo ngày 28/4 cho biết ông sẽ cho phép mở lại hoạt động ở những khu vực mà tình trạng dịch bệnh ít nghiêm trọng hơn so với thành phố New York, tâm dịch của bang. Ông cũng cho rằng những vùng muốn được mở cửa hoạt động trở lại phụ thuộc vào một số chỉ số như: số giường bệnh sử dụng cho dịch bệnh chiếm dưới 70% và tỷ lệ lây nhiễm dưới mức 1,1 - tức là trung bình cứ 1 người nhiễm thì lây cho 1,1 người khác.   

Thống đốc cũng cho biết kế hoạch sẽ sử dụng khoảng 30 máy truy xuất tiếp xúc (contact tracers) đối với mỗi 100.000 người và như vậy với dân số của bang là 19 triệu sẽ cần khoảng 5.700 nhân viên để thực hiện việc này nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan hoặc bùng phát trở lại.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 điều trị tại tàu bệnh viện ở Los Angeles, Mỹ, ngày 18/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 28/4 đã cảnh báo rằng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra có thể bùng phát và tác động tới các vùng xung đột ở Trung Đông.   

Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến từ Cairo (Ai Cập), Giám đốc khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO Ahmed al-Mandhari cho rằng “cuộc chiến này đã trở nên thách thức hơn với sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 ở nhiều nước như Syria, Libya và Yemen”.   

Theo ông al-Mandhari, nhiều năm hỗn loạn và xung đột đã hủy hoại cơ sở hạ tầng y tế ở những nước này, khiến những người dân vốn đã chịu nhiều tổn thương dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm khi họ phải đương đầu với những khó khăn, hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản.   

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Cairo, AI Cập ngày 26/4/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Ông al-Mandhari cho rằng có một thách thức nghiêm trọng khác ở những quốc gia này đó chính là sự chia rẽ chính trị, vốn thường cản trở việc chia sẻ thông tin và gây khó khăn trong việc tiếp cận vì mục đích nhân đạo ở những nước này.   

Ngoài ra, ông al-Mandhari cũng cảnh báo về tình trạng nới lỏng các biện pháp phong tỏa tại một số quốc gia ở khu vực Trung Đông. Ông al-Mandhari cho rằng việc sớm dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội nhiều khả năng sẽ dẫn tới tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 bật tăng trở lại một cách không thể kiểm soát nổi và xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai của các ca mắc COVID-19.   

Trước đó, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm trong khu vực từng cảnh báo rằng sẽ xảy ra những thảm họa nhân đạo vô cùng nghiêm trọng nếu xung đột và dịch bệnh xảy ra cùng lúc ở Syria, Yemen hay Libya. Hiện cả 3 quốc gia này, với hạ tầng y tế vừa yếu vừa thiếu, đều đã phát hiện các trường hợp mắc COVID-19.

TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›