Thế giới cần thận trọng trước làn sóng bùng phát dịch COVID-19 thứ hai

Thứ Tư, 17/06/2020 14:03 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày gần đây, khi đại dịch COVID-19 có dấu hiệu dịu bớt ở một số quốc gia, nhiều nước đã giảm bớt giãn cách xã hội hoặc chuẩn bị “bình thường hóa” các hoạt động kinh tế-xã hội.

Diễn biến dịch Covid-19 sáng 17/6: Châu Á 'nóng' trở lại, thế giới có 8,2 triệu ca nhiễm

Diễn biến dịch Covid-19 sáng 17/6: Châu Á 'nóng' trở lại, thế giới có 8,2 triệu ca nhiễm

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 132.985 trường hợp mắc COVID-19 và 6.294 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 8,2 triệu người. Diễn biến dịch đang trái chiều giữa các châu lục, và nguy cơ về làn sóng dịch thứ hai ngày càng hiển hiện.

Thực tế thì virus SARS-CoV-2 vẫn “biến ảo” rất nguy hiểm và khó lường. Bằng chứng là số ca mắc mới đang tăng lên tại một số nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Diễn biến bất ngờ trên đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ hai, với những hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều.

Thế giới đã vượt mốc 8 triệu người nhiễm   

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc tháng 12-2009, đến nay đã lan ra toàn cầu. Con số ca nhiễm đã vượt mốc 8 triệu người và hơn 439 nghìn người tử vong. Đáng lo ngại là khoảng thời gian để số ca nhiễm tăng thêm 1 triệu người đang ngày càng ngắn lại. Tính đến nay, số ca nhiễm hiện tại đang gấp 12 lần so với giai đoạn 3 tháng đầu tiên của dịch.   

Ở thời điểm ngày 3-4, thế giới đã cán mốc 1 triệu người nhiễm, tính  trung bình cứ 8 giây lại có thêm 1 ca nhiễm. Nhưng từ sau thời điểm này con số lây nhiễm tăng chóng mặt. Trong tháng 4 và 5, thế giới đã có thêm 5 triệu người nhiễm bệnh. Như vậy, tính trung bình trong khoảng thời gian này, cứ 10-12 ngày là có thêm 1 triệu ca nhiễm bệnh, tức cứ 1 giây đã có thêm 1 ca nhiễm mới. Sang tháng 6 này, chỉ trong vòng nửa tháng (đến ngày 15-6), thế giới đã xuất hiện thêm 2 triệu ca nhiễm mới, tương ứng với chưa đầy 1 giây đã có thêm ca nhiễm. Tốc độ này nhanh gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2 tháng trước.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Như vậy, dịch COVID-19 đến nay vẫn chưa hề có điểm dừng, thậm chí còn tăng mạnh ở một số điểm nóng mới như châu Phi và châu Mỹ Latinh. Mỹ hiện vẫn là nước có nhiều ca nhiễm nhất thế giới với hơn 2,1 triệu ca và nhiều ca tử vong nhất với hơn 118 nghìn ca. Còn Brazil hiện là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất khu vực Mỹ Latinh, tương ứng là hơn 891 nghìn ca nhiễm và hơn 44 nghìn ca tử vong. Thành phố Santana Do Livramento ở miền Nam Brazil giáp Uruguay đã phải ban bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm do dịch bệnh lây lan mạnh, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trong tới thành phố Rivera của nước láng giềng Uruguay do người dân hai bên thường xuyên qua lại cửa khẩu. Tại châu Phi, nước có số ca nhiễm cao nhất là Nam Phi với 73,5 nghìn ca (tính đến 16-6), sau khi đã ghi nhận thêm 3.495 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua. Trong khi đó, nước có số ca tử vong cao nhất tại châu lục này là Ai Cập với 1.672 ca sau khi ghi nhận thêm 97 ca tử vong mới trong vòng 1 ngày qua.

Chú thích ảnh
Thi thể một bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Cape Town, Nam Phi, ngày 9/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cảnh báo làn sóng bùng dịch thứ hai   

Tình hình tại một số điểm dịch cũ cũng đang có dấu hiệu “nóng” trở lại, nhất là sau khi một loạt nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch và mở cửa lại nền kinh tế. Dù một số quốc gia trên thế giới đã cho thấy kết quả tích cực trong việc kiểm soát đà lây lan của dịch COVID-19 nhưng dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ với những làn sóng lây nhiễm mới. Ngay tại châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đang phải đối mặt với những ca mắc COVID-19 xuất hiện trở lại đáng kể.   

Tại Nhật Bản, ngay sau khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc (ngày 25-5) thì nước này ngày 14-6 đã ghi nhận 75 ca mắc mới, trong đó thủ đô Tokyo xác nhận thêm 47 ca. Đây là lần đầu tiên trong vòng 1 tháng qua, Tokyo ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh. Phần lớn các ca lây nhiễm mới ở Tokyo xuất phát từ các quán rượu, quán karaoke, nơi việc phòng lây nhiễm không được thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra, lưu lượng giao thông tại Nhật Bản hiện đã khôi phục được 70% so với thời điểm trước dịch bệnh. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho dịch tái bùng phát trở lại. Trước thực tế này, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19 ở nước này, đồng thời cho rằng người dân không nên chủ quan rằng virus SARS-CoV-2 sẽ yếu đi trong mùa hè vì virus nguy hiểm này vẫn lây lan ngay cả ở các quốc gia cực nóng tại Trung Đông.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Còn tại quốc gia láng giềng Hàn Quốc, ngày 14-6 cũng ghi nhận thêm 34 ca mắc mới COVID-19 tập trung ở thủ đô Seoul và các vùng phụ cận, khiến một số biện pháp giãn cách xã hội lại phải tái áp dụng tại thủ đô Seoul và vùng phụ cận để phòng dịch COVID-19. Hiện có nhiều ý kiến lo ngại dịch bệnh có thể lây lan đến nhà máy của các tập đoàn, nơi tập trung đông nhân lực sản xuất khi bắt đầu xuất hiện các ca mắc mới là người lao động ở các tập đoàn.   

Tại Trung Quốc, những ổ dịch COVID-19 đã xuất hiện tại thủ đô Bắc Kinh, liên quan đến các chợ đầu mối vốn có đông người đến, tương tự như tình trạng ở thành phố Vũ Hán trước đây. Như vậy, sau khi ghi nhận khoảng 2 tháng không có ca mắc trong cộng đồng, dịch COVID-19 đã quay trở lại Bắc Kinh với các ca nhiễm liên tục tăng trong vài ngày qua. Tất cả các ca nhiễm này đều liên quan đến khu chợ bán buôn Tân Phát Địa (Xinfadi), nơi cung cấp đến 80% lượng rau củ quả và 10% lượng thịt cho thành phố với 23 triệu dân của Bắc Kinh. Ca bệnh đầu tiên của đợt tái bùng phát dịch ở thủ đô Bắc Kinh lần này được xác nhận vào chiều ngày 11-6, chỉ 2 ngày sau khi giới chức thành phố này tuyên bố Bắc Kinh không còn COVID-19 lây nhiễm trong nước, với bệnh nhân cuối cùng bình phục và xuất viện ngày 8-6. Nhưng tính đến sáng 16-6, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 liên quan ổ dịch này đã lên đến gần 100 người, khiến giới chức thành phố Bắc Kinh phải lên tiếng cảnh báo tình hình "cực kỳ nghiêm trọng". Hiện chính quyền thành phố đã phải đóng cửa khu chợ Tân Phát Địa từ ngày 13-6, đồng thời phong tỏa các khu dân cư quanh khu chợ. Đáng chú ý, hiện tỉnh giáp ranh với Bắc Kinh là Hà Bắc cũng đã phát hiện những ca nhiễm mới. Vì vậy nhiều địa phương ở Trung Quốc đã khuyến cáo người dân không đến thành phố Bắc Kinh trong dịp này.     

Số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ cũng đang có dấu hiệu tăng trở lại, với số ca nhiễm mới ở mức kỷ lục trên 10 nghìn ca trong một ngày, liên tiếp trong 10 ngày vừa qua. Nhiều bang tại Ấn Độ đã quyết định đóng cửa biên giới trở lại, chỉ 2 tuần sau khi nới lỏng.   

Một số nước ở Đông Nam Á như Indonesia, Philippines vẫn tiếp tục ghi nhận thêm hàng trăm ca mắc và tử vong do COVID-19 mỗi ngày trong bối cảnh các nước này cũng đang nới lỏng các biện pháp phòng dịch…

Không thể chủ quan   

Theo các chuyên gia, có một số đặc tính của virus SARS-CoV-2 khiến chúng ta rất khó ngăn chặn. Thứ nhất, đây là chủng virus mới, tức là trong cộng đồng chưa có ai đã từng có sẵn miễn dịch với virus này. Thứ hai là nó có tỷ lệ lây nhiễm rất cao, tính trung bình mỗi người nhiễm virus sẽ lây nhiễm sang 2-3 người khác. Thứ ba là virus này có thể lây lan từ những người không có triệu chứng bệnh. Nghiên cứu cho thấy khoảng 80% những người bị nhiễm virus chỉ có triệu chứng nhẹ, một số không có triệu chứng và có thể lây nhiễm cho người khác.   

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 8-6 đã cảnh báo một số nước có thể phải đối mặt với đỉnh dịch thứ hai nếu dỡ bỏ quá sớm các biện pháp chống COVID-19. WHO kêu gọi các quốc gia tiếp tục nỗ lực ngăn chặn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, khẳng định dịch bệnh đang diễn biến xấu đi trên toàn cầu và vẫn chưa đạt đỉnh tại Trung Mỹ. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại buổi họp báo trực tuyến đã nêu rõ: "Đại dịch đã trải qua hơn 6 tháng, hiện không phải thời điểm để bất kỳ nước nào lơ là trong cuộc chiến (chống COVID-19)".   

Chú thích ảnh
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tại cuộc họp báo về dịch COVID-19 ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan thì cho rằng hiện là thời điểm đáng quan ngại khi số ca nhiễm mới vẫn không ngừng gia tăng ở một số khu vực như Trung Mỹ, đồng thời ông kêu gọi chính phủ các nước lãnh đạo một cách vững vàng cũng như quốc tế hỗ trợ cho khu vực. Ông Ryan khẳng định hiện là lúc chúng ta cần tập trung vào việc ngăn chặn một đợt đỉnh dịch COVID-19 thứ hai. Theo ông Ryan, các dịch bệnh thường bùng phát theo từng đợt, có nghĩa là các đợt bùng phát có thể quay lại trong năm nay tại những khu vực mà “làn sóng” đầu tiên đã lắng xuống. Theo ông Ryan, vẫn có nguy cơ tỷ lệ lây nhiễm tăng trở lại một cách nhanh hơn nếu các biện pháp ngăn chặn làn sóng đầu tiên bị dỡ bỏ quá sớm.   

Đặc biệt, trong bối cảnh ngày càng nhiều nước dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch và mở cửa trở lại thì mối lo về sự bùng phát đợt sóng dịch thứ hai càng hiện hữu. Ví dụ như ở châu Âu, từ ngày 15-6, các nước châu Âu đã mở cửa biên giới để chào đón khách du lịch sau 3 tháng đóng cửa. Mặc dù tỷ lệ lây lan của dịch COVID-19 đã giảm đáng kể tại châu Âu, tạo động lực cho các nước dần dỡ bỏ các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, song hiện nay việc mở lại biên giới lại không được phối hợp hài hòa giữa các nước với nhau. Điều này cũng gây ra lo ngại về sự bùng phát dịch trở lại khi việc đi lại tự do được nới lỏng.

Đức đã dỡ bỏ cảnh báo đi lại tới các nước EU và Anh, nhưng vẫn giữ cảnh báo đi lại tới hơn 160 nước ngoài EU cho tới cuối tháng 8. Trong khi Séc vẫn cấm du khách đến từ những quốc gia có nguy cơ nhiễm bệnh cao như Bồ Đào Nha, Thụy Điển, còn Tây Ban Nha chưa mở cửa biên giới cho người nước ngoài đến ngày 21-6, ngoại trừ một số đảo. Na Uy cũng mở cửa biên giới từ 15-6 với các quốc gia Bắc Âu, trừ Thụy Điển. Đan Mạch chỉ tiếp nhận du khách đến từ Đức, Na Uy hoặc Iceland… Việc mở lại các biên giới nội khối của EU nhằm đưa các hoạt động kinh tế-xã hội trở lại trạng thái bình thường sau thời gian dài chịu tác động của đại dịch COVID-19 cũng gây ra thách thức lớn đối với các quốc gia châu Âu là làm sao để vừa ngăn chặn dịch vừa bảo đảm quyền tự do của mỗi cá nhân, đồng thời phải đảm bảo để dịch không bùng phát trở lại.   

Có thể thấy, đại dịch COVID-19 đã bùng phát trên toàn cầu theo cách “quá nhanh, quá nguy hiểm” và diễn biến phức tạp, khôn lường. Bởi vậy, việc “ấn công tắc” khởi động lại nền kinh tế và các hoạt động xã hội quá sớm có thể sẽ là hành động gây tổn hại nghiêm trọng hơn nữa cho các quốc gia. Vì vậy, hiện là thời điểm thế giới vẫn rất cần phải thận trọng, duy trì giãn cách xã hội để ngăn chặn làn sóng dịch thứ hai.

Trọng Đức/TTXVN (tổng hợp)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›