(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 1/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận gần 34.147.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.018.168 ca tử vong. Số trường hợp được điều trị khỏi bệnh là 25.409.665 người.
Mỹ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 7,5 triệu ca mắc và 211.713 ca tử vong. Cho đến nay, Mỹ Latinh là khu vực khó kiểm soát COVID-19 nhất trên thế giới. Sau gần 7 tháng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ Latinh, khu vực này chiếm tới 33,8% số ca tử vong và 27% số ca mắc trên toàn cầu. Tính tới hết tháng 9, dịch bệnh COVID-19 đã khiến 34 triệu người trong khu vực này mất việc làm, trong đó lao động nữ và trẻ tuổi bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cuộc khủng hoảng lao động tồi tệ nhất trong lịch sử này sẽ làm trầm trọng hơn nữa tình trạng bất bình đẳng vốn đã ảnh hưởng tới hầu hết các nước trong khu vực. Ngoài Mỹ, Brazil cũng là nước bị ảnh hưởng khá nặng nề trong khu vực, với 4.813.586 ca mắc và 143.962 ca tử vong.
Nước chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai thế giới là Ấn Độ với hơn 6,3 triệu ca mắc và 98.708 ca tử vong. Với số ca mắc mới liên tục duy trì ở mức 80.000-90.000 mỗi ngày, dự đoán số ca mắc COVID-19 tại quốc gia châu Á này có thể vượt Mỹ trong những ngày tới.
Iran và Iraq cũng là những điểm nóng trong khu vực châu Á, với số ca mắc mới trong 24 giờ qua lần lượt là 3.582 ca và 4.691 ca, nâng tổng số ca mắc tại Iran lên 457.219 ca, trong đó có 26.169 ca tử vong, và Iraq với 362.981 ca mắc và 9.181 ca tử vong.
Tại châu Âu, Nga có số ca mắc nhiều nhất, với 1.176.286 ca trong đó 20.722 ca tử vong. Trong 24 giờ qua Nga có gần 8.500 ca mắc mới. Trong 24 giờ qua Pháp và Tây Ban Nha có số ca mắc mới cao nhất châu lục, lần lượt là 12.845 và 11.016 ca. Theo đó, tổng số ca mắc tại Tây Ban Nha tăng lên 769.188 với 31.791 ca tử vong và Pháp 563.535 ca mắc với 31.956 ca tử vong.
Tại Séc, số ca mắc tăng cao đột biến khiến nước này quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp bắt đầu có hiệu lực từ 0h00 ngày 5/10 (theo giờ địa phương) và sẽ kéo dài trong 30 ngày. Ngoài lệnh trên, một số biện pháp hạn chế mới để ứng phó với COVID-19 cũng được triển khai.
- Dịch COVID-19 ngày 30/9: Thế giới có 33.920.824 ca bệnh, 1.013.951 ca tử vong
- Hà Nội: Phê bình 6 quận, huyện có dấu hiệu chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch COVID - 19
- Dịch COVID-19: Không ghi nhận ca mắc mới, Việt Nam đã điều trị khỏi 1.010 bệnh nhân
Số ca mắc mới gia tăng tại Anh cũng khiến Thủ tướng nước này Boris Johnson đưa ra cảnh báo có thể áp đặt thêm các biện pháp để kiềm chế đại dịch COVID-19 lây lan nếu tình hình tiếp tục xấu đi.
Tại Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cảnh báo lệnh phong tỏa toàn quốc do dịch COVID-19 có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí một năm.
Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 30/9 kêu gọi các nước đóng góp ngay 15 tỷ USD cho quỹ chung toàn cầu nhằm đảm bảo việc mua và phân phối vaccine ngừa COVID-19. Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh những khoản đóng góp này hết sức quan trọng đối với việc đảm bảo mua, sản xuất và dự trữ vaccine, đồng thời tiếp tục nghiên cứu và giúp các nước tối ưu hóa lợi ích của vaccine khi những sản phẩm này được đưa ra thị trường.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết Anh đã cam kết đóng góp 250 triệu bảng (320 triệu USD). Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven thông báo nước này cam kết đóng góp 10 triệu USD và Thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo đóng góp khoảng 440 triệu USD.
Cùng phát biểu tại phiên họp, tỷ phú Bill Gates tuyên bố quỹ của ông đã ký thỏa thuận với 16 công ty công nghệ sinh học nhằm đảm bảo mở rộng quyền tiếp cận vaccine, chẩn đoán và trị liệu cho người dân.
Phương Hoa - TTXVN
Tags