(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 8/2 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 106.673.989 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.326.773 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 78.374.257 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 474.933 ca tử vong trong tổng số 27.609.213 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 155.114 ca tử vong trong số 10.838.843 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 231.561 ca tử vong trong số 9.524.640 bệnh nhân.
Tại châu Âu, Áo thông báo siết chặt kiểm soát biên giới với Đức và các nước láng giềng khác nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
- Họa sĩ nhí Xèo Chu: Vẽ tranh là một cách vượt qua nỗi sợ Covid-19
- Các nước Đông Nam Á sẽ triển khai nhanh tiêm đại trà vaccine ngừa Covid-19
- Thái Lan cảnh báo nguy cơ lây lan Covid-19 trong dịp Tết Nguyên đán
Theo Bộ Nội vụ Áo, bắt đầu từ ngày 8/2, việc đi lại qua biên giới Áo sẽ được giảm xuống mức tối thiểu. Bộ trưởng Nội vụ Áo Karl Nehammer cũng đã trao đổi với người đồng cấp Đức Horst Seehofer về vấn đề này. Ông Nehammer nêu rõ Áo sẽ siết chặt mạng lưới kiểm soát ở biên giới để giám sát việc tuân thủ các biện pháp phòng chống COVID-19 và sẽ chỉ có một số ít ngoại lệ cho người qua lại biên giới trong trường hợp thực sự cấp thiết.
Bộ Nội vụ Áo khẳng định việc kiểm soát biên giới cũng được thực hiện với sự hợp tác của lực lượng cảnh sát các nước láng giềng. Kể từ năm 2015, Áo thường xuyên tiến hành kiểm soát đường biên giới với Hungary và Slovenia, trong khi biên giới với CH Séc và Slovakia cũng đã được kiểm soát từ một tháng qua nhằm khống chế đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, biên giới với Đức, Italy, Thụy Sĩ và Liechtenstein mới chỉ được kiểm soát một cách ngẫu nhiên.
Trong 24 giờ qua, Áo đã ghi nhận thêm hơn 1.300 ca nhiễm mới và 22 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc COVID-19 từ đầu dịch đến nay lên 420.600 ca và 7.900 ca tử vong.
Còn tại Đức, một ổ dịch đã bùng phát tại một viện dưỡng lão và hưu trí ở thị trấn Belm thuộc huyện Osnabrück, bang Niedersachsen khi phát hiện biến thể của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Anh trong mẫu xét nghiệm của 14 cụ ở cơ sở này. Điểm đáng lưu ý là tất cả các cụ ở cơ sở nêu trên đều đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) bào chế, với mũi thứ hai được tiêm vào ngày 25/1 vừa qua. Tuy nhiên chưa rõ thời điểm các cụ bị nhiễm bệnh và chỉ được phát hiện trong một đợt xét nghiệm nhanh hằng ngày hôm 2/2. Hiện toàn bộ cơ sở, nhân viên và người nhà những cư dân trong cơ sở này đã được cách ly theo dõi.
Theo giới chức y tế huyện Osnabrück, 14 cụ nhiễm biến thể phát hiện ở Anh cho đến nay chỉ có những biểu hiện bệnh ở thể nhẹ hoặc hầu như không có triệu chứng, một phần có thể do tác động tích cực từ việc đã được tiêm chủng. Tuy nhiên, việc nhiễm bệnh cho thấy ngay cả những người được tiêm chủng cũng không miễn dịch được với COVID-19 và vẫn có thể lây lan cho người khác.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nguồn nhân lực Hungary, Miklos Kasler cho biết Trung tâm dịch vụ y tế quốc gia Hungary đã phê duyệt vaccine Sputnik V của Nga ngừa COVID-19 để sử dụng ở quốc gia châu Âu này.
Trên mạng xã hội Facebook, ông Kasler nêu rõ: “Trung tâm dịch vụ y tế quốc gia đã hoàn thành các nghiên cứu chính thức cần thiết về vaccine Sputnik V, xác định rằng vaccine này đáp ứng các thông số kỹ thuật của nhà sản xuất về chất lượng sản phẩm và phù hợp để sử dụng cho người”. Ngoài Sputnik V, ba loại vaccine phòng COVID-19 khác đã được phê duyệt để sử dụng ở Hungary là vaccine do Pfizer/BioNTech, Moderna (Mỹ) và AstraZeneca (Anh) phát triển.
Tại khu vực Trung Đông và châu Phi, Israel đã chính thức được nới lỏng lệnh phong tỏa đối với nhiều hoạt động kinh tế, xã hội sau một tháng hạn chế nghiêm ngặt. Theo đó, người dân không còn bị giới hạn ra khỏi nhà trong vòng bán kính 1.000 mét; công viên quốc gia, điểm du lịch được mở cửa trở lại cho du khách; các quán ăn, cửa hàng dịch vụ… được phép hoạt động phục vụ khách hàng, miễn là không tiếp xúc đông người. Tuy nhiên, chính phủ vẫn duy trì lệnh cấm đối với các trường học cũng như hạn chế tối đa các chuyến bay cất và hạ cánh tại sân bay quốc tế Ben Gurion.
Israel bắt đầu thực hiện đợt giãn cách xã hội toàn quốc kể từ cuối tháng 12/2020 – lần phong tỏa thứ ba kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại nước này - sau đó bổ sung thêm các biện pháp siết chặt phong tỏa. Tính đến nay, tại Israel đã có hơn 686.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.074 ca tử vong.
Còn tại Kuwait trong nỗ lực ngăn chặn số ca lây nhiễm, nước này thông báo công dân nước ngoài sẽ không được phép nhập cảnh vào nước này từ ngày 7/2, trừ một số trường hợp ngoại lệ. Theo danh sách được Bộ Y tế Kuwait cấp phép, các trường hợp ngoại lệ được phép nhập cảnh vào nước này bao gồm các phái bộ ngoại giao và nhân viên ngoại giao, nhân viên y tế chính phủ và nhân viên y tế tư nhân.
Trong khi đó, Iran thông báo chiến dịch tiêm chủng vaccine chống COVID-19 sẽ bắt đầu từ ngày 9/2. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế và Đào tạo Y khoa Saeed Namaki, chương trình tiêm chủng sẽ bắt đầu với những nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất là các bác sỹ và y tá tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân COVID-19 tại các đơn vị chăm sóc tích cực.
Minh Châu - TTXVN
Tags