Thế giới hơn 136 triệu ca mắc Covid-19, trong đó 2,94 triệu ca tử vong

Thứ Hai, 12/04/2021 08:31 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 12/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 136,61 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 2,94 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 109,84 triệu người.

Ghi nhận ba ca mắc Covid-19 đã được cách ly sau nhập cảnh

Ghi nhận ba ca mắc Covid-19 đã được cách ly sau nhập cảnh

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 18 giờ ngày 11/4 đến 6 giờ ngày 12/4, Việt Nam ghi nhận thêm ba ca mắc mới, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh; nâng tổng số ca mắc COVID-19 của cả nước lên 2.696 trường hợp.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với tổng số 31.918.591 ca nhiễm, trong đó 575.829 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ có 13.525.364 bệnh nhân với 170.209 ca tử vong. Brazil có 13.4482.543 ca bệnh nhưng số ca tử vong lên tới 353.293 ca. 

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 618.088 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó Ấn Độ ghi nhận nhiều nhất, với 169.899 ca, tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ (50.678 ca), Mỹ (47.864 ca), Brazil (37.537 ca), Pháp (34.895 ca),... Ấn Độ đã liên tiếp ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới cao chưa từng có kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại nước này.

Tại châu Âu, ngoài Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp, các nước như Ba Lan, Đức, Italy, Ukraine vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới dao động từ trên 12.000 ca đến gần 22.000 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm mới tại Nga, Hungary, Hà Lan trong khoảng 6.000 ca đến 8.000 ca.

Tại châu Á, Iran là nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai, sau Ấn Độ. Trong 24 giờ qua, quốc gia Trung Đông này ghi nhận 21.063 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 2,07 triệu ca.

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, kể từ ngày 12/4 chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 cho nhóm cao tuổi. Đây là đối tượng ưu tiên tiêm chủng thứ hai sau các nhân viên y tế.

  

Covid, Tình hình dịch bệnh thế giới, cập nhật covid
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 10/4/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Bộ Y tế, Lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản cho biết sẽ triển khai khoảng 120 cơ sở tiêm chủng trên toàn Nhật Bản và sẽ lần lượt tiêm mũi thứ nhất vaccine COVID-19 cho 36 triệu người trên 65 tuổi, dự kiến mũi thứ hai sẽ bắt đầu triển khai từ tháng 6/2021. Tính đến ngày 11/4, số lượng vaccine bộ này cung cấp cho các địa phương là 97.500 liều, trong đó, thủ đô Tokyo, thành phố Kanagawa và Osaka lần lượt là 3.900 liều, các tỉnh thành khác được cung cấp mỗi tỉnh 1.985 liều. Để tránh tình trạng quá tải, chính quyền các địa phương tại Nhật Bản sẽ phát phiếu tiêm chủng cho từng đối tượng thuộc diện và yêu cầu đặt lịch trước bằng điện thoại hoặc thông qua mạng internet. 

Trước đó, những liều vaccine đầu tiên của hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) đã được tiêm cho đối tượng ưu tiên số một là nhân viên y tế tại Nhật Bản kể từ tháng 2/2021. Theo báo cáo của bộ Y tế, Lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản, tính đến ngày 9/4 đã có 1,5 triệu liều vaccine COVID-19 mũi một được tiêm cho các nhân viên y tế và 500.000 trường hợp được tiêm mũi thứ hai. Báo cáo phản ứng phụ sau tiêm chủng cho thấy có 350 trường hợp sốc phản vệ, 6 trường hợp tử vong sau tiêm chủng nhưng chưa xác định được có hay không mối liên hệ giữa nguyên nhân tử vong và tiêm chủng, một số trường không thể tiêm chủng do thân nhiệt trên 37.5 độ, dị ứng với thành phần của vaccine.

Chính quyền tỉnh Tokyo, Kyoto và Okinawa của Nhật Bản ngày 12/4 tăng cường các biện pháp ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại các tỉnh này có chiều hướng gia tăng sau chưa đầy 1 tháng Nhật Bản hoàn toàn gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp lần thứ 2. Theo đó, các nhà hàng, quán rượu tại khu vực đông người sẽ phải đóng cửa vào lúc 20h hằng ngày và hạn chế số lượng người tham gia các sự kiện lớn ở mức 5.000 người. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực cho đến hết ngày 5/5 tại Kyoto và Okinawa và hết ngày 11/5 tại Tokyo.

Covid, Tình hình dịch bệnh thế giới, cập nhật covid
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Riyadh, Saudi Arabia, ngày 4/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản không ban bố tình trạng khẩn cấp thứ ba. Theo Bộ Y tế Nhật Bản, số ca lây nhiễm tại Osaka, Hyogo, Miyagi và Okinawa đã lên tới mức 4, mức nghiêm trọng nhất trong thang cảnh báo tình trạng khẩn cấp của chính phủ Nhật Bản. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Tokyo và Kyoto được đánh giá đang ở mức 3. Thủ tướng  Suga đã hối thúc người dân hạn chế hoạt động đi lại không cần thiết giữa các tỉnh, đồng thời bày tỏ quan ngại về sự lây lan của các biến thể SARS-CoV-2 trong kỳ nghỉ lễ Tuần lễ Vàng từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 - một trong những thời điểm người dân đi lại đông đúc nhất tại quốc gia châu Á này.

Tại châu Phi, Nam Phi vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của dịch bệnh, song số ca nhiễm mới tại nước này ghi nhận trong 24 giờ qua ở mức 931 ca, đứng thứ ba châu lục, sau Ethiopia (1.741 ca) và Tunisia (1.564 ca).

Toàn châu Phi tính đến thời điểm hiện tại ghi nhận tổng cộng 4,38 triệu ca nhiễm và 115.998 ca tử vong do COVID-19, trong đó Nam Phi chiếm 1.558.458 triệu ca nhiễm và 53.322 ca tử vong.

TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›