(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 12/8 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 205.429.867 ca mắc COVID-19 và 4.336.640 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 184.429.017 ca.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch với 37.027.466 ca mắc, trong đó 635.629 ca tử vong. Sau đó là Ấn Độ với 32.076.974 ca nhiễm, trong đó 429.702 ca tử vong. Đứng thứ 3 là Brzail với 20.249.176 ca bệnh, trong đó 566.013 ca tử vong.
Tại châu Á, với sự gia tăng mạnh số ca mắc mới gần đây, nhất là số bệnh nhân nặng, hệ thống y tế tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản đang có dấu hiệu quá tải. Chính quyền thủ đô Tokyo cho biết số lượng bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 trong ngày 11/8 là 3.677 ca, lập kỷ lục trong ngày thứ 5 liên tiếp, trong đó số ca bệnh năng cũng cao nhất từ trước đến nay với 197 trường hợp. Trong khi đó, hiện địa phương này chỉ có 5.967 giường bệnh chuyên điều trị cho bệnh nhân COVID-19 và đang cố gắng tăng thêm 400 giường, tổng cộng là 6.406 giường, con số cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Nhật Bản.
Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, giới chuyên gia y tế đã kiến nghị chính quyền thủ đô Tokyo cần xác định việc bố trí giường bệnh điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tương tự như đối phó với “tình huống thiên tai khẩn cấp”, nhằm đề phòng nguy cơ sụp đổ hệ thống y tế trong thời gian tới.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19, ngày 11/8, thủ đô Tokyo đã ghi nhận thêm 4.200 ca mắc mới, nhưng chỉ có 1.541 ca là xác định được nguồn lây. Ở phạm vi toàn quốc, Nhật Bản tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới trên 15.000 ca/ngày với 15.812 ca.
Ở châu Âu, Bỉ bắt đầu áp dụng hộ chiếu vaccine cho các hoạt động tập trung đông người ở ngoài trời, đặc biệt tại các sân vận động và các lễ hội dự kiến diễn ra vào cuối tuần này. Theo đó, “chứng chỉ xanh” về COVID-19 hay hộ chiếu vaccine sẽ chính thức có hiệu lực tại Bỉ từ ngày 13/8 đối với các sự kiện như vậy. Các nhà tổ chức sự kiện được phép tiến hành những sự kiện có sự tham gia tối thiểu 1.500 người và tối đa 75.000 người có giấy chứng nhận này. Từ ngày 1/9, chứng chỉ này cũng có thể được sử dụng cho các sự kiện trong nhà.
Tại Pháp, người phát ngôn của chính phủ Gabriel Attal thông báo nước này sẽ áp dụng một số biện pháp kiểm soát dịch bệnh cứng rắn hơn trong bối số ca mắc mới đang “giả đi ngang” và không có dấu hiệu lắng xuống. Ông Gabriel Attal cho biết Pháp sẽ tăng cường kiểm soát đường biên giới bằng các biện pháp quyết liệt hơn, trong đó có yêu cầu tất cả khách du lịch đến từ các quốc gia có nguy cơ phải được kiểm soát bằng các xét nghiệm kháng nguyên nhằm ngăn chặn tối đa sự lây nhiễm vào lãnh thổ nước này.
Bên cạnh đó, kể từ thời điểm hiện tại, người đứng đầu các địa phương có thẩm quyền ra lệnh áp dụng “chứng nhận y tế” bắt buộc đối với những khu vực có "tỷ lệ mắc bệnh vượt quá 200%" và tại các trung tâm mua sắm và cửa hàng bách hóa có diện tích hơn 20.000 m².
Ngoài ra, người đứng đầu địa phương hoặc người quản lý cơ sở kinh doanh cũng có quyền quyết định việc đeo khẩu trang tại những vùng có tỷ lệ mắc cao này, nhất là tại các rạp chiếu phim, nhà hàng và cơ sở giải trí ban đêm.
Ở Trung Đông, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã công bố một kế hoạch tăng cường năng lực cho hệ thống bệnh viện trong nước, trị giá 2,5 tỷ NIS (gần 774 triệu USD), nhằm đối phó với làn sóng dịch bệnh mới đang khiến số lượng bệnh nhân tăng vọt. Mô tả kế hoạch mới là một “liều thuốc tăng cường” cho các bệnh viện, ông Bennett cho biết chính phủ nước này sẽ ngay lập tức bổ sung thêm 770 giường bệnh, 2.000 nhân viên và 3.000 sinh viên cho ngành y. Năng lực tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nặng của các bệnh viện cũng sẽ được tăng gấp đôi, từ 1.200 hiện nay lên 2.400 bệnh nhân.
Ông Bennett khẳng định: “Biến thể Delta đang hoành hành khắp thế giới và chúng tôi sẽ triển khai một chiến dịch quyết liệt để chống lại nó”. Kế hoạch trên được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại Israel đã tăng lên mức kỷ lục trên 6.000 ca hôm đầu tuần, mức cao nhất kể từ tháng 2. Trong số 694 bệnh nhân đang điều trị trong các cơ sở y tế, có tới 400 bệnh nhân có các triệu chứng nặng.
Các chuyên gia cảnh báo với đà tăng này chỉ trong vòng 1 tháng nữa hệ thống bệnh viện tại Israel sẽ bị quá tải, khi số bệnh nhân điều trị được dự đoán sẽ tăng lên 4.800 ca, một nửa trong đó là các ca nặng. Để đáp ứng tình trạng này, cứ 10 ngày trên cả nước Israel sẽ cần thêm 100 bác sĩ, 500 y tá và 200 nhân viên y tế khác.
Tại châu Mỹ, số ca mắc COVID-19 ở Mexico đã vượt 3 triệu ca, lên tổng cộng 3.020.596 ca sau khi ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ đầu dịch với 22.711 ca. Hiện tổng số ca tử vong tại Mexico là 246.203 ca. Mexico đang bị ảnh hưởng mạnh bởi làn sóng dịch COVID-19 thứ 3, với số ca nhiễm mới bình quân trên 15.000 ca/ngày trong vòng 3 tuần qua. Mexico hiện đứng thứ 4 thế giới về số ca tử vong, sau Mỹ, Brazil và Ấn độ, và xếp thứ 16 thế giới về số ca bệnh. Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, Chính phủ Mexico đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.
Mexico đã tiếp nhận trên 90 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, gồm các hãng Pfizer, AstraZeneca, Sputnik V, CanSino, Sinovac, Johnson & Johnson, và đã tiêm gần 74 triệu liều cho người dân. Hơn 28 triệu người dân Mexico đã hoàn thành phác đồ tiêm chủng. Bộ Y tế Mexico đặt mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào tháng 9 tới, khi 75% dân số miễn dịch nhờ cơ thể tự sản sinh kháng thể hay thông qua tiêm chủng. Chính phủ Mexico đã dành 1,8 tỷ USD ngân sách để mua 250 triệu liều vaccine tiêm miễn phí cho người dân.
- Nga báo động về số ca tử vong do Covid-19
- Mỹ vẫn loay hoay trong bài toán bao phủ vaccine Covid-19
- Thế giới hơn 204 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 4,3 người tử vong
Tuy nhiên, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne ngày 11/8 cảnh báo số dân Mỹ Latinh được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 chưa đạt tới 20%, thậm chí trong một số trường hợp tỷ lệ này còn thấp hơn 5%. Theo số liệu của PAHO, trong tuần trước khu vực châu Mỹ đã ghi nhận hơn 1,3 triệu ca nhiễm mới và khoảng 19.000 ca tử vong.
Hiện tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại Canada, Mexico và Mỹ, trong khi các nước như Honduras, Belize và El Salvador đang ghi nhận mức tăng về số ca nhiễm ước tính là 30%.
Về việc nghiên cứu các loại thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố thử nghiệm 3 loại thuốc Artesunate, Imatinib và Infliximab để tìm hiểu chúng có cải thiện tình trạng của bệnh nhân nhập viện hay không. Ba loại thuốc này sẽ được thử nghiệm trên hàng nghìn bệnh nhân tình nguyện tại hơn 600 bệnh viện ở 52 quốc gia.
Trước đó, WHO đã thử nghiệm 4 loại thuốc Remdesivir, Hydroxychloroquine, Lopinavir và Interferon với sự tham gia của gần 13.000 bệnh nhân tại 500 bệnh viện trên 30 quốc gia. Kết quả tạm thời công bố vào tháng 10/2020 cho thấy 4 loại thuốc kể trên có ít hoặc không ảnh hưởng tới bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện. Kết quả cuối cùng sẽ công bố vào tháng tới.
Trần Quyên/TTXVN
Tags