Đại diện quân đội Jordan đã xác nhận thông tin phi công của họ bị IS giết hại, đồng thời cho biết thời điểm xảy ra vụ hành quyết có thể là ngày 3/1, trước khi IS đặt điều kiện trao đổi al Kassasbeh lấy nữ tử tù người Iraq Sajida al-Rishawi. Trong tuyên bố được phát đi trên truyền hình quốc gia Jordan, quân đội đã thề sẽ trả thù cho Al Kassasbeh và IS nhất định sẽ bị trừng phạt, để Al Kassasbeh không hy sinh vô ích.
Phi công người Jordan Mazz al Kassasbeh, 26 tuổi, bị IS bắt làm con tin từ tháng 12/2014. IS đã yêu cầu trao đổi viên phi công này với một nữ tay súng người Iraq đã bị Chính phủ Jordan kết án tử hình. Amman đã khẳng định sẵn sàng chấp nhận yêu cầu trao đổi này nếu IS đưa ra được bằng chứng chứng minh Maaz al-Kassasbeh vẫn còn sống.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Kimun đã kịch liệt lên án vụ phi công Jordan bị IS thiêu sống, kêu gọi tất cả các nước nỗ lực gấp đôi trong cuộc chiến chống khủng bố và các lực lượng cực đoan.
Ngày 4/2, Nhật Bản và Mỹ đã lên án vụ hành quyết dã man của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết "hành động hèn hạ" của IS sẽ chỉ càng khiến quốc tế gia tăng nỗ lực tiêu diệt các phần tử cực đoan.
Ông cũng ca ngợi sự "dũng cảm, cống hiến và hy sinh cho tổ quốc" của viên phi công, là "đại diện cho các giá trị của nhân loại đối lập lại với sự hèn hạ và đồi bại" của IS. Tổng thống Mỹ bày tỏ đoàn kết với nhân dân Jordan sau mất mát này, đồng thời tái khẳng định sẽ dành khoản viện trợ 3 tỷ USD cho Jordan trong 3 năm tới.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu trước Quốc hội vài giờ sau khi IS công bố một đoạn băng video ghi hình viên phi công 26 tuổi bị IS thiêu sống, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên án hành động "tàn bạo" này là "không thể tha thứ". Ông cũng gửi lời chia buồn sâu sắc tới người thân của người phi công dũng cảm trên, đồng thời nhấn mạnh rằng Nhật Bản sẽ sát cánh cùng Jordan trong thời khắc khó khăn này.
Vụ hành quyết trên diễn ra sau khi IS sát hại hai con tin khác người Nhật Bản. Sau các vụ việc này, Thủ tướng Abe tuyên bố việc sửa đổi hiến pháp là cần thiết để bảo vệ mạng sống và tài sản của công dân Nhật Bản. Ông cho biết đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã trình một dự thảo sửa đổi Điều khoản 9 trong Hiến pháp để đảm bảo Lực lượng phòng vệ Nhật Bản có thể giải cứu các công dân nước này bị bắt giữ ở nước ngoài.
Tags