(Thethaovanhoa.vn) - Bà Merkel nhận xét việc ông Macron trở thành làm tân Tổng thống Pháp mang đến sự năng động cho EU trong tiến trình phát triển châu Âu.
- Tổng thống Pháp Macron cam kết gì trong diễn văn nhậm chức?
- Ai là 'cánh tay phải' của Tổng thống Pháp Macron trong Điện Elysee?
- TOÀN CẢNH lễ nhậm chức của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Điện Elysse
Việc lựa chọn ông Emmanuel Macron trở thành Tổng thống Pháp mở ra triển vọng tích lũy thêm sự năng động trong việc thực hiện các mục tiêu của Liên minh châu Âu (EU). Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 15/5 đã đưa ra nhận định trên trước thềm chuyến thăm nước này của tân Tổng thống Pháp.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) cầm quyền, nhà lãnh đạo Đức khẳng định tương lai của Đức nằm tại châu Âu, do vậy về lâu dài, nước Đức sẽ vận hành tốt chỉ khi bộ máy châu Âu vận hành tốt.
Bà Merkel nhận xét việc ông Macron trở thành làm tân Tổng thống Pháp mang đến sự năng động cho EU trong tiến trình phát triển châu Âu. Đề cập đến cuộc hội đàm sắp diễn ra, bà Merkel khẳng định sẽ trao đổi cùng nhà lãnh đạo Pháp với tâm thế cởi mở.
Theo kế hoạch, trong ngày 15/5, một ngày sau khi nhậm chức, ông Macron tới Đức hội đàm với Thủ tướng Merkel trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng thống Pháp.
Mục đích chuyến thăm là tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ với Đức trong nỗ lực vực dậy EU vốn đang chia rẽ sâu sắc. Trước đó, Thủ tướng Merkel bày tỏ mong muốn phối hợp chặt chẽ với Pháp trong nỗ lực định hình đường hướng phát triển của EU.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Đức, ngày 15/5, Berlin đã lên tiếng cảnh báo tân Tổng thống Pháp Macron rằng những nỗ lực cải cách EU triệt để của ông là "không thực tế" vào thời điểm hiện tại.
Ông Macron từng tuyên bố ủng hộ việc thiết lập ngân sách chung cho khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đồng thời bổ nhiệm một bộ trưởng tài chính cho khu vực này. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Tài chính Đức cho rằng chủ trương như vậy của ông Macron sẽ đòi hỏi phải thay đổi hiệp ước, cần được 28 nước thành viên thông qua và "không thực tế vào thời điểm hiện tại". Bộ Ngoại giao Đức cũng đưa ra nhận xét kế hoạch thay đổi hiệp ước không phải là "ý tưởng hay".
Theo TTXVN
Tags