(Thethaovanhoa.vn) - Thành phố Venice của Italy đang căng mình đối phó với mực nước ngày càng dâng cao trong khi Chính phủ Italy gấp rút triển khai các biện pháp khẩn cấp vì thành phố này đang chịu tác động nặng nề do đợt thủy triều hiếm thấy trong tuần này.
Người dân Venice thêm một ngày sống trong âu lo khi tiếng còi báo động mực nước dâng cao có thể vượt mức 130 cm, tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập mặn trở lại trung tâm lịch sử của thành phố vốn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới. Nhà chức trách đang đánh giá mức độ thiệt hại đối với các công trình văn hóa tại đây, như thánh đường St. Mark.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã gặp Thị trưởng Venice Luigi Brugnaro và các lực lượng ứng phó khẩn cấp trước khi thị sát những khu vực kinh doanh bị ảnh hưởng bởi thủy triều. Chính phủ nước này cũng đang cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp do thảm họa thiên nhiên.
- Thiên đường du lịch Venice có thể biến mất trong 100 năm tới
- Đến Carnival Venice, lạc vào chốn thần thoại ma mị
- Vì sao Venice thật đáng ghé thăm vào mùa Đông?
Thị trưởng Brugnaro ước tính thiệt hại do thủy triều lên tới hàng trăm triệu USD, trong khi một số bảo tàng vẫn tiếp tục phải đóng cửa.
Mực nước thủy triều đạt đỉnh 187 cm vào ngày 12/11 vừa qua, gần mức kỷ lục 194 cm ghi nhận năm 1966, đã nhấn chìm khoảng 80% diện tích thành phố Venice, đồng thời khiến một người thiệt mạng.
Với 78 cửa ngăn lũ, dự án cải thiện hạ tầng quy mô lớn MOSE được triển khai từ năm 2003 nhằm bảo vệ thành phố này đang gặp nhiều trở ngại do tình trạng đội vốn, các vụ bê bối tham nhũng và trì hoãn tiến độ thi công. Bộ trưởng Giao thông Paola De Micheli cho biết giải pháp kỹ thuật này sẽ ngốn tới gần 6 tỷ euro (6,6 tỷ USD) đến khi hoàn thiện dự án.
Venice là thành phố lịch sử xinh đẹp ở Đông Bắc Italy, được xây dựng trên 118 hòn đảo, nằm giữa 175 kênh đào và kết nối với hơn 400 cây cầu. Tuy chỉ là một thành phố nhỏ với 50.000 cư dân, song Venice thu hút tới 36 triệu lượt du khách tham quan mỗi năm.
Minh Tâm - TTXVN
Tags