(Thethaovanhoa.vn) - Đại dịch COVID-19 hiện chưa được khống chế và vẫn gây ra các làn sóng dịch bệnh mới trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, dư luận đặt câu hỏi liệu vaccine có phải là phương án quyết định để xóa sổ virus SARS-Cov2 hay không?
Mặc dù chưa thể đưa ra kết luận nhưng giới chuyên môn nhận định trong thời điểm đáng lo ngại này, sự xuất hiện và can thiệp của vaccine chắc chắn vẫn là hy vọng tốt nhất để đánh bại đại dịch COVID-19.
Vai trò không thể phủ nhận của tiêm chủng
Theo nhật báo Le Figaro của Pháp tháng 10/2021, tiêm vaccine phòng COVID-19 đặc biệt quan trọng do không chỉ đảm bảo an toàn cho mỗi cá nhân mà còn cho cả cộng đồng. Khi đại dịch ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trên thế giới, tính cộng đồng càng cần chú trọng hơn nữa.
Giới khoa học lâu nay vẫn tranh luận về nguy cơ xuất hiện nhiều biến thể mới nguy hiểm hơn trong những cộng đồng có tỷ lệ tiêm vaccine thấp. Trên thực tế, virus phát tán càng nhiều thì càng nhân lên nhiều đột biến gene ngẫu nhiên, tương tự như một kiểu "lỗi" mã hóa. Do đó, tiêm vaccine là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất nguy cơ phát triển của các biến thể mới.
Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS), ông Samuel Alizon, nhấn mạnh: Các nghiên cứu quốc tế cho thấy việc tiêm phòng góp phần giảm khoảng 50% nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2. Tiêm chủng còn giúp giảm một nửa nguy cơ lây truyền bệnh cho người khác. Trong khi đó, Giám đốc Viện Di truyền học tại Đại học London (Anh), ông François Balloux, cho rằng dù hiệu quả bảo vệ của vaccine vẫn còn hạn chế và không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy vaccine có thể ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, nhưng giải pháp tối ưu hiện nay vẫn là tiêm phòng.
Việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho toàn bộ dân số thế giới có thể không được thực hiện trong ngắn hạn, nhưng điều này có thể được triển khai hiệu quả trong dài hạn, giống như chương trình tiêm chủng bệnh bại liệt hoặc đậu mùa trước đây. Điều quan trọng vẫn là tiêm chủng càng nhiều càng tốt cho các nhóm dân số có nguy cơ cao như người cao tuổi, người dễ bị tổn thương và đội ngũ nhân viên y tế. Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các nhóm có nguy cơ cao càng nhiều sẽ càng tốt và các nước phát triển tham gia hỗ trợ vaccine cho các nước nghèo cũng là cách tự phòng dịch và tự bảo vệ mình trước đại dịch COVID-19.
“Tiêm vaccine trên diện rộng có thể giúp tăng mức độ miễn dịch của cộng đồng. Nói cách khác, khi phần lớn dân số đã nhiễm bệnh và qua khỏi hoặc là đã được tiêm phòng vaccine thì tác nhân gây bệnh sẽ không thể tìm thấy đủ số lượng cá thể để có thể lây nhiễm, tồn tại, nhân lên và tiếp tục lây nhiễm. Tại một thời điểm nhất định, chúng sẽ bị loại bỏ bởi hệ thống miễn dịch của một cá nhân trước khi tìm được nơi trú ẩn khác” - ông Triomphe, Phó chủ tịch Điều hành Sanofi kiêm Trưởng bộ phận vaccine, giải thích. Đây là cơ chế mà dịch bệnh, thậm chí là đại dịch có thể nhanh chóng giảm bớt hoặc trong một số trường hợp, dịch bệnh có thể chấm dứt. Ông Triomphe kết luận: “Điều chắc chắn trong thời điểm đáng lo ngại này là sự xuất hiện và can thiệp của vaccine chắc chắn vẫn là hy vọng tốt nhất để đánh bại đại dịch COVID-19”.
- Hà Nam triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 15-17 tuổi
- Sau Mỹ, Israel cho phép tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi
- Vaccine Covaxin của Ấn Độ có 'hiệu quả cao', không có biểu hiện lo ngại về an toàn
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus gần đây đã hối thúc các chính phủ và các nhà sản xuất cung cấp nhiều vaccine hơn nữa, đặc biệt là cho các quốc gia dễ bị tổn thương, bởi đây là cách duy nhất để kiểm soát đại dịch. Mục tiêu của WHO là có ít nhất 40% số người dân ở mỗi quốc gia được tiêm chủng vào cuối năm nay. Người đứng đầu WHO cảnh báo các nước giàu dù có sở hữu nhiều vaccine vẫn không thể trở thành những "thiên đường an toàn", nếu như các nước nghèo còn đang vật lộn với dịch bệnh. Bởi vậy, chỉ có tinh thần đoàn kết, đồng lòng và sẻ chia, đặc biệt là trong sản xuất và phân phối vaccine, mới giúp cộng đồng quốc tế từng bước đẩy lùi kẻ thù chung COVID-19.
Nhiều nước đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng
Thực tế cho thấy đại dịch đi kèm nhiều yếu tố khó lường, cụ thể là rất khó xác định có thể nới lỏng các biện pháp y tế công cộng đến mức nào để không làm gia tăng ca nhiễm mới. Nhưng có một điều chắc chắn là nếu các yếu tố khác được giữ nguyên, càng nhiều người được tiêm chủng phòng bệnh thì số ca mắc mới cũng như số trường hợp phải nhập viện sẽ càng thấp. Tiêm chủng giúp giảm khả năng lây nhiễm, giảm nguy cơ bệnh nặng và giảm cả những thiệt hại đối với nền kinh tế. Cho đến nay, tiêm chủng là công cụ hiệu quả nhất để theo đuổi mục tiêu chấm dứt dịch bệnh.
Nhận thức được tầm quan trọng của vaccine phòng COVID-19, nhiều quốc gia đang nỗ lực tăng tốc chiến dịch tiêm chủng. Hồi đầu tháng 11/2021, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố các quy định nghiêm ngặt nhằm thúc đẩy hàng chục triệu người lao động Mỹ tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ có hiệu lực vào ngày 4/1/2022. Các biện pháp này nhằm vào những doanh nghiệp có hơn 100 nhân viên cũng như các nhân viên y tế và các nhà thầu liên bang, theo đó, mọi nhân viên phải tiêm mũi cuối cùng vaccine ngừa COVID-19 hoặc phải xuất trình xét nghiệm virus SARS-CoV-2 hằng tuần.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và có tới 90% những người trong các khu chăm sóc đặc biệt hiện chưa được tiêm chủng, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 15/11/2021 kêu gọi người dân khẩn cấp đi tiêm chủng. Thống kê của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) cho biết, cả nước Đức hiện có gần 27 triệu người chưa được tiêm phòng hoặc chưa tiêm mũi thứ hai. Hiện nhiều bang của Đức đã ban quy tắc 2-G, theo đó chỉ cho phép những người đã khỏi bệnh và đã tiêm đủ liều mới được tham gia một số sự kiện và đời sống xã hội.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cùng ngày 15/11 cũng tuyên bố quy định tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID-19 sẽ được điều chỉnh với mũi tăng cường thứ 3. Hiện nay, tại Anh quy định tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ có nghĩa là đã tiêm hai mũi. Tất cả những người trên 40 tuổi hiện đủ điều kiện để tiêm mũi tăng cường sau 6 tháng tiêm mũi thứ hai. Bộ Y tế thông báo sẽ cho phép người dân được đặt lịch tiêm mũi vaccine tăng cường trước khi đủ điều kiện tiêm, nhằm đẩy nhanh tốc độ thực hiện miễn dịch cộng đồng trước khi mùa đông đến. Thủ tướng Johnson coi chiến dịch tiêm mũi tăng cường là một biện pháp chủ đạo trong kế hoạch nhằm tránh phải phong tỏa đất nước vào mùa đông, trong đó tập trung vào tiêm chủng hơn là các quy định giãn cách xã hội hoặc bắt buộc đeo khẩu trang.
Sau những chậm chạp ban đầu trong việc triển khai tiêm chủng, Australia hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng nhiều nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), với tỷ lệ tiêm đủ hai mũi vaccine ở người từ 16 tuổi trở lên cao hơn cả Israel và Mỹ. Ngày 6/11/2021, Australia đã đạt mốc quan trọng là 80% dân số từ 16 tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng COVID-19. Tại Italy, với hàng triệu người dân vẫn chưa tiêm vaccine, các chính trị gia và chuyên gia y tế nước này cho rằng cần phải tăng tỷ lệ người đã tiêm vaccine để có thể giảm số ca lây nhiễm và bệnh nặng. Bộ Y tế Italy hiện có kế hoạch mở rộng đối tượng được tiêm liều vaccine tăng cường đến những người trên 40 tuổi từ ngày 1/12/2021, cũng như đặt mục tiêu 90% dân số đủ điều kiện được tiêm vaccine.
Xác định sống chung với COVID-19, Singapore nhấn mạnh việc kết hợp tỷ lệ tiêm chủng cao, tiêm mũi bổ sung và miễn dịch tự nhiên từ các ca nhiễm triệu chứng nhẹ được kỳ vọng sẽ giúp đại dịch không lan rộng và trở thành căn bệnh đặc hữu. Thời gian tới, giới chức Singapore sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng song song với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để bảo vệ người dân.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |
Trong khi đó, nhằm thúc đẩy Kế hoạch 3 giai đoạn để trở lại cuộc sống thường nhật sống chung với COVID-19, Hàn Quốc đang đẩy nhanh tốc độ phủ tiêm chủng với các độ tuổi.
Sau khi thông báo sẽ sớm đạt mục tiêu tiêm được 100 triệu liều vaccine phòng COVID-19 vào cuối tháng 11/2021, sớm hơn một tháng so với kế hoạch, Thái Lan đặt ra mục tiêu mới phải đạt được trước cuối năm 2021 là 80% dân số được tiêm ít nhất một mũi và 70% dân số được tiêm đủ hai mũi.
Tại Việt Nam, tính đến ngày 15/11/2021, đã có hơn 100 triệu liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm cho người dân. Đến nay, đã có 66% dân số Việt Nam được tiêm vaccine phòng COVID-19. Tốc độ tiêm vaccine của Việt Nam đang liên tục tăng nhanh.
Minh Trà (tổng hợp)
Tags