Tiếp nhận hơn 1.500 tài liệu, hiện vật của GS.TS.NGND Nguyễn Ngọc Giao

Chủ nhật, 20/05/2018 16:30 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (TTDS) vừa tổ chức lễ tiếp nhận hơn 1.500 tài liệu, hiện vật của GS.TS.NGND Nguyễn Ngọc Giao. Đây là đợt tiếp nhận lần thứ hai của TTDS được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn của TTDS, trong một chục năm qua kể từ khi thành lập, TTDS đã tiếp xúc với khoảng 1.300 nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và đã sưu tầm được khoảng 700.000 tài liệu, hiện vật (bản thảo, sổ ghi chép, nhật ký, hồi ký, thư từ, văn bản hành chính, ảnh tư liệu, hiện vật khối...).

Chú thích ảnh
TTDS vừa tiếp nhận hơn 1.500 tài liệu hiện vật của GS.TS.NGND Nguyễn Ngọc Giao tại TP Hồ Chí Minh

“Từ năm 2012, TTDS mở rộng phạm vi hoạt động nghiên cứu, sưu tầm vào TP Hồ Chí Minh. Trong 6 năm liên tiếp, Trung tâm đã tiếp cận gần 100 nhà khoa học và gia đình nhà khoa học tại thành phố này, như: GS Lê Văn Thiêm, GS Trương Công Trung, GS Võ Tấn, vợ chồng PGS Lê Văn Sáu - PGS Bùi Thị Kim Quỳ, PGS Mạc Đường, GS Vũ Công Hòe, GS Nguyễn Đình Ngọc, GS Lê Đình Kỵ, GS Nguyễn Thị Kim Thoa... Năm 2016, Trung tâm tiếp xúc lần đầu với GS.TS Nguyễn Ngọc Giao và sau đó ông là nhà khoa học đầu tiên gửi tặng tài liệu cho Trung tâm qua đường bưu điện”, TS Nguyễn Văn Huy cho biết thêm.

Với khối tài liệu hiện vật GS.TS Nguyễn Ngọc Giao trao tặng TTDS thực sự là một khối tư liệu quý, với nhiều loại hình đa dạng, phong phú: hàng trăm bức thư trao đổi với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, hàng trăm bản thảo bài viết, bản thảo sách, bản thảo bài giảng về vật lý lý thuyết... Những tài liệu này không chỉ minh chứng về quá trình hoạt động khoa học miệt mài, hăng say của GS.TS Nguyễn Ngọc Giao mà còn là nguồn tư liệu quan trọng đối với việc tìm hiểu sự phát triển của trường Đại học Tổng hợp, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

GS.TS Nguyễn Ngọc Giao sinh năm 1939 tại Sài Gòn. Thuở nhỏ, ông học tiểu học ở Gia Định, sau đó học trung học ở trường Pétrus Ký. Cuối năm 1954, ông tập kết ra Bắc và học cấp 3 ở Hà Nội. Từ năm 1958-1961, ông là sinh viên khoa Vật lý trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy ở trường Tổng hợp. Năm 1967, ông được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Tổng hợp Lomonosov, rồi bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ chuyên ngành vật lý vào năm 1972.

Tháng 9/1975, không lâu sau ngày đất nước thống nhất, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao chuyển vào công tác ở trường Đại học Khoa học Sài Gòn, tiền thân của trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Tại khoa Vật lý, ông được phân công giảng dạy các môn toán (giải tích, đại số tuyến tính...), năm 1979 được bổ nhiệm làm Phó trưởng khoa và từ năm 1986 là Trưởng khoa. Tháng 5/1990, ông được bầu làm Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh và giữ chức vụ này đến năm 1996. Sau đó, ông là Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đến năm 2002. Kể từ năm 2002, ông là Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

Trong lĩnh vực phổ biến kiến thức, GS Nguyễn Ngọc Giao có nhiều công trình đã xuất bản, như: Tìm hiểu thế giới nguyên tử (Nxb. Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 1984); Hạt nhân nguyên tử (Nxb. Giáo dục, 1997); Vũ trụ được hình thành như thế nào (Nxb. Giáo dục, 1997; Nxb. Đại học Quốc gia TP HCM, 2009); Những điều kỳ thú về các hình thái hỗn loạn - chaos (Nxb. Giáo dục, 1998); Văn minh ngoài Trái Đất (Nxb. Giáo dục, 1999); Hạt cơ bản và vũ trụ (Nxb. Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2001)...

GS Nguyễn Ngọc Giao cho biết, người Việt Nam có khả năng lưu trữ tư liệu không cao nên thường làm thất lạc những tư liệu quý giá, việc TTDS hoạt động rất phù hợp với lợi ích của xã hội và giới khoa học Việt Nam. Việc của TTDS tiếp nhận thu thập và gìn giữ những tài liệu quý giá của các nhà khoa học, giúp cho kho tư liệu của nước nhà được phong phú hơn để cho thế hệ mai sau tiếp quản.

Di sản Việt nhìn từ năm 2017: Sức ép từ... danh hiệu

Di sản Việt nhìn từ năm 2017: Sức ép từ... danh hiệu

Mốc son của di sản Việt Nam trong năm 2017 nằm ở việc chúng ta sở hữu thêm 2 danh hiệu cấp thế giới từ UNESCO. Thế nhưng, danh hiệu cũng chính là câu chuyện đang tạo ra nhiều sức ép với ngành quản lý và các chuyên gia văn hóa.

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›