(Thethaovanhoa.vn) - Sự leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong tháng này đã khiến các thị trường và ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới “dậy sóng”.
Tuy nhiên, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sử dụng hai “vũ khí” lớn của mình bằng cách công bố kế hoạch đánh thuế lớn nhất với hàng hóa Trung Quốc và chính thức “gắn mác” Trung Quốc là thao túng tiền tệ, nhưng “kho vũ khí” của vị Tổng thống này vẫn chưa cạn.
Đồng USD, đồng tiền dự trữ của toàn thế giới, có lẽ là “viên đạn” lớn nhất mà Tổng thống Trump có được. Trong một loạt các bài đăng gần đây trên trang Twitter cá nhân, ông Trump đã kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất và làm yếu đồng USD để hỗ trợ các nhà xuất khẩu của Mỹ. Động thái này đi ngược lại một thỏa thuận của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) mà Mỹ đã ký chỉ vài tuần trước, theo đó các nền kinh tế G20 nhất trí không phá giá tiền tệ để cạnh tranh. Tuy nhiên, việc Fed hạ lãi suất hay can thiệp vào thị trường tiền tệ có đem lại hiệu quả hay không còn chưa rõ, nhưng nó có thể khiến các thị trường hoang mang và gây ra những hệ quả dài hạn hơn đối với nền kinh tế.
Bên cạnh đồng USD, Tổng thống Trump có thể quay lại với công cụ ưa thích là thuế quan bằng cách đe dọa áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9. Tuy nhiên, tại thời điểm khi mà Tổng thống Mỹ đang tập trung vào tiền tệ, thì việc tăng thuế sẽ làm yếu đồng NDT như trước đây đã từng diễn ra, qua đó làm "hao mòn" những nỗ lực của ông Trump trong việc làm giảm sức mạnh của đồng USD.
- Trung Quốc cảnh báo rủi ro với sinh viên tại Mỹ giữa chiến tranh thương mại
- Trung Quốc: Chiến tranh thương mại không 'làm nước Mỹ vĩ đại trở lại'
Ngoài ra, chính quyền của Tổng thống Trump có thể gia tăng những hàng rào đối với hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ hoặc nhắm vào nguồn cung năng lượng của nước này bằng cách rút lại quyền miễn trừ cho phép Bắc Kinh tiếp tục mua dầu từ Iran và Venezuela (Vê-nê-xu-ê-la).
Tổng thống Trump đã từng nói rằng việc nới lỏng các hạn chế trong hoạt động bán hàng cho “gã khổng lồ” viễn thông Huawei của Trung Quốc vốn là một phần trong thỏa thuận “đình chiến” mà ông đạt được với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhật Bản hồi cuối tháng Sáu sẽ vẫn được tiến hành. Nhưng Nhà Trắng lại đang trì hoãn cấp phép cho các doanh nghiệp Mỹ được nối lại hoạt động kinh doanh với Huawei sau khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu hàng nông sản của Mỹ. Nhiều quan chức đương nhiệm và cựu quan chức chính phủ cũng cảnh báo các lệnh hạn chế xuất khẩu khác cũng như những chính sách nhắm vào Trung Quốc đang bị “treo” trong lúc Tổng thống Trump theo đuổi một thỏa thuận với Bắc Kinh có thể sẽ được khởi động.
Bộ Thương mại Mỹ cũng đang vạch ra những quy định hạn chế xuất khẩu rộng hơn đối với các sản phẩm từ các ngành mới nổi như công nghệ người máy (robotics) và trí tuệ nhân tạo. Theo đó các doanh nghiệp sẽ phải có giấy phép đặc biệt mới có thể xuất khẩu các mặt hàng này sang các nước như Trung Quốc. Quá trình cập nhật danh sách các công nghệ bị kiểm soát vẫn đang diễn ra và có thể kéo dài đến cuối năm nay mới hoàn tất.
Có nhiều dự thảo lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ mà Tổng thống Trump có thể ủng hộ, như dự thảo được đưa ra gần đây yêu cầu Fed kiểm soát giá trị đồng USD để hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu và đánh thuế đối với vốn đầu tư nước ngoài, cũng như những dự thảo khác không cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc được tiếp cận thị trường chứng khoán Mỹ.
Mới đây, Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng chính thức ban hành các quy định cấm các nhà thầu của cơ quan liên bang Mỹ mua thiết bị của năm công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm Huawei, ZTE, Hytera, Hangzhou Hikvision và Dahua. Quy định tạm thời này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 13/8.
TTXVN
Tags