(Thethaovanhoa.vn) - Một nhà khảo cổ Israel cho biết ông đã tìm ra pháo đài huyền thoại, từng bị vua David chiếm được khi vị vua thứ hai của Vương quốc Israel thống nhất chinh phục Jerusalem vào thế kỷ thứ X TCN. Tuy nhiên sự kiện càng làm nóng thêm một cuộc tranh luận kéo dài về việc sử dụng Kinh Thánh để nhận dạng các di tích cổ.
Tuyên bố của nhà khảo cổ Israel Eli Shukron, cũng giống như nhiều tuyên bố trước đây trong lĩnh vực khảo cổ học dựa trên kinh Thánh, đã lập tức vấp phải chỉ trích.
Nhiều dấu vết giống trong kinh Thánh
Nó gia nhập một loạt các tuyên bố do nhiều nhà khảo cổ học Israel đưa ra, nói rằng họ đã phát hiện các cung điện, thành quách của vị vua huyền thoại trong kinh Thánh, người được tôn thờ trong tín ngưỡng Do Thái truyền thống, bởi đã thiết lập Jerusalem là thành phố thiêng trung tâm. Tuy nhiên giới nghiên cứu lại không thấy có bằng chững rõ rệt về sự tồn tại cũng như thời gian cầm quyền của vua David.
Cuộc xung đột Israel - Palestine ngày nay cũng được gói gọn trong chủ đề tranh luận chưa có hồi kết này. Được biết cuộc khai quật với kinh phí 10 triệu USD, diễn ra ở một khu Arab của Jerusalem, được cấp vốn bởi một tổ chức chuyên giúp người Do Thái định cư tại các khu vực Arab ở Đông Jerusalem. Nỗ lực của nhóm người trên là nhằm thuyết phục rằng Jerusalem không thể bị chia đôi. Trong khi đó người Palestine tuyên bố Đông Jerusalem, bị Israel chiếm đóng vào năm 1967, sẽ là thủ đô của một nhà nước độc lập trong tương lai.
Shukron, người tiến hành khai quật tại khu vực khảo cổ Thành phố của David trong gần 2 thập kỷ qua, cho biết ông có những bằng chứng mạnh ủng hộ giả thuyết của mình. “Đây là pháo đài của vua David, là Pháo đài Zion, và đây là những gì vua David đã lấy đi từ dân Jebusites (tộc người Canaanite đã xây dựng và sinh sống tại Jerusalem trước khi bị vua David chinh phục). Chúng ta có thể so sánh toàn bộ khu vực này với Kinh Thánh. Nó trùng lặp một cách hoàn hảo” - Shukron, người đã rời bỏ công việc ở Cơ quan quản lý Cổ vật Israel để trở thành một giảng viên kiêm hướng dẫn viên khẳng định.
Hầu hết các nhà khảo cổ ở Israel không phủ nhận vua David là một nhân vật lịch sử và một tài liệu tham khảo bằng văn bản nhắc tới "nhà của David" cũng được tìm thấy tại một địa điểm khảo cổ thuộc miền bắc Israel. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ vẫn tranh cãi quanh cách nhận diện các di tích của David ở Jerusalem, nơi vị hoàng đế này đã tạo dựng lên thủ đô của mình.
Cuộc khai quật của Shukron, bắt đầu từ năm 1995, đã phát lộ một pháo đài lớn với các bức tường làm từ những viên đá nặng 5 tấn xếp chồng lên nhau, có chiều rộng tới 6,4 mét. Các mảnh gốm trong pháo đài giúp người ta biết nó có niên đại lên đến 3.800 năm tuổi.
Các bức tường của pháo đài là loại lớn nhất từng được phát hiện, thuộc về giai đoạn trước thời vua Herod, người xây dựng nên tổ hợp Đền thờ Do thái thứ 2 ở Jerusalem gần 2.100 năm trước đây. Bao quanh pháo đài là một hào nước sâu và được cho là nơi giúp cung cấp, bảo vệ nguồn nước của thành phố cổ.
Pháo đài được xây dựng 800 năm trước khi vua David chiếm được được nó từ những người Jebusite. Nhà khảo cổ Israel Shukron nói rằng những câu chuyện trong kinh Thánh về cuộc chinh phục Jerusalem của vua David đã giúp mang lại manh mối cho thấy pháo đài này là đột phá khẩu để David tiến vào thành phố.
Trong cuốn sách thứ hai thuộc Bộ sách của Samuel, David đã ra lệnh đánh chiếm pháo đài, được bảo vệ kiên cố với tường thành dày, thông qua việc dùng các đường dẫn nước để tiến vào thành phố. Cuộc khai quật của Shukron đã phát hiện ra một đường dẫn nước hẹp, nơi nước suối chảy vào trong một cái ao được đào bên trong pháo đài và cư dân có thể tới lấy nước từ đây. Nước thừa có thể đã chảy ra khỏi pháo đài thông qua một đoạn đường dẫn nước khác.
Những quan điểm trái chiều
Tuy nhiên Ronny Reich, một cộng sự làm việc cùng Shukron đến năm 2008 lại cho biết ông không đồng ý với lý thuyết trên. Ông đánh giá nếu thực sự pháo đài là của vua David, số lượng các mảnh gốm vỡ từ thế kỷ thứ 10 TCN phải được tìm thấy nhiều hơn.
Shukron cho biết ông chỉ tìm thấy hai mảnh vỡ có niên đại gần thời điểm trên, tin rằng việc này xảy ra là do pháo đài được sử dụng liên tục nên các mảnh gốm vỡ có thể đã được hậu duệ của vua David dọn dẹp hết. Phần lớn các mảnh vỡ được phát hiện có niên đại khoảng 100 năm sau thời David cầm quyền.
Phản bác lại ý kiến của Shukron, Reich nói rằng hoàn toàn không thể đưa ra các kết luận chắc chắn về một di chỉ khảo cổ chỉ dựa trên kinh Thánh, thay vì dùng bằng chứng khảo cổ cụ thể. “Trong những năm gần đây, sự kết nối giữa khảo cổ học và kinh Thánh đã đi tới chỗ gặp rất nhiều vấn đề ” - Reich nhận định.
Các nhà phê bình nói rằng một số chuyên gia khảo cổ đã quá vội vã cầm một chiếc xẻng trong tay và quyển kinh Thánh ở tay còn lại trong việc xác thực các câu chuyện của Kinh Thánh. Họ làm thế có thể do bị tác động bởi niềm tin tôn giáo hoặc để chứng minh mối liên hệ mang tính lịch sử của người Do Thái với vùng đất này.
Hiển nhiên những chỉ trích đó không làm nhụt chí Shukron, nhà khảo cổ học kỳ cựu đã khai quật nhiều di chỉ quan trọng ở Jerusalem. Ông nói rằng đã đưa ra kết luận về pháo đài sau gần 2 thập kỷ khám phá thành phố cổ. Tôi biết mọi điều trong Thành phố của David (City of David), từ những thứ nhỏ nhất. Tôi không tìm thấy ở bất kỳ nơi khác một pháo đài khổng lồ như thế này”- Shukron chia sẻ.
Hải Yến (Theo USA Today)
Thể thao & Văn hóa