Tránh chồng lấn nhiệm vụ của Cảnh sát biển với các lực lượng khác trên biển

Thứ Ba, 29/05/2018 20:28 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 29/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam và dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

Tránh chồng lấn nhiệm vụ của Cảnh sát biển với các lực lượng khác

Đối với dự án Luật Cảnh sát biển, các đại biểu nhất trí việc ban hành luật là cần thiết, nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định có liên quan của Hiến pháp năm 2013 về tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và xây dựng các lực lượng trên biển, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. 

Theo các đại biểu, dự án luật được nâng lên từ Pháp lệnh Cảnh sát biển nhưng có sự bổ sung đáng kể về nội dung, bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát các quy định hiện hành, kể cả các văn bản dưới luật để quy định bao quát, toàn diện, đầy đủ hơn. 

So với pháp lệnh hiện hành, vị trí, chức năng của Cảnh sát biển có sự bổ sung, thay đổi đáng kể. Cơ bản các ý kiến phát biểu đều tán thành việc xác định Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục làm rõ địa vị pháp lý của lực lượng này. 

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Với tính chất đặc thù của hoạt động trên biển, nhiều đại biểu đưa ý kiến việc xác định chức năng của Cảnh sát biển phải phù hợp với tính chất hoạt động của lực lượng, không tạo ra điểm trống trên biển nhưng cũng tránh bao trùm và chồng lấn lên chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng, cơ quan, tổ chức khác; đồng thời tăng cường sự phối hợp trong các hoạt động trên biển. 

Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) đề nghị Luật Cảnh sát biển cần quy định rõ về phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát biển với Bộ đội biên phòng, Hải quân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, địa phương. 

Lấy dẫn chứng tại Bình Thuận thời gian qua công tác phối hợp giữa cơ quan chức năng với lực lượng Cảnh sát biển còn nhiều hạn chế, đại biểu Cảnh phân tích, khi xảy ra sự cố trên biển, cần huy động tàu bè, phương tiện để tìm kiếm, cứu nạn thì cần quy định rõ trách nhiệm phối hợp của Cảnh sát biển với UBND các địa phương, các lực lượng trên biển khác để thực hiện tốt nhiệm vụ chung. 

"Tuy rằng quy định về quản lý nhà nước đã quy định về chức năng phối hợp, quy nhiên, Luật Cảnh sát biển cần quy định cụ thể hơn để triển khai thống nhất trên thực tiễn", đại biểu Cảnh kiến nghị. 

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu kiến nghị hoàn thiện dự thảo Luật Cảnh sát biển bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn, môi trường biển, bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển và yêu cầu hội nhập quốc tế. 

Cần quy định cụ thể thời điểm đặc xá 

Nêu ý kiến tại các tổ thảo luận, các đại biểu nhất trí việc sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá năm 2007 là cần thiết để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, với quy định của các đạo luật liên quan đến tư pháp hình sự mới được Quốc hội thông qua và giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong công tác xét đặc xá thời gian qua. 

Nội dung được nhiều đại biểu cho ý kiến trong dự thảo Luật Đặc xá sửa đổi là về quy định liên quan đến điều kiện được đề nghị đặc xá; thời điểm đặc xá. 

Về thời điểm đặc xá, Khoản 1 Điều 5 Luật Đặc xá năm 2007 quy định 2 thời điểm Chủ tịch nước có thể ban hành Quyết định về đặc xá, đó là sự kiện trọng đại hoặc ngày lễ lớn của đất nước. Còn theo Dự thảo Luật Đặc xá sửa đổi, tại Khoản 1 Điều 5 quy định, chỉ còn 1 thời điểm Chủ tịch nước có thể ban hành Quyết định về đặc xá là "sự kiện trọng đại của đất nước". Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu đề nghị quy định chi tiết về sự kiện trọng đại của đất nước. 

Đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) đề nghị quy định ngay trong dự thảo Luật "sự kiện trọng đại của đất nước" là những sự kiện gì để đảm bảo sự minh bạch, hiểu và áp dụng thống nhất trên thực tiễn. "Sự kiện trọng đại của đất nước cần phải ghi ngay trong Luật chứ không nên quy định trong các văn bản hướng dẫn, văn bản dưới luật. Tôi đề nghị ghi rõ thời điểm đặc xá vào ngày Quốc khánh mùng 2/9 hoặc Tết nguyên đán... Quy định như vậy mới đảm bảo tính thống nhất". 

Về điều kiện đặc xá, nhiều đại biểu cho rằng điểm hạn chế lớn nhất trong thời gian qua là điều kiện về đặc xá có diện quy định rộng dẫn đến số lượng người được đặc xá mỗi đợt lớn, làm giảm đi ý nghĩa đặc ân của Nhà nước đối với người phạm tội trong trường hợp đặc biệt như đặc xá; ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của các bản án mà các cấp Tòa án đã cân nhắc rất kỹ để đưa ra hình phạt. Do đó, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần lưu ý những hạn chế trên để đưa ra phương hướng sửa đổi luật hợp lý.

Bộ Ngoại giao lên tiếng vụ Cảnh sát Biển Philippines bắn chết 2 ngư dân Việt Nam

Bộ Ngoại giao lên tiếng vụ Cảnh sát Biển Philippines bắn chết 2 ngư dân Việt Nam

Ngày 23/9/2017, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao nhận được thông tin lực lượng Cảnh sát Biển Philippines đã bắn vào tàu cá của tỉnh Phú Yên mang số hiệu PY 96173 TS làm chết 2 ngư dân và bắt giữ một số ngư dân khác.

Xuân Tùng (TTXVN)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›