(Thethaovanhoa.vn) - Ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trong các trận lũ lớn tháng 11/2017 vừa qua, vành đai rừng ngập mặn trải dài 15 km dọc ven biển và vùng ven phá Tam Giang - Cầu Hai thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát huy tác dụng trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường vùng nuôi trồng thủy sản, hạ tầng ven phá. Đây là kết quả trồng rừng giai đoạn 2015-2020.
- Giật mình, biến đổi khí hậu 'giết' 4.000 người, lấy đi 1.200 tỷ USD
- Ứng phó với biến đổi khí hậu: Bước đi tiên phong của khoa học và công nghệ
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đầu tư 110 tỷ đồng cho dự án trồng rừng ngập mặn ven biển, đầm phá. Đến nay, tỉnh đã trồng mới được 50 ha trong tổng số 290 ha diện tích trồng mới trong giai đoạn này; trong đó có 160 ha ngập mặn và 130 ha ngập ngọt.
Theo ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế, rừng ngập mặn được ví như một tấm bình phong bảo vệ cho cộng đồng trước các thiên tai, đóng vai trò rất lớn trong việc bảo vệ các tuyến đê bao ngăn mặn, đường giao thông xung yếu, các vùng dễ bị xói lở. Nếu diện tích rừng ngập mặn được phủ xanh, những khu vực ven biển, đầm phá sẽ trở thành những bãi giống, bãi đẻ cho các loài thủy sản, góp phần phục hồi, bảo vệ tính đa dạng sinh học, giúp người nuôi trồng thủy sản có thể phá triển theo hướng nuôi sinh thái bền vững. Ở nơi nào rừng ngập mặn phát triển tốt, người dân giờ đây khá yên tâm nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu, bão lũ diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay.
Nhận thức được tầm quan trọng của rừng ven biển, các địa phương trong tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung làm giàu vốn rừng. Sau đợt lũ lụt kéo dài cuối tháng 11/2017 vừa qua (từ 10-12/12/2017), gần 100 đoàn viên thanh niên đến từ hai đơn vị là Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành trồng 22.000 cây phi lao chắn sóng tại bãi biển Thuận An, nhằm tạo "lá chắn xanh" đối phó tình hình xâm thực đang diễn ra nhanh chóng.
Theo Đại úy Trần Bá Phao, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, trồng cây phi lao ở đây nhằm mục đích xây dựng hàng rào chắn gió bão, bảo vệ bờ biển cũng như tính mạng, tài sản của nhân dân trước mưa bão, đây cũng là hoạt động thường xuyên của đơn vị.
Ngoài phục hồi, bảo vệ khoảng 30 ha rừng ngập mặn tự nhiên, tập trung ở Phú Lộc, Phú Vang, Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế trồng được thêm 50 ha rừng ngập mặn ven biển, đầm phá. Rừng ngập mặn tự nhiên nổi tiếng ở Thừa Thiên - Huế phải kể đến Rú Chá (Hương Phong, Hương Trà). Gọi là Rú Chá, bởi vì cây Chá ở đây mọc tự nhiên dày đặc chiếm hơn 90%, với diện tích trên 5 ha tạo thành một khu rừng vô cùng bí ẩn và hoang sơ, nằm án ngữ che chắn cho đất liền trước gió biển Thuận An.
Trong năm 2016, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã trồng thêm hơn 4,5 ha rừng ngập mặn và dự tính năm 2017, 2018 này sẽ tiếp tục trồng thêm. Ngoài ra, chi cục cũng đã đầu tư xây dựng các hệ thống công trình như đường đi, chòi canh để khách đến tham quan du lịch.
Đáng chú ý, huyện Quảng Điền đã trồng mới 37,5 ha rừng ngập mặn trên phá Tam Giang, gồm các loại cây như dừa nước, bần, gắn với công tác quản lý, bảo vệ nên đang phát triển tốt.
Theo ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, nếu không có rừng ngập mặn bảo vệ thì chắc chắn hệ thống đê bao, ao hồ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn bị ảnh hưởng lớn bởi các trận lũ lớn vừa qua. Chưa kể, cứ sau mỗi trận lũ nhiều năm trước đây, hệ thống đê bao bị hư hỏng nặng, mỗi hộ phải mất hàng chục triệu đồng để sửa chữa, khắc phục.
Hiện tại, xã Quảng Lợi có 40 nhóm hộ nuôi trồng thủy sản trên diện tích gần 20 ha. Các khu rừng ngập mặn hình thành trong vòng 3 năm trở lại đây đã thực sự tạo lá chắn bảo vệ sản xuất; đồng thời là điểm nhấn về cảnh quan, môi trường sinh thái, phát triển du lịch bên phá Tam Giang.
Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết để phục hồi và tái tạo thêm diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn, hội đã tiến hành trồng thử nghiệm nhiều loài cây ngập mặn khác nhau như sú vẹt đước, mắm… Đến nay, Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành trồng 0,5 ha cây ngập mặn tập trung tại đầm Lập An huyện Phú Lộc và trồng 500 cây ngập mặn phân tán tại khu vực Tân Mỹ, cây ngập mặn phát triển khá tốt, mở ra một cơ hội cho việc phục hồi lại những diện tích rừng ngập mặn đã mất trên địa bàn.
Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế còn khuyến cáo các địa phương nên trồng phục hồi thảm thực vật ngập mặn đầm Lập An bằng các loài đước vòi, vẹt khang và mắm quăn. Riêng trong các ao nuôi thủy sản nên trồng cây ngập mặn đước vòi và vẹt khang để xây dựng mô hình ao nuôi sinh thái.
Đáng chú ý, gần đây, Quỹ quốc tế bảo vệ động vật hoang dã (WWF) đã tài trợ với kinh phí trên 711 triệu đồng xây dựng vườn ươm cây giống phục vụ việc trồng rừng ngập mặn trên địa bàn.
Riêng tại xã Hương Phong, thị xã Hương Trà đã tiến hành ươm thành công 16.000 cây các loại như đước vòi, vẹt khang, sú, bần, mắm trên diện tích 300m2. Đây là những cây giống trồng tập trung để phát triển thêm diện tích rú chá và trồng tại các tuyến đê bao ngăn mặn, đường giao thông xung yếu các vùng đất ngập mặn trên địa bàn.
Số cây giống này dự tính sẽ trồng trên diện tích khoảng 20ha; trong đó có 11.000 cây tập trung để phát triển thêm diện tích rú chá, còn lại là trồng cây phân tán để bảo vệ các tuyến đê bao ngăn mặn, đường giao thông xung yếu, các vùng đất dễ bị xói lở và trồng từ 5-7ha ao nuôi thủy sản kết hợp với môi trường sinh thái...
Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã phối hợp với các địa phương trong vùng giới thiệu cho người dân trong vùng những nội dung cơ bản về lý thuyết, kỹ năng và phương pháp truyền thông về biến đổi khí hậu. Đây là nội dung nhằm nâng cao năng lực cộng đồng để ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ người dân sử dụng năng lượng tái tạo, cải thiện sinh kế.
Việc hình thành các đai rừng ngập mặn trồng dọc theo bờ phá Tam Giang, trong tương lai đây sẽ là nơi nuôi dưỡng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trước những bất lợi của thời tiết, đồng thời cung cấp thức ăn cho nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế. Các bãi giống, bãi đẻ tự nhiên cho các loài thủy sản sẽ được hình thành từ đây.
Ngoài ra, những vùng cây ngập mặn hình thành ngày càng đóng vai trò rất lớn không chỉ ngăn gió mưa, lụt bão mà còn điều hòa nhiệt độ, độ mặn của nước trong ao, xử lý các chất phế thải, làm sạch không khí, giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường.
Quốc Việt
Tags