(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, mạng tin quốc phòng Ấn Độ (IDN) đăng bài viết của tác giả Udit Dobhal – nhà nghiên cứu về các vấn đề quốc phòng, trong đó cho rằng Trung Quốc đã "tự bắn vào chân" khi bỏ qua phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) về Biển Đông.
- Cảnh báo leo thang thành chiến tranh mạng từ tranh chấp ở Biển Đông
- Tổng thống Mỹ Barack Obama: Phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông có tính ràng buộc pháp lý
Trung Quốc là nước duy nhất ở châu Á có tranh chấp lãnh thổ với nhiều nước. Trung Quốc ngang nhiên phủ nhận phán quyết của PCA ở La Haye về vấn đề Biển Đông và thái độ này của Bắc Kinh đã không chỉ chọc tức các quốc gia láng giềng ở Biển Đông mà còn đối với toàn thế giới. Các quốc gia bắt đầu coi sự phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc như mối đe dọa cho toàn thế giới.
Máy bay trinh sát E-2C Hawkeye với Tư lệnh Hải quân Mỹ John Richardson cất cánh từ CVN-74 trên Biển Đông ngày 5/62016. Ảnh: US Navy
Trung Quốc nhận thức được mối đe dọa bị cô lập trên trường quốc tế và đây cũng là lý do tại sao sau phán quyết của PCA về vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh bắt đầu tiến hành các cuộc vận động quốc tế nhằm kêu gọi sự ủng hộ cho yêu sách của mình ở Biển Đông.
Trung Quốc cũng biết rằng sẽ không thể tìm một giải pháp quân sự cho vấn đề Biển Đông vì nếu xảy ra chiến tranh, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với đội quân Mỹ, Nhật Bản và có thể là cả Ấn Độ, bên cạnh đó là các quốc gia khác như Malaysia, Việt Nam, Philippines, Brunei, Indonesia.
Trong cuộc chiến này, Trung Quốc có thể nhận được hỗ trợ từ Pakistan - “một nền kinh tế què quặt”, và Nga - nền kinh tế đang hồi phục sau trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Crimea.
Tuy nhiên, do ít có lợi ích liên quan ở Biển Đông nên Nga sẽ do dự để cung cấp sự hỗ trợ trực tiếp cho Trung Quốc nếu xảy ra chiến sự. Trung Quốc nên nhớ rằng sức mạnh quân đội của nó có lớn đến đâu cũng không thể chống lại quân đội của 8 nước và trong khi không có sự hỗ trợ đáng kể từ các nước bạn bè khác.
Hiển nhiên, Trung Quốc đang lo sợ điều này và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ có chuyến thăm Ấn Độ vào ngày 12/8 tới trong nỗ lực để đảm bảo rằng Thủ tướng Narendra Modi sẽ không tham gia với các nước để nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông tại hội nghị G20 vào đầu tháng 9 tới.
Ông Dobhal kết luận, Ấn Độ cần nhớ rằng Trung Quốc đã cản trở nước này tham gia Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG) như thế nào và không nên bắt tay với một nước mà đã tự bắn vào chính chân mình trong tranh chấp ở Biển Đông.
Ngày 12/7/2016, PCA đã ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông. Phán quyết của PCA khẳng định yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); Trung Quốc không có "tư cách lịch sử" đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong "đường 9 đoạn".
Theo PCA, không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế. PCA cho rằng Bắc Kinh đã làm tổn hại lâu dài và không thể bù đắp được hệ sinh thái san hô ở quần đảo Trường Sa.
Phán quyết của PCA cũng nhấn mạnh Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Philippines tại bãi Scarborough trên Biển Đông. Theo PCA, những hành động của Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm những tranh chấp với Philippines trong lúc đang các bên nỗ lực để giải quyết vấn đề.
Sau khi PCA công bố phán quyết, Trung Quốc đã ra tuyên bố khẳng định nước này không chấp nhận cũng như không công nhận phán quyết.
Thảo Nhi - BT
Tags