(Thethaovanhoa.vn) - Một phụ nữ Do Thái hồi 1941 bị quan tòa London tuyên án tử hình bởi theo luật Anh, Irene Coffee đã phạm trọng tội vì… sống sót sau khi tự sát bất thành.
Ngày 9/4/1941 tòa hình sự London quyết định đưa Irene Coffee lên giá treo cổ.
Bồi thẩm đoàn chỉ cần 11 phút nghị án
Vì mọi chuyện đã rõ, chẳng việc gì phải bàn cãi lâu hơn. Đúng 15h44 họ quay lại phòng xử số 4 của Tòa án hình sự trung tâm Old Bailey. Thẩm phán Travers Humphreys cầm một mảnh khăn đen và từ từ đặt lên mái tóc giả bạc trắng ánh kim làm bằng lông ngựa. Rồi ông quay sang người phụ nữ ngồi trên ghế bị cáo: “Irene Louise Valeska Coffee, tôi có nghĩa vụ thông báo cho bà biết bản án duy nhất mà pháp luật dành cho tội ác mà bà đã phạm phải”.
Thực ra vị quan tòa khả kính không cần nói câu ấy, mà mảnh khăn đen đã nói lên tất cả: “Black cap” được dùng từ vài trăm năm trong tư pháp Anh, khi tuyên mức án cao nhất.
Cô gái 29 tuổi ấy trước đó 2 tháng định cùng mẹ mình tự tử bằng thuốc ngủ. Mẹ cô chết, nhưng cô sống sót, và do đó phải chịu tội giết mẹ mình - chiểu theo một bộ luật Anh từ đời nảo đời nào truyền lại. Vì cô không chết nên đã biến thành kẻ sát nhân, một nạn nhân chạy trốn trước những kẻ giết người đã biến thành thủ phạm.
Vì sao một phụ nữ hoàn toàn bình thường, chỉ muốn sống cuộc đời giản dị và chất phác, lại thành nạn nhân một bi kịch? Câu hỏi đó không ngừng hành hạ nữ phóng viên Heidrun Hannusch, thúc đẩy bà bỏ công nghiên cứu và tái tạo cuộc đời của Irene Coffee.
18 tháng ròng, bà đến London đọc tài liệu trong văn khố Anh, hỏi chuyện họ hàng và người quen của Coffee. Bà sang Israel và Mỹ tìm nhân chứng. “Tôi tìm ít nhất là một thoáng logic trong cái phi lý”, bà giải thích nỗ lực của mình từ khi tình cờ đọc được vụ Coffee trong mớ tài liệu về người Do Thái lưu vong.
Cưới giả để có chốn nương thân
Irene Brann sinh năm 1911 trong một gia đình Do Thái khá sung túc ở Dresden (Đức). Cuộc đời của cô là nhạc kịch, du ngoạn, tiệc tùng với các bạn đồng niên. Cho đến khi Hitler lên cầm quyền và gia đình Brann cảm nhận rõ mối đe dọa. Chị của Irene di cư qua Palestine, và sau khi bố mất thì cô không còn lựa chọn nào khác. Tháng 9/1937 cô đến London và kết hôn giả để lấy quốc tịch Anh. Nhờ vậy cô không bị trục xuất, mà còn được bảo lãnh cho mẹ sang Anh.
Cuộc sống mới có vẻ yên ổn, khi cô được nhận vào làm tại một công ty xuất nhập khẩu. Nhưng ngày 7/9/1940 không quân Đức ném bom, ngôi nhà của họ bị hư hỏng tầng trên. Bốn tháng sau, 550 máy bay Đức lại dội hơn 700 tấn bom xuống thủ đô Anh. Hai mẹ con Irene run rẩy theo dõi tin tức. Ba Lan, Hà Lan, Bỉ, Pháp… lần lượt từng nước vào tay Hitler.
Có vẻ như quân Đức bất khả chiến bại, và ngày chúng tiến vào nước Anh chỉ còn là câu hỏi thời gian. Họ phát điên vì sợ, và quyết định: Thà tự sát còn hơn cái chết tất yếu dành cho người Do Thái trong trại tập trung. Ngày 11/10/1941 khi báo đăng tin xe tăng Đức chỉ còn cách cửa ngõ Moscow 130 cây số, hai mẹ con Irene đưa ra quyết định cuối cùng.
Thuốc ngủ mua từ Thụy Sĩ
Họ đã trữ sẵn một lượng thuốc ngủ đủ lớn, phòng trường hợp bị chính quyền Anh trao trả cho phía Đức. Hai mẹ con chia đôi lượng thuốc. Trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê, Irene còn cố lấy dao cứa vào động mạch ở tay và cổ. Sau 7 ngày mê man bên cạnh bà mẹ đã chết, Irene tỉnh lại và bò ra khỏi căn nhà số 33 Castellain Road. Cô nhờ một người qua đường đánh điện hộ: “Thưa bác sĩ, chúng tôi muốn chấm dứt cuộc đời. Mẹ tôi đã thành công, tôi thì kém may mắn hơn”. Bác sĩ Green lập tức đến ngay. Bà mẹ, Margarete Brann, đã chết trên giường, còn Irene hầu như không có phản ứng gì nữa.
Vào thời điểm cảnh sát được tin báo, Irene đang là người tự tử đã biến thành sát nhân, và luật pháp Anh không có hình phạt nào khác ngoài xử tử. Ngay cả khi không có thống kê đầy đủ: Quốc đảo Anh xưa nay vẫn bị coi là thánh địa của những kẻ chán đời. Bác sĩ George Cheyne người Scotland từng nghiên cứu khá lâu hiện tượng này và ông cho rằng lý do nằm trong chủ nghĩa vô thần ngày càng hưng thịnh ở Anh, cộng thêm tâm trạng sầu muộn từ những cơn mưa phùn không dứt ở xứ này.
Trong thế kỷ 18, riêng tại Nghị viện Anh có 22 dân biểu tự sát. Bộ máy tư pháp liền hình sự hóa cả tội tự tử và biến nạn nhân thành thủ phạm. Đặc biệt, khi hai người cùng tự tử và một người sống sót thì người đó vô hình trung bị coi như đã giết người kia. Luật này vẫn tồn tại ở Anh, cả khi Pháp và Phổ đã hủy bỏ quy định ấy.
“Tôi không giết mẹ tôi!”
Quan tòa Travers Humphreys, người phải ra án quyết về số phận Irene Coffee, biết rõ sự lạc hậu của bộ luật này. Ở tuổi 74, ông biết là vụ cuối cùng tương tự đã xảy ra hồi 1823, tức là hơn 100 năm trước. Trong khi xử án, ông luôn tỏ ra đồng cảm với bị cáo, song cũng liên tục nhắc lại là luật không thể thay đổi.
Khi luật sư phê phán điều luật cổ hủ nọ, Humphreys vẫn phải tỏ ra lạnh lùng gạt đi: “Tôi hiểu thiện cảm của ông đối với thân chủ, nhưng cả tôi lẫn ông đều phải nhắc mình nhớ đến vị thế đại diện cho pháp luật của chúng ta, tôi và ông đều được chỉ định để thực thi pháp luật của đất nước mà chúng ta đang sống”.
Irene Coffee bàng hoàng nghe tuyên án và lặp đi lặp lại: “Tôi không giết mẹ tôi!” Sau đó cô bị giải về trại giam phụ nữ Halloway. Báo chí Anh chỉ đăng vài dòng về vụ án bi thương này. Thời điểm hành quyết Irene Coffee cũng được ấn định nhanh chóng: 9h sáng 31/12/1941. Để tội nhân không tự sát trước đó, người ta canh phòng cẩn mật ngày đêm. Theo hồ sơ của bác sĩ trại giam, Irene Coffee gần như mất trí. Bên cạnh nỗi đau mất mẹ, cô không hiểu nổi vì sao mình bị ghép tội giết người.
Hai chữ ký cùng ngày của thẩm phán Humphreys
Ngay sau khi ký vào án tử hình, quan tòa Humphreys viết tiếp một tâm thư cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ và vua George VI. Ông xin họ để lòng nhân từ cao hơn pháp lý trong vụ này. Có lẽ chính những người có trách nhiệm cũng nhận thấy cắn rứt lương tâm và cuối cùng vua George VI đã hạ mức tử hình xuống chung thân. Song Irene Coffee cũng không phải chịu đựng lâu, mà nhận được một làn sóng ủng hộ rộng lớn do luật sư của cô phát động.
Ngày 3/3/1942 cô thành người tự do.
Nhưng sang chấn tinh thần không thả cô ra. Cô bỏ London lên vùng Bắc Anh sinh sống, từ đó di cư qua Thụy Sĩ. Sau này cuộc đời tiếp tục xô đẩy cô đến Australia. Cô kết hôn ở quê hương mới, nhưng cũng không tìm được hạnh phúc trọn vẹn. Ngày 30/9/1968, vào thời điểm mà luật Anh đã bãi bỏ hình phạt cho người tự sát được 7 năm, Irene lại cầm một nắm thuốc ngủ lên tay. Lần này mọi nỗ lực giải cứu đều thất bại.
Lê Quang
Tags