Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định là một trong những vị Anh hùng dân tộc đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp những năm 60 của thế kỷ 19 tại Việt Nam.
Ông sinh năm 1820, người làng Tư Cung, nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 24 tuổi (1844), ông theo cha vào Nam, chiêu mộ dân cày, khẩn hoang lập ấp trở thành bậc tiền hiền mở đất khai cơ ở vùng Tân An - Định Tường. Năm 1854, Trương Định xuất tiền của, chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền Gia Thuận.
Ông được phong chức Phó Quản cơ, rồi Quản cơ. Tháng 2/1859, khi quân Pháp tấn công thành Gia Định, Trương Định đem quân đồn điền cùng với quân triều đình chống giặc ngoại xâm, lập được nhiều chiến công.
Năm 1862, triều đình ký hòa ước Nhâm Tuất, giao 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, hạ lệnh cho Trương Định bãi binh và đi nhận chức Lãnh binh ở An Giang. Theo yêu cầu của nhân dân và các nghĩa sĩ, Trương Định đã khước từ lệnh của triều đình và nhận danh hiệu Bình Tây Đại nguyên soái, tiếp tục cuộc chiến đấu chống Pháp, nghĩa quân do ông lãnh đạo đã lập nhiều chiến công, trừng trị nhiều tay sai của giặc Pháp.
Rạng sáng 20/8/1864, giặc Pháp bất ngờ bao vây đánh úp nghĩa quân tại Đám lá tối trời (Gò Công Đông), Trương Định bị trọng thương. Không để rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tự sát để bảo toàn thanh danh khí tiết người anh hùng - khi ấy ông tròn 44 tuổi.
Để tưởng nhớ công đức của ông, hàng năm vào các ngày 19 - 20/8 (dương lịch), nhân dân Gò Công tổ chức trọng thể lễ giỗ kỷ niệm ngày ông tuẫn tiết với các nghi thức cúng bái, lễ dâng hương và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.
Lễ giỗ hàng năm còn là dịp để thế hệ hôm nay cùng tưởng niệm và ôn lại thân thế, sự nghiệp, công lao của Anh hùng dân tộc Trương Định đối với xứ Gò Công và vùng đất Nam Bộ trong kháng chiến chống thực dân Pháp, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của ông cha ta cho các thế hệ trẻ.