(Thethaovanhoa.vn) - Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính thức công nhận địa điểm hết sức nhạy cảm Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ hiện ở Tel Aviv tới thành phố này, bất chấp những cảnh báo của hàng loạt quốc gia khu vực, thực sự là một "bước đi nguy hiểm" với những hệ lụy khôn lường.
- Cảnh báo hậu quả khôn lường từ quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel
- Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel
Động thái này không chỉ hủy hoại tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông, mà còn có nguy cơ làm bùng phát làn sóng bạo lực nghiêm trọng giữa người Palestine và Israel, giữa cộng đồng Do Thái và Arab, đưa Trung Đông vào một giai đoạn hỗn loạn mới, đe dọa an ninh và ổn định của khu vực và thế giới.
Tính chất nguy hiểm của bước đi trên thể hiện rõ khi cộng đồng quốc tế, từ các tổ chức toàn cầu hay khu vực như Liên hợp quốc, Liên đoàn Arab (AL), Liên minh châu Âu (EU)... tới các đồng minh ở Mỹ ở châu Âu hay Trung Đông đều lên tiếng phản đối, đặc biệt hầu hết các quốc gia Arab và Hồi giáo đều bày tỏ phẫn nộ trước quyết định của Washington.
Jerusalem, với phần phía Đông bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh năm 1967, lâu nay vẫn là một trong những chủ đề nhức nhối và gai góc nhất của vòng đàm phán hòa bình Trung Đông giữa người Palestine và người Israel, bởi người Palestine luôn muốn khu vực Đông Jerusalem là một phần lãnh thổ của nhà nước tương lai, trong khi Israel coi thành phố này là "thủ đô không thể chia cắt" của mình.
Hơn thế nữa, tại Đông Jerusalem còn có Thành cổ Jerusalem với quần thể tôn giáo Haram al-Sharif , một trong những địa điểm linh thiêng nhất của người Hồi giáo, nhưng người Do Thái cũng coi đây là thánh địa tôn kính nhất, nơi có những ngôi đền Do Thái giáo được ghi trong Kinh thánh, và gọi đây là Núi Đền.
Là nơi tọa lạc những địa điểm nhạy cảm và mang ý nghĩa biểu tượng cả về tôn giáo lẫn chính trị, được cả cộng đồng Do Thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo coi là linh thiêng, mọi diễn biến liên quan tới Jerusalem đều có thể trở thành tâm điểm của những căng thẳng sắc tộc và tôn giáo giữa người Palestine với người Israel, giữa người Do Thái và người Arab.
Như việc Israel xây dựng các khu định cư mới ở Đông Jerusalem luôn được coi là hành động khiêu khích, thậm chí từng châm ngòi cho các cuộc đụng độ năm 1990, 1996 giữa người Israel và Palestine, đặc biệt là cuộc nổi dậy Intifada lần thứ hai của người Palestine năm 2000 chống Israel.
Đụng chạm tới Jerusalem cũng là động tới "nỗi đau" âm ỉ, dai dẳng từng là khởi nguồn của hàng loạt cuộc xung đột và bạo lực ở Trung Đông, cụ thể là việc người Do Thái chiếm đất của người Arab.
Israel đã giành quyền kiểm soát phần phía Tây thành phố này sau cuộc chiến tranh với một liên minh quân sự các nước Arab năm 1948, và chiếm đóng phần phía Đông kể từ cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967.
Bởi vậy, kể từ sau năm 1967, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ra hàng loạt nghị quyết nhằm ngăn chặn mọi hành động đơn phương tại Jerusalem cũng như hướng việc giải quyết vấn đề quy chế của thành phố này tới các cuộc thương lượng giữa các bên liên quan, như Nghị quyết 242 năm 1967 yêu cầu Israel rút khỏi các khu vực chiếm đóng năm 1967, trong đó có Jerusalem; Nghị quyết 478 năm 1980 bác bỏ mọi quyết định của Israel sáp nhập Jerusalem và tuyên bố thành phố này là thủ đô chính thức; và Nghị quyết 2334 năm 2016 không công nhận bất cứ sự thay đổi nào của Israel liên quan đến đường biên giới năm 1967.
Chủ quyền của Israel đối với Jerusalem cũng chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế công nhận, mặc dù hầu hết trụ sở các cơ quan đầu não của Israel như tòa nhà quốc hội, dinh tổng thống, văn phòng thủ tướng và các bộ, ngành đều đặt tại thành phố này. Đó cũng là lý do mọi quốc gia khi đặt cơ quan ngoại giao tại Israel cũng đều chọn Tel Aviv.
Ngay cả Mỹ, dù là đồng minh chiến lược thân cận của Israel, cũng đặt trụ sở đại sứ quán ở Tel Aviv, và dù năm 1995, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật yêu cầu chuyển đại sứ quán nước này tại Israel tới Jerusalem, nhưng tất cả các đời tổng thống Mỹ sau đó gồm Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama cứ 6 tháng một lần đều ký sắc lệnh hoãn việc di dời bởi không muốn "chọc gậy vào tổ ong vò vẽ", đồng thời cũng bởi Mỹ là một bên trong nhóm "Bộ tứ" bảo trợ cho tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông.
Tuyên bố ngày 6/12 của Tổng thống Trump rõ ràng đã đảo ngược chính sách mà Mỹ thực thi gần 40 năm qua đối với tiến trình hòa bình Trung Đông, đặc biệt khi Washington đang giữ vai trò trung gian nhằm thúc đẩy một giải pháp toàn diện, công bằng và lâu dài cho cuộc xung đột giữa Palestine và Israel, trên cơ sở giải pháp hai nhà nước được Liên hợp quốc đề xuất dựa theo đường biên giới trước năm 1967, cho phép người Palestine có quyền tự quyết và có một nhà nước độc lập và chủ quyền, với thủ đô đặt tại Đông Jerusalem.
Không những thế, quyết định của Tổng thống Trump còn đi ngược lại hàng loạt nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề Jerusalem và cản trở những nỗ lực nối lại tiến trình hòa đàm Trung Đông, bị đình trệ suốt hơn 3 năm qua.
Dư luận lo ngại bước đi đơn phương này sẽ hủy hoại cơ hội hòa bình ở Trung Đông, làm leo thang căng thẳng, thậm chí khoét sâu thêm hận thù và làm bùng phát làn sóng bạo lực mới giữa người Palestine và Israel.
Chưa đầy hai tháng trước, phong trào Hồi giáo Hamas và đảng Fatah của Palestine đã đạt được thỏa thuận hòa giải chính trị tại Cairo dưới sự bảo trợ của Ai Cập, mở ra hy vọng cho việc xây dựng một Palestine đoàn kết, góp phần quan trọng cho việc tái khởi động tiến trình hòa bình Trung Đông.
Tuy nhiên, các nỗ lực này đang tiêu tan khi quyết định của Tổng thống Mỹ về Jerusalem đã dập tắt mọi hy vọng về giải pháp hai nhà nước.
Đây còn là sự khiêu khích nghiêm trọng đối với cộng đồng Arab và Hồi giáo trong khu vực cũng như trên toàn thế giới, khiến những mâu thuẫn và chia rẽ tôn giáo sắc tộc trầm trọng thêm, có thể dẫn tới nhiều phản ứng tiêu cực, đặt an ninh và ổn định khu vực vào những rủi ro.
Quyết định của Tổng thống Trump cũng một lần nữa cho thấy sự "khó đoán định" của ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng. Từ khi lên nắm quyền hồi tháng 1 vừa qua, Tổng thống Trump đã có hàng loạt quyết định và hành động gây tranh cãi và bị coi là "trước sau bất nhất," thay đổi quan điểm và đảo chiều nhiều chính sách của chính quyền tiền nhiệm cả về đối nội lẫn đối ngoại.
Có thể bước đi của Tổng thống Trump là nhằm cải thiện quan hệ với đồng minh truyền thống Israel, vốn bị xấu đi vào cuối nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Obama. Tuy nhiên, chính ông Trump cũng từng cam kết trong chiến dịch tranh cử là thúc đẩy "một nền hòa bình chính đáng và lâu dài" giữa Israel và Palestine, và tuyên bố bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải được thương lượng giữa các bên liên quan, chứ không phải bị áp đặt bởi bên ngoài.
Cùng với đe dọa rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran, quyết định của ông Trump về Jerusalem đang khiến hình ảnh và vị thế của Mỹ tại Trung Đông bị lung lay, bởi Washington đang thể hiện mình không phải là "đối tác chắc chắn và đáng tin cậy" trong giải quyết các điểm nóng khu vực.
TTXVN
Tags