(Thethaovanhoa.vn) - Kết quả kiểm 46 triệu phiếu cho thấy ông Emmanuel Macron dẫn đầu với 23,82% số phiếu giành được.
- Truyền thông quốc tế bắt tay chống tin tức giả mạo trước bầu cử Pháp
- Bầu cử Pháp: Ông Francois Fillon có thể phải rút lui vì vợ nhận 'lương khống'
- Bầu cử Pháp: Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy đã bị loại từ vòng sơ bộ
Ngày 24/4, Bộ Nội vụ Pháp công bố kết quả sau khi kiểm 46 triệu phiếu trong tổng số gần 47 triệu phiếu bầu, theo đó ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron và ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen sẽ bước vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp dự kiến diễn ra ngày 7/5 tới.
Theo Bộ Nội vụ Pháp, kết quả kiểm 46 triệu phiếu cho thấy ông Emmanuel Macron dẫn đầu với 23,82% số phiếu giành được, trong khi bà Le Pen về thứ hai với 21,58% số phiếu ủng hộ.
Trong số 9 ứng cử viên bị loại, 2 ứng cử viên chủ chốt gồm cựu Thủ tướng Francois Fillon giành được 19,96% phiếu bầu, còn nhà lãnh đạo phong trào cực tả Jean-Luc Melenchon được 19,49% số phiếu. Nếu không có gì thay đổi, ông Macron và bà Le Pen sẽ cùng nhau bước vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp, dự kiến diễn ra vào ngày 7/5 tới.
Ứng viên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris sau khi kết quả sơ bộ vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp được công bố ngày 23/4. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước đó, phát biểu trước những người ủng hộ tại Paris sau khi có kết quả sơ bộ, ông Macron tuyên bố ông muốn huy động sự ủng hộ “lớn nhất có thể” trước khi cuộc bầu cử vòng hai diễn ra vào ngày 7/5 tới. Ông Macron cảm ơn những người ủng hộ vì một chiến dịch “đã thay đổi tiến trình của đất nước”. Ứng cử viên sinh năm 1977 này cũng kêu gọi người dân Pháp hãy tin tưởng vào châu Âu thay vì sợ hãi, được cho là một lời ám chỉ tới chiến dịch chống Liên minh châu Âu (EU) của bà Le Pen.
Về phần mình, bà Marine Le Pen cũng tuyên bố giành chiến thắng trong vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp và gọi kết quả bầu cử là "sự kiện mang tính lịch sử". Bà Le Pen cho rằng sự sống còn của nước Pháp đang bị đe dọa và đã đến lúc giải phóng người dân Pháp khỏi "những người thống trị kiêu ngạo".
Ngay sau khi kết quả sơ bộ cuộc bầu cử tổng thống Pháp được công bố, lãnh đạo nhiều nước châu Âu đã lên tiếng bày tỏ quan điểm, trong đó nhiều nhà lãnh đạo và chính trị gia chúc mừng ứng cử viên Emmanuel Macron.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã gửi lời chúc mừng tới ứng cử viên được đánh giá là “thân châu Âu” Emmanuel Macron, đồng thời chúc ứng cử viên 39 tuổi này “may mắn” trong vòng 2 cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 7/5 tới.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng chúc ông Macron “những điều tốt đẹp nhất” trong hai tuần tới, ám chỉ cuộc chạy đua vòng hai vào điện Elysee. Nhà lãnh đạo Đức cho rằng việc ứng cử viên Macron với đường lối ủng hộ một Liên minh châu Âu (EU) mạnh và nền kinh tế thị trường là điều tốt đẹp. Còn Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nhận định ông Macron sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Pháp.
Từ Anh, cựu Bộ trưởng Tài chính George Osborne đã hoan nghênh kết quả sơ bộ cuộc bầu cử tổng thống Pháp, gửi lời chúc mừng tới “người bạn” Macron và bày tỏ tin tưởng vào chiến thắng của ứng cử viên này.
Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen chúc mừng ứng cử viên Macron và cho rằng châu Âu cần một nước Pháp cải cách và cởi mở, đồng thời bày tỏ tin tưởng ông Macron sẽ giành chiến thắng trước ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen.
Ngoại trưởng Na Uy Borge Brende đánh giá việc ông Macron giành chiến thắng trong vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp là kết quả tích cực và tuyên bố Na Uy muốn tăng cường hơn nữa sự hợp tác ở châu Âu.
Trong khi đó, tại Hà Lan, Chủ tịch đảng Vì tự do (PVV) chủ trương bài Hồi giáo, ông Geert Wilders cho biết đã gửi lời chúc mừng tới bà Le Pen và bày tỏ hi vọng nữ ứng cử viên này sẽ giành chiến thắng trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Ông Wilders cũng gọi kết quả sơ bộ này là “ngày tươi sáng” đối với những người yêu nước Pháp và những ai “muốn có chủ quyền quốc gia nhiều hơn EU và người di cư”.
TTXVN
Tags