(Thethaovanhoa.vn) - Dịch bệnh COVID-19 làm gián đoạn các hoạt động phòng, chống bạo hành tại gia đình đã đẩy trẻ em tại hơn 100 nước đối mặt với nguy cơ dễ bị ngược đãi và bạo hành. Đây là kết luận được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đưa ra trong khảo sát tác động của dịch COVID-19 đối với mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội.
Theo UNICEF, tại 104 trong tổng số 136 nước tham gia khảo sát đã ghi nhận tình trạng gián đoạn hoặc ngừng các dịch vụ, trong đó có quản lý, đến thăm trẻ em và phụ nữ có nguy cơ bị bạo hành. Việc các nước đều áp dụng những biện pháp phong tỏa, nhằm khống chế đại dịch COVID-19 lây lan, cũng đã ảnh hưởng tới các chương trình phòng, chống bạo hành gia đình và cản trở trẻ em tiếp cận các cơ quan bảo trợ và dịch vụ tư vấn.
Ngoài ra, khoảng 67% số nước tham gia khảo sát ghi nhận ít nhất 1 dịch vụ bảo trợ và chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó có Nam Phi, Malaysia, Nigeria và Pakistan. Nam Á, Đông Âu và Trung Á là những khu vực có nhiều nước bị gián đoạn dịch vụ bảo trợ trẻ em nhất.
Trong thông cáo báo chí đưa ra ngày 18/8, Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore cho biết việc đóng cửa các trường học và các biện pháp hạn chế đi lại đã làm tăng thời gian trẻ em phải ở nhà với những đối tượng bạo hành. Trong khi đó, đại dịch đang khiến nỗ lực bảo trợ trẻ em gặp khó khăn hơn, cũng như đẩy những người làm công tác bảo trợ xã hội đứng trước rủi ro có thể lây nhiễm bệnh. Hậu quả của việc gián đoạn hoặc ngưng trệ các dịch vụ bảo trợ khiến trẻ em trở thành những đối tượng bơ vơ, không biết nương tựa vào đâu.
Thậm chí ngay trước khi xảy ra đại dịch, việc trẻ em trở thành đối tượng bạo hành cũng đã xuất hiện tại nhiều nước. Ước tính 50% số trẻ em trên thế giới bị đánh đập tại nhà, 75% trẻ em trong độ tuổi từ 2-4 thường xuyên phải chịu các hình thức phạt nghiêm khắc và 33% trẻ vị thành niên nữ trong độ tuổi từ 15-19 là nạn nhân của một số hành vi bạo hành. Trong cuộc khủng hoảng COVID-19, việc hạn chế tiếp xúc bạn bè, giáo viên, nhân viên bảo trợ trẻ em, các thành viên gia đình, xã hội đã khiến trẻ em trở nên dễ bị tổn thương hơn.
Để giải quyết thực trạng này, UNICEF đang hỗ trợ các chính phủ và các tổ chức đối tác điều chỉnh, duy trì các dịch vụ phòng, chống trẻ em bị bạo hành trong đại dịch. Đơn cử, như tại Bangladesh, UNICEF đã cung cấp những vật dụng bảo hộ cá nhân như khẩu trang, nước sát khuẩn tay, bảo vệ mắt cho nhân viên bảo trợ xã hội để có thể giúp đỡ an toàn cho trẻ em sống trên đường phố, trong các khu ổ chuột cũng như tại các khu vực bị ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu và khó tiếp cận.
- UNICEF chia sẻ 'vũ điệu rửa tay' phòng COVID-19 của Quang Đăng
- Cô bé 'nhặt rác thải nhựa' đoạt giải bức ảnh năm 2019 của UNICEF
- UNICEF cảnh báo tình trạng sai lệch thông tin về vaccine
Công tác tuyển dụng và đào tạo thêm các nhân viên bảo trợ cho dịch vụ tư vấn cho trẻ em quốc gia cũng được ưu tiên. Theo UNICEF, trong thời gian dịch bệnh hoành hành, các chính phủ cần có các biện pháp trung và dài hạn nhằm bảo vệ trẻ em trước hành vi bạo hành, trong đó có việc đầu tư cho các nhân viên bảo trợ xã hội, tăng cường dịch vụ tư vấn cho trẻ em./.
Văn Phong/TTXVN
Tags