(Thethaovanhoa.vn) - Báo chí Pháp đã dành nhiều bài viết bình luận về viễn cảnh Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu -EU) không có thỏa thuận. Bài viết chiếm trang nhất tờ Libération phác họa một cách chắc chắn viễn cảnh nước Anh rời châu Âu không thỏa thuận vào ngày 29/3 tới.
Mối quan tâm của tờ báo là “Nước Pháp chuẩn bị thế nào” cho kịch bản xấu này? Tờ báo nhắc lại: “Ngày 17/1, Thủ tướng Edouard Philippe đã ấn nút đỏ. 48 giờ sau khi Quốc hội Anh bác bỏ thỏa thuận của Chính phủ Anh với Brussels về Brexit, Chính phủ Pháp đã khởi động kế hoạch đối phó với kịch bản nước Anh ra đi không thỏa thuận”.
Libération cho biết, Paris đã chuẩn bị 200 biện pháp ưu tiên, gồm các biện pháp liên quan đến các trạm kiểm tra biên giới, quyền của kiều dân Anh tại Pháp, giao thông vận tải, các hoạt động tài chính cho đến việc làm sao tiếp tục chuyển giao thiết bị quốc phòng giữa hai nước. Mục tiêu là bảo đảm trong từng lĩnh vực vẫn duy trì được tính liên tục tối thiểu bất chấp Brexit.
Liberation ghi nhận: “Nhiều nhà bình luận, giới chức có trách nhiệm ở hai bên bờ biển Manche đều liên tiếng về một tai họa. Người ta có thể dự đoán 1.000 tình huống rắc rối ở biên giới, vô số các phiền toái trong thủ tục hành chính, sự xáo trộn trong một số lĩnh vực như nghề đánh bắt cá, giá cả một số sản phẩm tiêu dùng liên quan đến tái lập thuế quan đảo lộn, kinh tế bị chậm lại do các doanh nghiệp từ một tháng nay trong tình trạng bất ổn…”. Bài viết nhận xét: "Tất cả những chuyện đó thật phi lý, nhưng về lâu dài Vương quốc Anh cũng như những nước khác bên ngoài vẫn phải giao thương với châu Âu."
Libération cho biết thêm có 3 lĩnh vực quan trọng sẽ bị tác động nhiều do Brexit. Trước tiên là lĩnh vực chế biến nông phẩm. Các nhà xuất khẩu Pháp lo sợ họ sẽ phải đón "bão". So với các lĩnh vực kinh tế khác, đây là ngành sẽ bị tổn hại nhiều nhất với Brexit không thỏa thuận. Sau Hà Lan, Pháp là nhà cung cấp lớn thứ hai cho Anh các mặt hàng nông phẩm với trị giá 5 ,9 tỷ euro/năm.
- Pháp sẵn sàng đương đầu với tình huống 'Brexit cứng'
- Vấn đề Brexit: Thủ tướng Theresa May tìm tiếng nói chung với các đảng phái khác
- Vấn đề Brexit: Thỏa thuận của Thủ tướng May vẫn có thể là cơ sở cho cuộc 'ly hôn' với EU
Ngành thứ hai phải hứng chịu nhiều tổn thất bởi Brexit là hàng không. Airbus đã phải chuẩn bị rút bỏ bớt các dự án hoạt động tại Anh từ đầu năm nay. Và tiếp đến là du lịch. Đây là ngành kinh tế mà từ vài năm gần đây Pháp chiếm đầu bảng. Nhưng Brexit không thỏa thuận có thể hãm lại tốc độ phát triển nhưng chắc chắn chính phủ Pháp sẽ phải có các quyết định về visa để tạo điều kiện cho khách Anh vẫn qua Pháp du lịch dễ dàng.
TTXVN
Tags