(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 4/9, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sẽ kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử sớm vào ngày 15/10 nếu các nghị sĩ Hạ viện Anh bỏ phiếu phản đối ông và thông qua luật buộc chính phủ đương nhiệm phải xin Liên minh châu Âu (EU) gia hạn Brexit thêm 3 tháng.
Trong một cuộc tranh cãi nảy lửa tại Hạ viện Anh, Thủ tướng Johnson cho rằng nếu lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn ủng hộ dự luật phản đối chiến lược Brexit của chính phủ đương nhiệm thì ông này cũng nên ủng hộ một cuộc bầu cử sớm để người dân được thể hiện quan điểm của họ. Ông Johnson khẳng định sẽ không bao giờ cho phép tiếp tục trì hoãn Brexit và gọi dự luật mới là "dự luật đầu hàng". Ông Johnson khẳng định việc chính phủ đương nhiệm kiên quyết đưa Anh sẽ rời EU dù có hay không có thỏa thuận vào ngày 31/10 tới sẽ dần dần buộc EU phải đồng ý thảo luận những điều khoản tốt hơn cho thỏa thuận Brexit.
Tuy nhiên, phe phản đối gọi chiến lược này là "chơi với lửa" vì việc đột ngột cắt đứt quan hệ với các đối tác từng gắn bó với Anh suốt hơn nửa thế kỷ qua sẽ gây ra những tác động kinh tế nguy hiểm. Trước đó, ngày 3/9, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu phản đối Brexit không thỏa thuận và tiếp tục bỏ phiếu trong ngày 4/9 để yêu cầu chính phủ gia hạn Brexit thêm 3 tháng nếu không đạt được thỏa thuận với EU trước ngày 19/10.
Hiện Chính phủ Anh vẫn đang kiên quyết thể hiện quan điểm cứng rắn đưa Anh rời EU bằng mọi giá vào ngày 31/10 nhằm gây sức ép để phía EU đồng ý trở lại đàm phán về thỏa thuận Brexit hai bên đã ký kết dưới thời cựu Thủ tướng Theresa May, đặc biệt là về số phận của điều khoản "chốt chặn". London mong muốn loại bỏ điều khoản này để thỏa thuận Brexit nhận được sự ủng hộ tại Anh trong khi EU quả quyết đây là phương án duy nhất đảm bảo một đường biên giới mở trên đảo Ireland. Anh đã cử một đội ngũ bao gồm các chuyên gia về hải quan và thuế quan tới Brussels để thảo luận về các phương án thay thế điều khoản này.
Cũng trong ngày 4/9, Ủy ban châu Âu (EC) công bố tài liệu về những khâu chuẩn bị cuối cùng cho Brexit không thỏa thuận. Brussels chưa nhận thấy có lựa chọn nào khác đảm bảo những yêu cầu của EU về việc bảo vệ Hiệp ước Ngày thứ Sáu tốt lành và thị trường chung châu Âu. Hiệp ước trên đã giúp chấm dứt cuộc xung đột bạo lực kéo dài 30 năm trên đảo Ireland bằng cách duy trì đường biên giới mở giữa Bắc Ireland (thuộc Anh) và CH Ireland cũng như ổn định tình hình tại khu vực này.
- Vấn đề Brexit: EU thống nhất lập trường về vụ 'ly hôn' với Anh
- Vấn đề Brexit: Chính phủ Anh chuẩn bị cho việc rời khỏi EU theo kế hoạch
- Brexit, nhiệm vụ không dễ dàng với Thủ tướng mới của Anh Boris Johnson
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn EC Mina Andreeva cho biết phía EU sẵn sàng tìm kiếm thỏa thuận nhưng đồng thời cũng triển khai công tác chuẩn bị cho Brexit không thỏa thuận. Bà khẳng định dù tình hình chính trị tại Anh có nhiều biến động nhưng phía EU vẫn duy trì quan điểm ổn định: sẵn sàng làm việc với Thủ tướng Johnson trên tinh thần xấy dựng và xem xét mọi đề xuất phù hợp với thỏa thuận Brexit mà hai bên đã ký kết hồi cuối năm 2018.
EC cũng cảnh báo sự hỗn loạn tại Anh khiến kịch bản Brexit không thỏa thuận càng rõ ràng hơn. Một phần trong kế hoạch khẩn cho Brexit không thỏa thuận, EC sẽ mở Quỹ đoàn kết EU để giảm thiểu những tác động kinh tế. Đây là cơ chế thường được dùng tới trong các trường hợp như ngập lụt, động đất và thảm họa thiên nhiên khác./.
Lê Ánh/ TTXVN
Tags