(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2013, chỉ 4 giờ trước lúc các máy bay chiến đấu Mỹ và Pháp cất cánh, khởi động chiến dịch tấn công Syria, Tổng thống Mỹ Barack Obama đột ngột thay đổi ý kiến.
- Nhìn lại toàn cảnh chiến dịch không kích Syria của Mỹ, Anh, Pháp
- Vụ tấn công Syria: Trung tâm nghiên cứu khoa học phủ nhận sở hữu vũ khí hóa học
- HĐBA LHQ không thông qua dự thảo nghị quyết của Nga lên án tấn công Syria
Sau khi nhận được thông tin lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Asad bị tình nghi giết hại hơn 1.300 người dân Syria trong một vụ tấn công nghi ngờ sử dụng vũ khí hóa học, điều mà được coi là vượt qua “giới hạn đỏ” mà Tổng thống Obama đã đề ra, lãnh đạo Nhà Trắng đã cân nhắc triển khai một cuộc không kích nhằm vào quốc gia Trung Đông này.
Tuy nhiên, trong buổi đi dạo vườn Nhà Trắng với Chánh Văn phòng Denis McDonough ngày 31/8/2013, Tổng thống Obama có quyết định bất ngờ, tạm hoãn cuộc tấn công và nhất trí chờ Quốc hội bỏ phiếu thông qua trước khi tiến hành không kích. Tổng thống Obama cho biết ông phải nghe các thành viên trong Quốc hội bày tỏ mong muốn, tiếng nói của mình và được chấp thuận thực hiện vụ tấn công.
Trong thời điểm đó, Tổng thống Obama khẳng định việc trì hoãn tấn công không mang lại bất kỳ hậu quả nào về mặt chiến lược. Cố vấn an ninh cấp cao của ông giải thích cuộc tấn công “dù cho là tiến hành ngày mai, tuần sau hay tháng sau đều hiệu quả”.
Nhà Trắng gửi dự thảo đề xuất tới các ban lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện, đề nghị cho phép hành động để ngăn chặn mối đe dọa vũ khí hóa học của Syria. Bản dự thảo còn nhấn mạnh chính quyền Mỹ không có ý định dấn thân thêm sâu vào cuộc nội chiến Syria đang ngày một mở rộng hơn.
Bước đi này thực sự là một canh bạc chính trị lớn cho Tổng thống Obama. Không có gì đảm bảo Quốc hội sẽ thông qua phương án quân sự và Tổng thống Obama cũng không khẳng định sẽ ra lệnh tấn công bất chấp việc Quốc hội có đồng ý hay không. Nếu như không được Quốc hội thông qua, đó sẽ là một cú giáng mạnh đối với chính quyền Tổng thống Obama. Một số nhà quan sát chính trị cho rằng điều này có thể khiến uy tín của của người đứng đầu đất nước giảm rõ rệt trong việc tự ra quyết định độc lập đối với các hành động quân sự. Một tâm lý chung nổi lên là ông Obama không còn đủ tự tin trong việc tự mình giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.
Kết quả “chuyền bóng” cho Quốc hội để tấn công Syria đã không xảy ra. Trong khoảng thời gian chờ Quốc hội Mỹ lên kế hoạch bỏ phiếu, Mỹ và Nga đã đạt được những thỏa thuận đầu tiên về việc đặt ra hạn chót giao nộp vũ khí hóa học ở Syria vào tháng 11 năm đó.
Tổng thống Obama tin rằng với cương vị là tổng thống, ông có quyền ra lệnh tấn công song ông vẫn cần sự ủng hộ dân chủ và muốn tìm được sự cho phép từ những người đại diện dân Mỹ trong Quốc hội.
Quyết định đảo ngược của Tổng thống Obama là kết quả sau lần đi dạo với Chánh Văn phòng McDonough. Theo tác giả Glenn Thrush viết bài trên tạp chí Politico, Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chuck Hagel và Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice đều không được Tổng thống Obama hỏi tư vấn.
Tác giả Thrush cho rằng ngay từ đầu Tổng thống Obama chưa bao giờ có ý định lật đổ ông Assad. Bị ám ảnh bởi cuộc chiến tranh Iraq và chiến dịch thảm khốc tại Libya, Tổng thống Obama luôn không tỏ ý dứt khoát với mục tiêu hạ bệ người đồng cấp Syria.
Cả Tổng thống Obama và Chánh Văn phòng McDonough đều “dị ứng” với việc can thiệp quân sự. Thậm chí trước khi cuộc bỏ phiếu về kế hoạch tấn công Syria diễn ra tại Quốc hội Mỹ, ông McDonough thừa nhận chính quyền của Tổng thống Obama vẫn chưa có bằng chứng "không thể chối bỏ" về cuộc tấn công hóa học mà lực lượng Syria bị cáo buộc đứng đằng sau.
TTXVN
Tags