(Thethaovanhoa.vn) - Người dùng Facebook dường như không vì bê bối rò rỉ thông tin mà sẽ thay đổi thói quen sử dụng của mình.
- Sau 5 ngày im lặng, tỷ phú Mark Zuckerberg thừa nhận sai lầm trong vụ bê bối của Facebook
- Làm thế nào để biết Facebook của mình đang bên thứ 3 tiếp cận?
- Tại sao tỷ phú Zuckerberg 'biến mất' khó hiểu giữa lúc bê bối bủa vây Facebook?
Facebook hiện đang trong tâm bão của một vụ bê bối nghiêm trọng. “Ông lớn” mạng xã hội đã phải hứng chịu chỉ trích trước tiết lộ để rò rỉ dữ liệu của 50 triệu người Mỹ sử dụng Facebook cho bên thứ ba – công ty nghiên cứu dữ liệu Cambridge Analytica.
Vấn đề ở chỗ phần lớn những người sử dụng Facebook đó không biết thông tin của mình bị đưa cho công ty Cambridge Analytica. Thay vào đó, công ty này đã trả một khoản để mua lại thông tin với mục đích dành cho nghiên cứu học thuật.
Đây là vấn đề nghiêm trong đến mức người sáng lập kiêm CEO Facebook ông Mark Zuckerberg và Giám đốc điều hành bà Sheryl Sandberg có thể bị triệu tập và điều trần trước Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên dường như người sử dụng Facebook không mấy quan tâm.
Facebook trở thành một tiện ích
“Chúng ta đang đạt tới ngưỡng mà những công ty lớn như Google, Facebook, Apple, Amazon…, chúng ta sử dụng chúng như những tiện ích. Chúng trở thành một phần trong cuộc sống hiện tại”, nhà phân tích công nghiệp Omar Akhtar giải thích.
Facebook hiện đang có 2,13 tỷ người dùng hàng tháng, với 1,4 tỷ trong số đó dùng Facebook hàng ngày. Điều đó có nghĩa là họ đăng nhập tài khoản ít nhất 1 ngày 1 lần để tương tác với người thân, bạn bè. Đó thực sự là một con số khủng khi xét về lượng người sử dụng mạng xã hội.
Hơn thế nữa, mặt bằng người sử dụng Facebook tiếp tục tăng. Theo báo cáo doanh thu quý 4/2017, lượng người sử dụng Facebook hàng ngày tăng 2,18% so với quý trước, mặc cho mọi tranh cãi xung quanh thông tin phát tán tin tức giả mạo, Nga can thiệp bầu cử Mỹ và chiến dịch Brexit ở Anh.
Nói cách khác, những vụ bê bối kể trên dường như không nhận được mấy sự quan tâm của người dùng Facebook thông thường.
Tất nhiên cổ phiếu có giảm 6,77% khi đóng cửa sàn giao dịch vào hôm 19/3, thời điểm thông tin bê bối bị tiết lộ, nhưng thực sự có bao nhiêu người lúc đó đã đọc tin tức và có khi đọc nó trên Facebook? Dường như tiết lộ nghiêm trọng trên về công ty dữ liệu Cambridge Analytica chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và các nhà quảng cáo.
Như nhà phân tích Akhtar giải thích, Facebook đã đạt tới thời điểm mà người bình thường sẽ dừng sử dụng nó khi không còn cung cấp đủ tiện ích thay vì dừng sử dụng do bê bối xoay quanh công ty.
Ví dụ cụ thể cho trường hợp giống Facebook là Uber. Mặc cho mọi bê bối bao gồm sự ra đi của người sáng lập Travis Kalanick hay tới cuộc chiến pháp lý với ông lớn Google, doanh thu theo quý của Uber vẫn tăng đến 61%. Và thậm chí, với tin tức mới nhất là xe tự lái thử nghiệm của hãng này đã gây ra tai nạn, khiến một người đi đường thiệt mạng, thói quen sử dụng Uber dường như cũng khó thay đổi.
Theo Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Tags