Vì sao Iran như 'ngồi trên đống lửa' trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên?

Thứ Sáu, 20/04/2018 16:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 8/3, Nhà Trắng tuyên bố Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chấp nhận lời mời của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un về việc tổ chức đối thoại giữa hai nước, tạo nên phản ứng quốc tế đa chiều. Iran dường như dành sự quan tâm đặc biệt và theo dõi sát sao sự kiện này.

Nhiều quốc gia đã hoan nghênh, cho đây là bước đi đầu tiên hướng tới việc ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân tiềm tàng giữa Mỹ và Triều Tiên. Tuy nhiên, một số nước khác vẫn giữ thái độ nghi ngờ và đặt câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc gặp kết thúc mà không đạt được kết quả mang tính bước ngoặt.

Iran dường như nằm trong số các quốc gia không quá mặn mà với tin này, nhất là khi một thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên có thể có tác động xấu cho Tehran. Bài viết đăng tải trên tờ Al-Monitor ngày 16/4 giải thích vì sao Iran theo dõi sát sao cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên dự kiến diễn ra trong tháng 5 hoặc đầu tháng 6.

Chú thích ảnh
Quốc kỳ của Iran tại một quảng trường ở thủ đô Tehran. Ảnh: Reuters

Đầu tiên và quan trọng nhất đó là Iran lo ngại về tương lai của Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA). Thậm chí nếu thỏa thuận về hạt nhân này được các bên tuân thủ tới thời hạn ngày 12/5 tới đây để Tổng thống Mỹ Donald Trump ký các biện pháp nới lỏng trừng phạt thì đối thoại thành công giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn gia tăng mối đe dọa đối với JCPOA.

Giả định đưa ra là trong trường hợp các cuộc đàm phán thành công, Tổng thống Mỹ Trump dường như sẽ tự hào rằng ông là một nhà đàm phán giỏi hơn người tiền nhiệm của mình là cựu Tổng thống Barack Obama, chính vì vậy mà ông chủ Nhà Trắng thứ 45 của nước Mỹ có thể hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran và thay vào đó là bảo vệ thỏa thuận tiềm năng với Triều Tiên của chính ông.

Nhưng đây không phải là vấn đề duy nhất mà Iran quan tâm. Trong toàn văn Thông điệp Liên bang nổi tiếng được đọc ngày 29/01/2002, Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush đã miêu tả Iran, Triều Tiên và Iraq như là một "trục ma quỷ".

Tương tự, trong khi cộng đồng quốc tế có thể coi Triều Tiên là mối đe dọa toàn cầu lớn nhất bởi nước này sở hữu vũ khí hạt nhân thì ông Trump lại nỗ lực tìm cách đặc điểm hóa Iran như mối đe dọa đáng lo ngại ở cùng cấp độ đối với hòa bình thế giới. Điều này bắt nguồn từ việc Tổng thống Trump theo đuổi cùng một học thuyết và chiến lược giống như chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush. Chính vì vậy, Iran lo ngại rằng khi Mỹ và Triều Tiên đạt được bước đi đột phá, Washington sẽ "chĩa mũi dùi" về phía Tehran.

Chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại Azizollah Hatamzadeh cho biết: “Iran không ủng hộ thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên bởi hai lý do. Nếu hai nước này đạt được một thỏa thuận, cuộc đối đầu với Iran sẽ trở thành trọng tâm của chính quyền Donald Trump. Quan hệ Mỹ-Triều Tiên càng bình thường hóa thì nó càng ảnh hưởng lớn tới quan hệ đối tác và hợp tác của Iran với Triều Tiên. Nếu Triều Tiên muốn thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa, nước này phải thay đổi cách thức hành động và sẽ không còn đấu tranh chống lại Mỹ giống như Iran đang tiến hành. Bởi vậy Iran sẽ đơn độc trên con đường này”.

Chú thích ảnh
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (ngoài cùng bên trái), Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Getty Images

Trong khi đó, các quan chức Iran vẫn chưa đưa ra phản ứng với đàm phán tiềm năng giữa Mỹ và Triều Tiên. Điều này có thể được đánh giá từ hai góc độ. Họ có thể không thấy lý do hoặc thận trọng khi bình luận về tình huống hoặc họ có thể đơn giản là không quá lạc quan về kết quả của nó.

Cựu quan chức ngoại giao cao cấp Iran Nosratollah Tajik chia sẻ với tạp chí Al-Monitor: “Xem xét chính sách của ông Trump và các khẩu hiệu về chủ nghĩa đơn phương cùng thông điệp “Nước Mỹ trước tiên”, có thể thấy một điều là trong nhiệm kỳ của vị Tổng thống này, nước Mỹ sẽ không đạt được bất kỳ thỏa thuận quan trọng với các tổ chức quốc tế hoặc các nước khác, cho phép một mình nước Mỹ đạt được thoả thuận quan trọng, giải quyết vấn đề nhạy cảm và chiến lược với một trong những quốc gia phức tạp nhất trên thế giới (Triều Tiên)".

"Mặt khác, không nên quên rằng vấn đề Triều Tiên đã có trở thành một cuộc khủng hoảng phức tạp toàn cầu, việc giải quyết, nếu có thể, sẽ đòi hỏi thực hiện một lộ trình dài lâu. Vai trò của các nước lớn trong khu vực như Trung Quốc cũng cần được tính đến khi tìm kiếm các giải pháp. Do đó, ý chí của hai bên là không đủ để đạt được một thỏa thuận”, ông Tajik cho hay.

Theo nội dung thỏa thuận giữa các bên, ngày 12/5, là thời điểm mà ông Trump phải gia hạn nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Hiện tại, quan điểm chung ở Tehran là điều này không có khả năng xảy ra. Nếu việc nới lỏng được gia hạn, tất cả những suy đoán về tác động tiêu cực tiềm tàng của cuộc đàm phán Mỹ-Triều Tiên đối với JCPOA có thể sẽ kết thúc.

Thay vào đó, điều hoàn toàn ngược lại có thể xảy ra, cụ thể là việc Mỹ rút khỏi JCPOA có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các cuộc đàm phán với Triều Tiên. Nói cách khác, sau vụ việc, Triều Tiên có lẽ sẽ không đặt niềm tin vào Mỹ vì đã chứng kiến sự khởi đầu từ JCPOA do thiếu các cam kết đảm bảo thực thi các thỏa thuận từ phía Mỹ.

Với quan điểm trên, chuyên gia Tajik cho biết thêm: “Việc ông Trump duy trì thực thi JCPOA theo cách hiện thời không có nhiều lợi ích cho Iran. Với một thanh gươm của Damocles liên tục duy trì áp lực vào với nền kinh tế Iran sẽ không hữu ích cho chúng ta. Đồng thời, việc giải quyết các vấn đề giữa Mỹ và Triều Tiên rõ ràng sẽ để ngỏ cánh cửa cho các biện pháp chống lại Iran trong tương lai”.

Nhưng không phải người Iran nào cũng có cùng quan điểm này. Nhà kinh tế học nổi tiếng, chuyên gia phân tích chính trị Saeed Laylaz khẳng định với tờ Al-Monitor: “Theo tôi, Iran không phải là ưu tiên của chính quyền Donald Trump. Tổng thống Mỹ đã đặt ưu tiên là Trung Quốc. Giải quyết mối quan hệ với Triều Tiên phù hợp với khuôn khổ áp đặt áp lực mạnh mẽ lên Bắc Kinh. Tất nhiên, một nhóm người xung quanh ông Trump đang cố gắng đưa Iran đi đầu. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng cơ sở của quan điểm của Trump là nền kinh tế. Ông không tin vào chính sách đối ngoại hay hiểu nó".

Mặc dù không có thông tin chính xác ngày giờ Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ gặp nhau, nhưng truyền thông đều nhận định các hoạt động chuẩn bị sơ bộ đang được triển khai. Như vậy, chúng ta chỉ có thể chờ đợi và xem liệu cuộc đối thoại này có diễn ra không và nếu có thì nó sẽ tác động gì đối với khu vực, thậm chí trên phạm vi quốc tế.

Mới đây nhất, Nhà Trắng cho biết Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ (CIA) Mike Pompeo trong dịp Lễ Phục sinh đầu tháng 4 vừa qua đã bí mật tới Triều Tiên và gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Theo nguồn tin trên, cuộc gặp được đánh giá là hiệu quả. Như vậy, dường như Mỹ và Triều Tiên đang hoàn tất các khâu chuẩn bị cuối cùng cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Kim Jong-un

TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›