(Thethaovanhoa.vn) -Tàu ngầm hạt nhân Severodvinsk của hạm đội Biển Bắc Nga đã hạ mục tiêu giả định trong cuộc tập trận duyên hải bằng tên lửa hành trình Kalibr.
Ngày 30/4, Người phát ngôn Hạm đội Biển Bắc thuộc Hải quân Nga, ông Vadim Serga đã xác nhận về cuộc phóng tên lửa này.
Ông Serga nói: "Các thành viên thủy thủ đoàn của tàu ngầm hạt nhân đa năng mới nhất Severodvinsk (dự án 885) thuộc Hạm đội Biển Bắc đã phóng thành công tên lửa hành trình Kalibr từ Biển Barents nhắm tới mục tiêu định trước trên thao trường Chizha ở khu vực Arkhangelsk. Tên lửa đã tấn công mục tiêu với độ chính xác cao".
Được biết, trong vài ngày, các thủy thủ sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh trên biển và trước sự kiện kỷ niệm Ngày Chiến thắng, tàu ngầm sẽ trở về nơi đồn trú.
Còn nhớ, ngày 7/10/2015, tên lửa hành trình "Kalibr" của Nga phóng từ biển Caspi đã giáng đòn sấm sét vào các vị trí cứ điểm của IS ở tận Syria. Tất cả các mục tiêu nhắm bắn đều bị triệt hạ. Sai số chính xác của đòn đánh tầm xa như vậy chỉ chưa đầy 3 mét.
Đòn tấn công bất ngờ và vượt mức tưởng tượng đã làm tên lửa "Kalibr" trở nên nổi tiếng lẫy lừng vì tầm bắn xa và hiệu suất hoạt động.
Tên lửa Kalibr tấn công IS hôm 7/10/2015
Trước đó có thông báo rằng tầm bay xa của "Kalibr" là 300 km. Hoạt động quân sự ngày 7 tháng Mười đã phô trương rằng "Kalibr" đủ sức vượt qua cả ngàn rưởi cây số.
Mà đó còn chưa phải là giới hạn cuối cùng. Theo thông báo của một trong những vị lãnh đạo từ Bộ Tổng tham mưu Hải quân Nga, Chuẩn Đô đốc Viktor Kochemazov, tên lửa từ căn cứ trên biển "Kalibr" có khả năng diệt mục tiêu ở khoảng cách lên đến 2.000 km.
Chuẩn Đô đốc Sergei Alekminsky, chỉ huy đội tàu Caspi có những con tàu đã phóng tên lửa vào ngày 7/10/2015 thì nêu ra con số 2.600 km. Thế nhưng các chuyên gia quân sự giả thiết rằng phạm vi hoạt động của "Kalibr" có thể đạt đến 4.000 km.
Một đặc điểm ưu việt của tên lửa "Kalibr", hoặc gọi khác đi là "Klab" là thích hợp để lắp đặt cho cả tàu ngầm và tàu nổi. Hơn thế nữa, các tên lửa này có thể sử dụng cả với chiến đấu cơ đa mục tiêu Su-35 và MiG-35.
Tên lửa "Klab" bay ở độ cao 50 mét, sát theo những đỉnh cao trên địa hình, do đó nó gần như vô hình trước radar. Khi tiếp cận mục tiêu đầu đạn chứa 400 kg thuốc nổ sẽ tách ra từ động cơ chính và tăng tốc đến vượt hơn ba lần so với vận tốc âm thanh. Đầu đạn tiếp cận mục tiêu ở tốc độ hơn 1km/s ở độ cao 5-10 mét, khiến cho nó trở thành bất khả xâm phạm đối với các hệ thống chống tên lửa của đối phương.
Chỉ huy lực lượng phòng thủ Không quân-Vũ trụ của Hoa Kỳ, Đô đốc Bill Gortney mới đây thông báo rằng radar của Mỹ có khả năng theo dõi chuyển động trên mặt đất của những con tuần lộc mà ông già Noel Santa-Claus thường cưỡi mỗi năm vào đêm Giáng sinh.
Thế mà hóa ra là dàn radar tinh nhạy này của người Mỹ đã không thể phát hiện tên lửa Nga, khiến cho sự kiện phóng "Kalibr" ngày 7/10/2015 thực sự gây cú sốc cho các chuyên viên quân sự Hoa Kỳ.
Theo baotintuc.vn/Sputnik/RT