Trong hai ngày 13-14/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, Đại Hội đồng Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị cấp cao Kiểm điểm thực hiện Chương trình Hành động toàn cầu phòng chống buôn người .
Phóng viên TTXVN tại LHQ cho biết tham dự hội nghị năm nay có đại diện cấp cao của nhiều nước thành viên LHQ. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, Chủ tịch ĐHĐ LHQ Vuk Jeremic và Giám đốc điều hành Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm LHQ (UNODC) đã phát biểu khai mạc Hội nghị.
Nhiều phát biểu của đại diện cấp cao các nước thành viên LHQ cùng bày tỏ chung nỗi lo ngại trước tình hình buôn người, đặc biệt là mua bán trẻ em, ngày càng gia tăng và nghiêm trọng mặc dù mức độ của vấn đề chưa được đánh giá đúng do khó khăn trong việc thu thập thông tin; Đánh giá cao mục đích ý nghĩa của Chương trình Hành động toàn cầu về phòng chống buôn người trong việc nâng cao nhận thức và tăng cường hợp tác giữa các nước trong việc này; Nhấn mạnh một số thành tựu ở cấp quốc gia trong việc ngăn chặn nạn buôn người, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân và xử lý tội phạm qua 2 năm thực hiện Chương trình Hành động. Đại diện cấp cao của các nước cũng nhấn mạnh chính phủ các nước cần đề ra nhiều biện pháp giải quyết tình trạng nghèo đói, thất nghiệp, phân biệt, kỳ thị..., là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn người; Kêu gọi tăng cường hợp tác giữa các nước, các chính phủ với các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân trong việc phòng chống buôn người hiệu quả.
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, chia sẻ mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, ủng hộ Chương trình toàn cầu... đồng thời khẳng định phòng chống buôn người một cách toàn diện là chính sách thường xuyên và ưu tiên của Chính phủ Việt Nam được thể hiện qua hàng loạt văn bản luật pháp, chính sách, chương trình hành động quốc gia trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam là một trong những nước đạt tỷ lệ truy tố và kết án các đối tượng phạm tội trong lĩnh vực này cao nhất trên thế giới theo đánh giá của UNDOC.
Chính phủ Việt Nam coi trọng hợp tác quốc tế, phê chuẩn Công ước LHQ về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và tham gia Nghị định thư ngăn ngừa, trấn áp và trừng trị tội buôn người, tích cực tham gia nhiều sáng kiến và tiến trình khu vực và quốc tế, các thỏa thuận song phương về phòng chống buôn người. Luật pháp và chính sách của Việt Nam phù hợp với Chương trình hành động toàn cầu và các công ước mà Việt Nam tham gia về phòng chống buôn người. Chính phủ và các tổ chức của Việt Nam đã hợp tác hiệu quả với UNODC và các tổ chức chính phủ cũng như phi chính phủ trên lĩnh vực này.
Đại sứ Lê Hoài Trung cũng đề cập các biện pháp giải quyết các khó khăn kinh tế xã hội-nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn người. Đại sứ cho rằng để giải quyết hiệu quả vấn đề này, các chính phủ cần có các biện pháp giải quyết tình trạng bất bình đẳng kinh tế và xã hội. Đại sứ tái khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm nỗ lực xóa bỏ nạn buôn người trên thế giới
TTXVN