Việt Nam là nước giàu thế mạnh về biển trên thế giới

Thứ Năm, 13/12/2012 07:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Trong 2 ngày 12 và 13/12, tại Đà Nẵng diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia Hợp tác biển Đông - lịch sử và triển vọng. Hội thảo tạo cơ sở để hình thành mạng lưới nghiên cứu, hướng tới xây dựng chương trình hợp tác nghiên cứu về Biển Đông trong khu vực và thế giới.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông của Việt Nam, với gần 60 báo cáo khoa học, nghiên cứu chuyên sâu, mang tính thời sự cao.

Lịch sử Trung Quốc: Tâm lý “bỏ rơi biển”

PGS-TS Trần Ngọc Vượng và ThS Trịnh Văn Định với nghiên cứu: “Biển Đông từ địa văn hóa đến địa chính trị - Nghiên cứu trường hợp Trung Quốc” đưa ra những bằng chứng thuyết phục rằng: từ xưa, Trung Quốc hoàn toàn không quan tâm đến biển. PGS Trần Ngọc Vượng nói: “Hơn 90 % người Trung Quốc thuộc Hán tộc và có tới hơn 1 nửa người Hán là người Bách Việt. Hệ tư tưởng để kiến tạo nên đế chế của Trung Quốc là hệ tư tưởng lục địa, là sự kết hợp giữa Nho giáo và Pháp giáo. Từ giữa thế kỷ 15 trở về trước, Trung Quốc luôn có tâm lý hướng nội, nói nôm na là bỏ rơi biển”.

Các nhà nghiên cứu trong hội thảo “Hợp tác biển Đông - lịch sử và triển vọng”

Bằng việc dẫn chứng những tài liệu do chính người Trung Quốc viết, PGS Vương khẳng định: “Trong lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ là cường quốc biển”. Mặt khác, chỉ với khoảng 18.000 km đường biển so với tổng diện tích 9,5 triệu km² là quá nhỏ bé. Việt Nam dù có diện tích nhỏ hơn Trung Quốc gần 30 lần nhưng có đường biển dài 3.260km, là 1 trong 11 cường quốc biển trên thế giới.

Mới đây, ông Trần Thắng (Việt kiều Mỹ) tìm được 3 sách toàn đồ (atlas) và 150 bản đồ (110 bản đồ gốc và 40 bản in lại) khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng nghĩa với việc hai quần đảo này không thuộc về Trung Quốc. Có thể thấy “Việc tranh chấp của Trung Quốc trên biển Đông là đang đi ngược lại, mâu thuẫn với chính nền tảng lịch sử văn hóa truyền thống mà người Trung Quốc luôn tự hào”, PGS-TS Trần Ngọc Vượng nói.

Tham vọng mới của Trung Quốc

PGS-TS Trần Ngọc Vượng chỉ ra rằng: “Trung Quốc muốn trở thành cường quốc thì phải đặt yếu tố biển lên đầu tiên trong chiến lược. Nhưng bây giờ mới nhận ra điều này thì đã quá muộn màng”.

TSKH Lương Văn Kế trong tham luận “Lợi ích địa chiến lược của các cường quốc ở Biển Đông” trình bày cụ thể mục đích việc Trung Quốc tranh chấp trên biển Đông: “Trung Quốc mưu đồ chốt chặn mặt tiền của Việt Nam hướng ra thế giới. Bên cạnh đó, ngăn chặn việc tự do đi lại của các tàu thuyền quốc tế trên biển; chặn đường hướng ra Thái Bình Dương của Ấn Độ, ngăn chặn sự phát triển hải quân của Nhật Bản và Hàn Quốc… Tất cả những mục đích trên đều hướng tới lợi ích chiến lược của Trung Quốc là “mở lối ra đại dương xanh”.

TS Đinh Thị Thanh Hoa trong bài “Nhìn lại những động thái của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông” đã chỉ ra rằng: “Trung Quốc muốn kiểm soát Biển Đông, biến khu vực này thành “ao nhà”. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của Biển  Đông trong tương lai, cũng như tầm quan trọng của vùng biển này trong chiến lược cường quốc của Trung Quốc”.

Trong khi đó, PGS-TS Võ Văn Sen khẳng định: “Việt Nam trước sau như một khẳng định giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình”.

Hiếu Nguyên
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›