Vũ khí nào đã “bẻ gãy” tàu chiến Hàn Quốc?

Thứ Tư, 28/04/2010 10:40 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Tae Young vừa cho biết rằng, ngư lôi có “nhiều khả năng” là nguyên nhân gây chìm tàu chiến Cheonan tại Hoàng Hải. Mặc dù không trực tiếp cáo buộc thủ phạm, tuyên bố của ông Kim đã khiến dư luận chú ý tới kho ngư lôi hạng nặng của nước láng giềng.

Bong bóng phản lực

Con tàu Cheonan, tải trọng 12.000 tấn, đã chìm sau khi vỡ đôi trong một vụ nổ bí ẩn tại Hoàng Hải vào ngày 26/3, khiến 40 thủy thủ thiệt mạng và 6 người vẫn còn đang mất tích. Sau một thời gian im lặng, giới chức Hàn Quốc cuối cùng đã lên tiếng. “Bong bóng phản lực , tạo ra từ một vụ tấn công sử dụng ngư lôi hạng nặng, có nhiều khả năng là nguyên nhân gây chìm tàu” - Bộ trưởng Quốc phòng Kim Tae Young tuyên bố trước báo giới dù khẳng định cơ quan điều tra vẫn tiếp tục xem xét nhiều yếu tố khác trong vụ chìm tàu này. Đây không phải là lần đầu tiên ông Kim đề cập tới giả thuyết tàu Cheonan bị tấn công. Chỉ vài ngày sau khi xảy ra vụ việc, ông từng nói rằng một quả mìn hoặc ngư lôi có thể là thủ phạm làm chìm tàu. Tuy nhiên ngay sau đó Seoul đã loại bỏ các phỏng đoán như vậy và kiềm chế việc đổ trách nhiệm cho Bình Nhưỡng.


Theo báo Hàn Quốc, 2 tàu ngầm lớp Cá mập của CHDCND Triều Tiên
đã không có mặt tại căn cứ vào thời điểm Cheonan bị chìm

Tuyên bố của ông Kim được đưa ra ngay sau khi ủy ban điều tra quốc tế, với nhiều chuyên gia Mỹ và Australia, đang xem xét vụ nổ tàu Cheonan, công bố các kết quả đầu tiên. Dựa vào phần đuôi và mũi tàu được trục vớt lên, người ta thấy rằng Cheonan đã trúng phải lực tác động tới từ một vụ nổ ở khoảng cách rất gần.

Theo nhóm điều tra cho biết, một phần vỏ tàu dài 3,2m ở phía dưới mạn trái và một phần vỏ dài 9,9m ở phần trên mạn phải đã biến mất. Phần vỏ xung quanh khu vực các điểm đứt vỡ bị cong theo hướng ngược lên trời. Những dấu vết này cho thấy vụ nổ đã bắt đầu ở dưới mạn trái tàu và xuyên lên phần trên của mạn phải.

“Khả năng xảy ra một vụ nổ không tiếp xúc dưới lòng nước lớn hơn nhiều việc xảy ra một vụ nổ có tiếp xúc. Chúng tôi có thể thấy điều này dựa trên hình dáng và tình trạng của các bề mặt bị đứt” - Yoon Duk Yong, đồng Chủ tịch ủy ban điều tra quốc tế, nói.

Đội điều tra đã bác bỏ khả năng nguyên nhân nổ từ bên trong do không có tổn hại nào xảy ra ở kho chứa đạn dược hoặc nhiên liệu của tàu. Các đường dây điện bên trong tàu vẫn ở tình trạng tốt và hoàn toàn không có dấu hiệu cháy bên trong. Không có bất kỳ vết xước nào nơi đáy tàu, trong khi phần chứa hệ thống radar đáy biển (sonar) vẫn ở tình trạng tốt, cho thấy con tàu không hề mắc cạn. Ngoài ra, bề mặt lởm chởm và rách vụn của khu vực tàu vỡ khiến các nhà điều tra bác bỏ nguyên nhân kết cấu tàu hư hỏng.


Ngư lôi hạng nặng

Với nhận định vụ nổ do ngư lôi gây ra, tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc lập tức cho rằng CHDCND Triều Tiên có thể đã đứng sau kết cục bi thảm của tàu Cheonan. Tờ báo này dẫn nguồn giới chuyên gia quân sự cho biết CHDCND Triều Tiên hiện sở hữu 4 loại ngư lôi hạng nặng gồm Yu-3G, ET-80A, TYPE 53-59 và TYPE 53-56.

Nếu ngư lôi của CHDCND Triều Tiên là thủ phạm, rất có thể đây là loại Yu- 3G. Được phát triển tại Trung Quốc vào giữa những năm 1980, Yu-3G là dạng ngư lôi dò tìm âm thanh bị động. Loại ngư lôi này tấn công bằng cách lần theo tiếng động của chân vịt tàu hoặc đường rẽ nước, do một con tàu đang di chuyển tạo ra, để tấn công. Các chuyên gia tin rằng nếu sử dụng Yu-3G, CHDCND Triều Tiên có thể đã trang bị cho loại ngư lôi này một thứ kíp nổ mới, giúp nó phát nổ ngay khi tiếp xúc với từ trường do chiếc tàu mục tiêu tạo ra. Khu vực nằm dưới phòng chứa động cơ của Cheonan được cho là nơi vụ nổ xảy ra. Đây là bộ phận phát ra từ trường mạnh nhất trên con tàu. Và cần biết rằng khi được trang bị với đầu đạn 200kg thuốc nổ, ngư lôi Yu-3G, có tầm bắn khoảng 12km, đủ sức để cắt đôi một tàu chiến như Cheonan.

Một loại ngư lôi khác cũng có khả năng khiến Cheonan gãy làm hai là ET-80A. Được thiết kế để có khả năng dò âm bị động như Yu-3G, ET-80A khác ở chỗ tầm bắn của nó ngắn hơn, chỉ khoảng 7,3km. Các ngư lôi TYPE 53-59 và TYPE 53-56 không có nhiều khả năng là thủ phạm. Được phát triển tại Liên Xô (cũ) và xuất khẩu sang Trung Quốc, CHDCND Triêu Tiên, đây la các loai ngư lôi bắn thẳng, không có khả năng dò tìm mục tiêu.

Đội điều tra hiện đang tập trung theo hướng tìm các mảnh vỡ ngư lôi. Cho tới nay quân đội Hàn Quốc đã thu thập được 330 mảnh vỡ từ hiện trường vụ đắm tàu và phân tích kỹ các mẫu này. Tuy nhiên, họ chưa tìm thấy bất kỳ một mảnh mìn hoặc ngư lôi nào.

Theo giới phân tích, ngay cả khi Hàn Quốc tìm thấy mảnh ngư lôi, nước này cũng sẽ khó có thể đổ trách nhiệm cho CHDCND Triều Tiên. Lý do là phần lớn số ngư lôi của quân đội CHDCND Triều Tiên đều được sản xuất tại Trung Quốc hoặc Liên Xô (cũ). Bản thân Hàn Quốc vẫn chưa nắm được bất kỳ chứng cứ thuyết phục nào có thể chỉ ra sự liên quan của CHDCND Triều Tiên. Những nghi ngờ lớn nhất hiện nay chỉ là vào thời điểm Cheonan bị chìm, 2 tàu ngầm lớp Cá mập của CHDCND Triều Tiên đã biến mất bí ẩn khỏi căn cứ chứa chúng tại vịnh Bipagot, cách nơi tàu đắm khoảng 80km.

Tường Linh

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›