|
Người phát ngôn Bộ Giao thông Indonesia cho biết Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia (KNKT) đang kiểm tra chiếc Boeing 737 mang số hiệu JT 960 bị tai nạn. Hộp đen trên buồng lái máy bay đã được tháo gỡ, song các thợ lặn đang tìm kiếm chiếc hộp đen thứ hai nằm ở đuôi máy bay. KNTK cũng đã lên kế hoạch kéo máy bay lên bờ.
Theo Tổng giám đốc Lion Air, Edward Sirait, chiếc máy bay này đã hạ cánh an toàn ở hai thành phố khác cùng ngày trước khi xảy ra tai nạn. Lion Air cũng có kế hoạch hút nhiên liệu còn lại từ trên máy bay để tránh gây ô nhiễm các rạn san hô ở Bali, một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở châu Á, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.
Cơ quan chức năng Indonesia cho rằng còn quá sớm để nói về nguyên nhân của vụ tai nạn, đồng thời cho biết cơ trưởng người Indonesia có trên 10.000 giờ bay và phi công phụ người Ấn Độ có trên 2.000 giờ bay, hiện phải cấm trại trong hai tuần để thực hiện các cuộc kiểm tra sức khỏe và trả lời thẩm vấn của các nhà điều tra. Cơ trưởng cho biết ở độ cao đó máy bay như đang bay qua một bức tường nước, nên ông đã quyết định hủy hạ cánh và dự định bay vòng để chờ điều kiện thuận lợi hơn, song máy bay bị gió kéo xuống. Còn theo phi công phụ, lúc máy bay chuẩn bị hạ cánh có một máy bay của hãng hàng không quốc gia Garuda chuẩn bị cất cánh, và khi máy bay hạ thấp độ cao thì gặp mưa lớn không nhìn thấy đường băng qua kính chắn gió.
Theo Cục trưởng Vận tải hàng không, Bộ giao thông Indonesia, Herry Bakti Gumay, các xét nghiệm không thấy có ma túy hoặc rượu trong cơ thể của các phi công, cũng như không có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào có thể gây ra tai nạn. Tuy nhiên, nhà phân tích hàng không Indonesia, Ruth Simatupang, một điều tra viên thuộc KNKT không loại trừ khả năng sai lầm của phi công, bởi nếu tính toán cắt gió sai cũng có thể dẫn đến hạ cánh không ổn định.
Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ thông báo đã gửi một nhóm nhà điều tra để hỗ trợ các đồng nghiệp Indonesia, bao gồm các cố vấn từ Cục Hàng không liên bang và hãng Boeing.
Được thành lập năm 1999, Lion Air phát triển nhanh chóng, trở thành hãng hàng không giá rẻ hàng đầu của Indonesia, nắm giữ khoảng 45% thị phần trong nước. Lion Air đã ký thỏa thuận hồi tháng 3 năm nay với Airbus mua 234 máy bay chở khách trị giá 24 tỷ USD và trước đó trong năm 2011 đã ký thỏa thuận mua 230 máy bay của Boeing. Hãng có tham vọng sẽ sở hữu đội bay trên 600 chiếc vào năm 2025 và lọt vào nhóm 10 hãng hàng không lớn nhất thế giới về quy mô đội bay. Tuy nhiên, năm 2007, Lion Air là một trong những hàng hàng không Indonesia bị Liên minh châu Âu (EU) cấm bay do các tiêu chuẩn an toàn lỏng lẻo. Sự cố vừa qua tại Bali là vụ tai nạn thứ 6 của Lion Air trong 11 năm qua.