Vườn treo Babylon trên mái nhà Beirut

Thứ Bảy, 11/08/2012 14:31 GMT+7

Google News

(TT&VH Cuối tuần) - Khi mà Tổ chức Y tế Thế giới đang đề nghị các quốc gia nên tạo ra khoảng 12m2 mảng xanh trung bình đầu người trong các khu vực đô thị thì ước tính ở Beirut hiện nay mảng xanh chỉ ở mức 0,8m2 trên mỗi đầu người. Đó còn chưa kể trong vòng một thập kỷ tới Thủ đô Beirut của Li-Băng sẽ xây thêm 300.000 tòa nhà trong khu đô thị đông đúc. Chỉ còn một cách tạo mảng xanh, đó là xây vườn trên sân thượng.

Vườn treo hạ giới

Khi kế hoạch này được đưa ra người ta đã gọi đó là một vườn treo Babylon mới bởi nhìn từ trên cao kế hoạch này quả táo bạo khi phủ xanh toàn bộ bề mặt nhìn từ trục cao. Nhìn từ Google Map, hiện nay Thủ đô Beirut chỉ là một mảng nâu xám toàn diện. Thấp thoáng đâu đó có mảng xanh và mảng xanh lớn nhất là Horsh al-Sanawbar, công viên xanh dành cho cộng đồng đã gần như đóng cửa từ giữa những năm 1990. Theo nghiên cứu của một trường đại học Mỹ, thành phố Thủ đô của Lebanon chỉ có 3% diện tích là công viên. Beirut là một thành phố cực kỳ thiếu cây xanh. Việc thiếu cây xanh đã làm cho chất lượng không khí ngày một xấu đi và nảy sinh thêm nhiều vấn đề môi trường khác.

Hình đồ họa thể hiện Beirut sẽ xanh toàn phần khi dự án này được thông qua

Người đề xuất kế hoạch có tên Wonder Forest này là kiến trúc sư (KTS) Wassim Melki, năm nay mới chỉ vừa 28 tuổi. Trong những giải pháp phủ xanh Thủ đô mà chính quyền Beirut đưa ra thì ý kiến của Melki mang tính khả dĩ nhất. Anh đề nghị xây một khu rừng tầng thượng phía trên những khu phố nhộn nhịp tại Beirut. Melki cho rằng tình trạng thiếu thốn mảng xanh trong thành phố là nguyên nhân chính dẫn đến việc suy giảm chất lượng không khí, tích tụ khí nóng và những vấn đề về môi trường khác. Bởi thế chỉ có cách duy nhất là phủ xanh trên mái nhà. Melki nói: “Dĩ nhiên, trồng cây trên mặt đất vẫn tốt hơn, không có gì so sánh được với việc đi bộ trong một công viên rợp bóng cây nhưng mật độ nhà ở của Beirut gần như không còn chỗ cho cây xanh nhú lên, muốn làm thì phải giải tỏa mà điều đó gần như là bất khả khi nhu cầu về nhà ở của Beirut tăng chóng mặt. Vậy thì chỉ còn cách đem màu xanh lên tầng thượng. Chúng tôi chỉ trồng những cây cỡ trung bình, trong những chậu lớn. Có khoảng 80% mái nhà trong thành phố phù hợp với kế hoạch này. Chỉ cần trồng mỗi nhà một cây, cả thành phố Beirut sẽ giống như công viên New York”.

Kiến trúc sư Melki nghiên cứu có khoảng 18.500 nhà cao tầng có sân thượng thích hợp với công trình và 80% trong số đó nằm trong nội vi Thủ đô. KTS này cho rằng nếu chỉ trồng một cây trên tầng thượng tòa nhà thì cả Thủ đô vẫn đảm bảo yêu cầu xanh hóa và không khí của Beirut sẽ được thay đổi đáng kể.

Melki đang nhắm đến mục tiêu trồng tổng cộng 60.000 cây xanh. Anh cho biết ngoài việc làm giảm nồng độ cacbon dioxit trong không khí, những cây xanh này sẽ tạo nên một mái che từ trên cao, phủ bóng râm xuống phố phường và giúp Thủ đô trở nên mát mẻ hơn. Hiện người ta kỳ vọng rất lớn vào dự án này. Bên cạnh những lợi ích về môi trường, xã hội, một khu vườn trên tầng cao của một thành phố đông đúc sẽ là biểu tượng tuyệt vời và hấp dẫn.

Nhiệm vụ bất khả thi?

Bất lợi duy nhất của khu vườn trên cao là nó không thể thay thế bóng mát của những tàng cây dưới mặt đất. Trong khi đó ở điểu kiện trên cao, trồng cây gì, để làm kiểng hay phục vụ cho lợi ích xanh hóa cộng đồng cũng là một việc rất đáng bàn. Beirut nằm trong khu vực có khí hậu đặc trưng vùng Địa Trung Hải. Đặc điểm khí hậu Địa Trung Hải là mùa Hè khô nóng, mùa Đông ẩm ướt, khác với khí hậu gió mùa đất liền ôn đới mùa Hè nóng bức, mưa nhiều và mùa đông khô lạnh. Theo KTS Melki thì điều này cũng chẳng quá quan trọng. Những khu vườn trên cao sẽ không đụng chạm vào hệ thống thoát nước phía dưới vả lại kế hoạch này phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác với người dân. Với khí hậu này người dân có thể biến tầng thượng thành những khu vườn nho nhỏ để trồng những cây trái đặc trưng như cam, quýt hay ô-liu. “Tất cả đều tốt cho môi trường và nếu người dân không tham gia thì kế hoạch này sẽ thất bại”, Melki cho biết.

Dự án đang được triển khai thí điểm ở một số nơi

Tờ Wire cho rằng khái niệm trồng vườn trên tầng cao chẳng có gì là mới nhưng để cả một kế hoạch phủ xanh toàn bộ các tầng thượng của cả một khu đô thị rộng lớn như Beirut thì quả là chưa đã từng làm ra trước đây. Nhưng đây là một kế hoạch mạo hiểm bởi dự án này không chắc những cây xanh được trồng trên tầng thượng sống được với gió thổi mạnh và khí hậu đặc trưng Địa Trung Hải như thế nào, đó còn chưa kể ai sẽ leo thường xuyên lên 15.000 sân thượng để chăm sóc cho cây. Nếu giao dự án này cho người dân thì sự tự giác có được phát huy hay không?

KTS Melki chẳng lo những điều ấy. Anh cho rằng dự án khả thi nhưng không phải dễ dàng thực hiện. “Người dân cần bóng mát và họ phải hiểu rằng Chính phủ đưa ra giải pháp để cùng nhau hợp tác chính vì thế họ phải chăm sóc. Khi dự án được lan rộng và người dân thấy đó là một chuyện cần thiết như ăn uống thì họ sẽ phải lo cho khu vườn của mình. Trồng vườn trên cao khá phức tạp. Nếu trồng ở dưới đất bạn phải đảm bảo về vệ sinh, quy hoạch, hệ thống nước ngầm hay cáp ngầm… thì ở trên cao bạn cũng phải có hệ thống thoát nước cơ bản để điều tiết và cả những vật liệu cách nhiệt”. Trong số 18.500 nhà cao tầng ở Beirut hiện nay có rất nhiều ngôi nhà đã trên 50 tuổi. “Liệu sau này những căn nhà ấy có bị đập đi xây lại hay không thì chúng tôi vẫn chưa biết được”, Melki cho biết. Đó còn chưa kể những cây xanh được trồng sẽ thuộc sở hữu của ai? Nhà nước hay tư nhân hay của gia đình người trồng? KTS Melkin cũng cho rằng quyền sở hữu cũng sẽ là chìa khóa để kế hoạch này thành công. “Có lẽ cư dân có thể mua hoặc một phần cây xanh mà họ chăm sóc và chính phủ sẽ cung cấp về liệu và hỗ trợ giá. Những người chăm sóc có thể bán những thành quả của lao động của họ nếu cây ra thành phẩm”, Melkin nhận định. Hiện đã có một số nơi được làm thí điểm và người ta trồng cây trong chậu.

Nhưng nhìn chung thì người dân Beirut đang nhiệt liệt ủng hộ ý tưởng này, họ đang khát bóng mát mùa Hè. Khu vườn khổng lồ trên cao sẽ giúp làm mát mái nhà, đồng thời sẽ phủ bóng lên đường phố. “Sự tham gia của người dân sẽ là chìa khóa quyết định cho thành công của dự án, không có người dân, dự án sẽ không thể thực hiện”, Melki nói. Nói cách khác, tiếng nói của người dân sẽ tác động vào kế hoạch của chính quyền để có thể duyệt chi phí. Theo dự tính, kế hoạch sẽ ngốn khoảng gần 4 triệu USD nhưng chính quyền sẽ chỉ chịu một phần. Phần khác thì Melki cùng các cộng sự thông qua Tổ chức phi chính phủ ReAct để tìm kiếm nguồn tài trợ. Với 4 triệu USD để phủ xanh cả một Thủ đô quả là một kế hoạch trong tầm tay của KTS trẻ này.

Hoa Thiên (tổng hợp)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›