(Thethaovanhoa.vn) - Việc nới lỏng các biện pháp hạn chế được triển khai để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 không có nghĩa đại dịch đã kết thúc mà đây là sự khởi đầu của giai đoạn tiếp theo. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra nhận định trên tại cuộc họp trực tuyến Bộ trưởng Y tế nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Phát biểu từ Geneva, Thụy Sĩ, người đứng đầu WHO nhấn mạnh tầm quan trọng của giai đoạn kế tiếp trong cuộc chiến chống COVID-19 là các nước cần chú trọng giáo dục, tham gia và tiếp sức cho người dân cùng ngăn chặn và ứng phó nhanh chóng trước nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát.
Ông Tedros bày tỏ sự phấn khởi trước việc một số nước trong nhóm G20 bắt đầu đưa ra kế hoạch để chuẩn bị nới lỏng hạn chế xã hội. Theo ông, điều quan trọng là kế hoạch này phải được thực hiện theo từng giai đoạn.
- WHO cảnh báo bệnh COVID-19 nguy hiểm gấp 10 lần bệnh cúm H1N1
- WHO kêu gọi cải thiện phúc lợi cho nhân viên y tế
Tại hội nghị, ông Tedros bày tỏ quan ngại sâu sắc về tốc độ lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2 tại một số nước thiếu năng lực ứng phó trong nhóm G20. Do đó, ông Tedros cho rằng cần có sự hỗ trợ cấp bách, song song với việc tiếp tục đảm bảo dịch vụ y tế thiết yếu. Một lần nữa, ông kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết phòng chống dịch COVID-19.
Ông Tedros đã đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh nhiều nước bắt đầu nới lỏng một số hạn chế nhằm dần đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Tây Ban Nha, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của COVID-19 tuyên bố sẽ nới lỏng hạn chế như cho phép trẻ em được ra ngoài dù vẫn quyết định gia hạn lệnh phong tỏa trên cả nước. Thụy Sĩ, Đan Mạch và Phần Lan đều đã mở cửa trở lại một số cửa hàng và trường học. Trong khi đó, Italy cũng đang cân nhắc nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, sau khi ra tuyên bố đã kiểm soát được đại dịch, từ ngày 20/4, Đức cho phép mở lại các cửa hàng có diện tích không quá 800 m2, ngoại trừ các cửa hàng bán ô tô, xe đạp và nhà sách được phép mở cửa mà không phải xét đến diện tích. Một số trường mở cửa trở lại, bắt đầu với những lớp phải thi tốt nghiệp hoặc chuyển cấp.
Trong khi đó, quốc gia châu Âu này vẫn thực hiện các lệnh hạn chế như các nhà trẻ, khu vui chơi, thể thao...tiếp tục phải đóng cửa; hạn chế ra ngoài đường; cấm gặp gỡ, tiếp xúc trên 2 người ở nơi công cộng (trừ những người là thành viên gia đình) và giữ khoảng cách từng người tối thiểu 1,5m – quy định này sẽ được kéo dài tới ngày 3/5. Các hoạt động tôn giáo tụ tập nhiều người tại các nhà thờ, đền thờ, giáo đường hoặc địa điểm tôn giáo tại Đức cũng đều bị cấm. Các sự kiện lớn sẽ tiếp tục bị cấm tổ chức cho tới ngày 31/8. Chính quyền các bang được phép điều chỉnh thực hiện các quy định phù hợp với tình hình thực tế.
Cũng từ ngày 20/4, việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng (không bắt buộc là khẩu trang y tế, có thể chỉ là một chiếc khăn quấn che miệng và mũi) là bắt buộc tại một số thành phố và bang của Đức. Dự kiến, Chính phủ và các bang sẽ nhóm họp trực tuyến vào ngày 30/4 để thảo luận điều chỉnh các quy định áp dụng sau ngày 3/5 tới.
Trước đó, ngày 18/4, Iran - quốc gia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất khu vực Trung Đông, cũng đã cho phép một cơ sở kinh doanh nguy cơ thấp khôi phục hoạt động.
Lan Phương-Mạnh Hùng/TTXVN
Tags